Thứ tư, 6/3/2013, 17h03

Rèn kỹ năng diễn đạt cho học sinh

Một buổi sinh hoạt chuyên môn về phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột của giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng)

Được áp dụng trong thời gian gần đây, phương pháp Bàn tay nặn bột đã phần nào chứng minh được ưu điểm của nó qua tính sáng tạo, mạnh dạn, tự tin và chủ động của học sinh (HS). Thông qua sự hướng dẫn của giáo viên, HS thỏa thích nghiên cứu, phát hiện và trình bày ý kiến tự chủ của mình. Từ đó, sự thụ động “thầy đọc, trò chép” mất dần, thay vào đó qua quan sát thực tế, HS tự rút ra kết luận và nhận biết bản chất vấn đề…
Phương pháp dạy ảnh hưởng trực tiếp
Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Chủ yếu là chú trọng đến việc hình thành các kiến thức cho HS bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống thông qua việc thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu… Theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên đứng lớp, điều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của phương pháp giảng dạy này không chỉ ở đồ dùng giảng dạy và các phương tiện hỗ trợ, mà còn ở cách thức tổ chức một tiết dạy sao cho HS chiếm lĩnh được các khái niệm khoa học và kỹ thuật thực hành, kèm theo là sự củng cố ngôn ngữ viết và nói. Hay nói cụ thể đó là phương pháp truyền đạt của giáo viên đến HS.
Cô Trần Kiều Trân, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Muốn HS tập trung sự chú ý vào bài học, giáo viên cần phải nghĩ ra cách đưa chủ đề bài học vào các thí nghiệm, trò chơi một cách hấp dẫn. HS sẽ cuốn theo sức hấp dẫn đó và một khi đã tạo được sự hứng thú thì các em sẽ mạnh dạn hơn, sự sáng tạo từ đó sẽ được các em phát huy tối đa chứ không còn rụt rè như khi bị hỏi bài đột ngột đầy thụ động nữa”. Dẫn chứng kinh nghiệm, ở một tiết học khoa học tự nhiên lớp 4, cô Trân bước vào lớp không như thường lệ lâu nay - cô bắt đầu bài giảng có tiêu đề Không khí có những tính chất gì bằng cách gọi 4 HS lên bảng chơi trò thổi bong bóng. Tiếp đó cô bắt đầu gợi ý: “Các em có biết cái gì làm cho bong bóng căng lên không?”. Sau đó cô cho HS đâm thủng các bong bóng đang căng hơi để các em tự thảo luận về tính chất của không khí.
Cùng một bài học trên, cô Trân phân công một nhóm khác dùng ống bơm kim tiêm (không có kim) rồi hướng dẫn các em tự rút không khí vào ống, dùng một tay bịt đầu rồi thả cần đẩy để tự khám phá sự nén lại của không khí… Sau khi tự làm thí nghiệm, quan sát, HS thảo luận, đặt câu hỏi theo nhóm. Sau đó, cô chỉ định một HS bất kì để yêu cầu em trình bày các ý kiến, nếu HS nào trình bày chưa đúng với kiến thức cần cung cấp thì giáo viên gọi thêm những HS khác cho đến khi nào đúng. “Điểm đặc biệt của phương pháp này là trong quá trình HS phát biểu, giáo viên không được ngắt lời các em và tuyệt đối không được nhận xét là ý kiến của em đúng hay sai ngay lúc đó mà phải chờ đến khi kết thúc bài học mới tập cho các em cách kết luận đầy đủ và chính xác nhất”, cô Trân cho biết.
Nếu như ở lớp 4, môn tự nhiên và xã hội có nhiều bài học khá trừu tượng, đòi hỏi HS phải quan sát, phân tích thì ở lớp 1, các bài học làm quen với khoa học của các em khá đơn giản, như: Cho các em làm quen với bút chì, bút màu, giấy màu, đất nặn… Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là phương pháp tổ chức tiết dạy của giáo viên làm sao cho HS hình dung được các khái niệm về đồ vật một cách ngắn gọn, súc tích, nhớ lâu nhất và đặc biệt là khi nhắc đến một đồ vật nào đấy các em có đủ ngôn ngữ và tư duy về nó để diễn đạt suôn sẻ.
“Có bột mới gột nên hồ”
Theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên cũng như các cán bộ quản lý giáo dục bậc tiểu học ở TP.Đà Nẵng, việc đưa phương pháp Bàn tay nặn bột vào giảng dạy đã tạo điều kiện cho HS phát triển kỹ năng, nhất là kỹ năng diễn đạt. Qua các tiết học sinh động,bất kỳ HS nào cũng có thể tự tin phát biểu chứ không còn thụ động vào lớp trưởng, tổ trưởng hay nhóm trưởng nữa. Thế nhưng để làm được điều đó, ngoài phương pháp dạy học linh hoạt của giáo viên, cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía khác. Sự quan tâm của thầy cô về việc dặn dò, hướng dẫn các em chuẩn bị những bước cần thiết ở nhà trước khi vào bài học là điều vô cùng quan trọng. Vì phạm vi một tiết học không thể thúc đẩy một cái hạt nảy mầm thành cái cây. Một điều đáng chú ý khác là sau mỗi buổi học với nhiều tranh luận sôi nổi, khi kết thúc bài giáo viên cần phải thu hút sự chú ý của HS vào kết luận của mình để các em tự thấy suy nghĩ, ý kiến của mình thiếu và sai ở đâu để sửa.
Theo cô Văn Thị Thúy Nga, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu), với thời lượng của một tiết dạy 45 phút, việc áp dụng phương pháp dạy học này còn hạn chế ở chỗ bàn ghế đang ngay thẳng theo hàng, nếu xếp ngược lại theo nhóm thì mất khá nhiều thời gian; việc chia nhóm một cách ngẫu nhiên cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, những bài học như sơ đồ mạch điện… để cho HS làm thực nghiệm hoặc giáo viên làm mô hình dòng điện cũng không đơn giản. Cũng theo nhiều giáo viên trực tiếp dạy theo phương pháp này, việc đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu là yếu tố tác động không nhỏ đến kết quả học tập của các em.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Việc đưa phương pháp Bàn tay nặn bột vào giảng dạy đã tạo điều kiện cho HS phát triển kỹ năng, nhất là kỹ năng diễn đạt.