Thứ tư, 30/11/2011, 15h11

Sử dụng đồ dùng dạy học thế nào đạt hiệu quả?: Bài 3: Phải phù hợp với yêu cầu bài học

Học viên Trung tâm GDTX Chu Văn An trong giờ thực hành môn lý

Các loại đồ dùng - thiết bị dạy học không phải cứ có đủ là tốt mà quan trọng là phải biết sử dụng và bảo quản như thế nào để phát huy được hiệu quả và tính năng của chúng. 
Cách dùng hợp lý
Trong lý luận cũng như trong thực tiễn dạy học không ai phủ nhận vai trò quan trọng của đồ dùng trực quan khi giảng dạy. Nếu sử dụng tốt, đúng bài bản thì các loại giáo cụ đó sẽ huy động được sự tham gia của nhiều loại giác quan, kết hợp một lúc hai hệ thống tín hiệu với nhau. Vừa nghe bằng tai lại được nhìn bằng mắt thì học sinh (HS) sẽ hiểu kỹ nhớ lâu, phát triển năng lực chú ý quan sát của mình. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là người thầy phải sử dụng như thế nào cho hiệu quả, phát huy được vai trò tối ưu của đồ dùng dạy học khi sử dụng. Thực tế cho thấy nếu quá lạm dụng hoặc dùng chưa đúng mức rất dễ làm cho HS bị phân tâm, phân tán tư tưởng trong tiết học dẫn đến năng lực tư duy trừu tượng bị hạn chế. Theo cô Nguyễn Thị Lệ Giang - GV dạy sử Trường THCS Độc Lập, quận Phú Nhuận - đồ dùng trực quan có bốn loại chính, đó là đồ dùng trực quan hiện vật, đồ dùng trực quan tạo hình, đồ dùng trực quan quy ước. Vì thế khi sử dụng phải lựa chọn các loại đồ dùng trực quan phù hợp với mục đích yêu cầu bài học, đi theo một trình tự nhất định. Ngoài ra, GV phải biết kết hợp với nhiều phương pháp khác như: miêu tả, tường thuật, phân tích để giúp tất cả các HS có cơ hội quan sát. Nhiều GV khẳng định, HS nào học kỹ lý thuyết thì khi thực hành sẽ tiếp thu kiến thức nhanh hơn và ngược lại, những em nào biết quan sát, thích tìm hiểu trong các giờ thực hành thì những “lỗ hổng” về lý thuyết sẽ được bổ sung kịp thời. Tuy nhiên điều mà các thầy cô quan tâm là trước khi vào giờ thực hành HS phải được chuẩn bị trước về kiến thức và quy trình làm việc. Có như vậy thao tác thực hành mới nhanh, gọn và khoa học. Thực hành gây cho HS niềm hứng thú để hiểu bài và khi đã hiểu bài thì các em càng có hứng thú học tập hơn.
Cô Phan Thị Thu Hường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi - trao đổi: “Hiện nay cơ chế cung cấp trang thiết bị cho các trường đã được cải tiến và phù hợp với nhu cầu thực tế của từng trường hơn. Nếu trước đây được cấp cái gì thì lấy cái đó, bây giờ ngược lại, phải theo đề nghị từ các tổ chuyên môn. Không chỉ họ đề xuất về chủng loại mà còn đề nghị về số lượng nữa. Xài bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, nếu mua một lần các loại hóa chất với số lượng lớn thì mau hư, để lâu không được…”.
Rất cần chế độ bảo trì
Việc bảo dưỡng, giữ gìn các loại đồ dùng - thiết bị trong phòng thực hành cũng là một yêu cầu cao đối với mọi người. Trước hết các dụng cụ, máy móc phải có một nơi chứa rộng rãi, thoáng mát và hợp lý. Nhưng thực tế lại khác, một số trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu phòng ốc nên phòng thực hành - thí nghiệm bao giờ cũng được “ưu tiên” sau cùng. Mặc dù là phòng thí nghiệm nhưng thực chất chẳng khác gì một nhà kho để chứa đồ. Tình trạng đồ dùng dạy học ba bộ môn lý - hóa - sinh được “nhét” vào một kho là “chuyện thường ngày ở huyện” tại các trường có cơ sở vật chất thiếu thốn. Đó là nguyên nhân làm cho đồ dùng - thiết bị dạy học mau bị hư hỏng. Chất lượng sản phẩm vốn đã kém lại giữ gìn thiếu cẩn thận nên hư hao là chuyện tất yếu phải xảy ra.
Thực tế hiện nay có nhiều trung tâm GDTX và trường phổ thông (nhất là cấp TH và THCS) vẫn chưa đủ biên chế về đội ngũ cán bộ thư viện, thiết bị. Không có chuyên môn hoặc trái chuyên môn lại phải coi sóc một lúc nhiều phòng thí nghiệm nên một số người thiếu “lửa” với công việc. Tuy cũng học từ trường sư phạm ra, cũng là gốc GV nhưng không trực tiếp dạy HS nên hầu hết cán bộ quản lý thiết bị bị “cắt” tiền đứng lớp, trong khi đó chế độ đãi ngộ cũng không được thỏa đáng. Do đó, chỉ những ai thật sự say mê với nghề, yêu công việc đang làm, tận tâm với HS và nhà trường thì mới vượt qua được những khó khăn đó để giúp đồng nghiệp có được những tiết dạy thực hành hoàn hảo nhất. Mặc dù là một GV dạy giỏi của Trường THPT Nguyễn Trãi nhưng thầy Huỳnh Quan Trinh vẫn vui vẻ nhận thêm công việc phụ trách phòng thí nghiệm môn hóa học. Hơn 40 tuổi, chưa lập gia đình nên thầy coi phòng thí nghiệm như ngôi nhà thứ hai của mình. Hầu như ngày nào thầy cũng có mặt ở phòng, khi thì xếp lọ thủy tinh vào lò sấy, hay lau chùi kệ giá, bàn ghế… để chuẩn bị cho những tiết thực hành kế tiếp. Chính vì thế nhiều GV bộ môn trong trường luôn an tâm và không phải lo lắng mỗi khi xuống “ phòng thầy Trinh” dạy tiết thực hành.
Bài, ảnh: P.N.Q
Thực hành gây cho HS niềm hứng thú để hiểu bài và khi đã hiểu bài thì các em càng có hứng thú học tập hơn.