Thứ tư, 30/9/2009, 17h09

Thành lập trường đại học, cao đẳng mới: Dễ mở trường, khó bảo đảm chất lượng

Một năm học mới lại đang bắt đầu với hơn 1,7 triệu sinh viên (SV) cả nước và 376 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), trong đó có 23 trường mới được thành lập trong năm học 2008-2009 vừa qua… Sự nhảy vọt về quy mô đào tạo cùng những vấn đề nảy sinh khiến ngành giáo dục đang phải tăng cường những biện pháp kiểm soát chất lượng đào tạo và điều chỉnh các quy định liên quan tới việc cho ra đời một trường ĐH, CĐ mới…
Giảng viên "vay mượn", cơ sở vật chất tạm bợ
Các trường ĐH, CĐ mới cần phải bảo đảm cả về chất và lượng để thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục.
Trong một cuộc họp bàn về giáo dục ĐH trước thềm năm học 2009-2010, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra một trong những nguyên nhân hạn chế chất lượng đào tạo: Nhiều trường thành lập mới, nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên CÐ hoặc CÐ lên ÐH, chủ yếu là trường tư thục và trường thuộc các địa phương, chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường. Tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển trường chậm, ảnh hưởng đến điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Hạn chế lớn nhất là đội ngũ giảng viên, vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ, thạc sĩ thấp so với mặt bằng chung của toàn hệ thống giáo dục ĐH.
Người đứng đầu ngành giáo dục dẫn giải: Sau 22 năm đổi mới, hệ thống giáo dục ĐH nước ta đã có những thay đổi lớn về quy mô. Nếu như năm 1987, cả nước mới chỉ có 101 trường ÐH, CÐ thì đến năm 2009 có 376 trường (tăng 3,7 lần); tổng số sinh viên tăng từ hơn 133 nghìn lên hơn 1,7 triệu (gấp 13 lần). Trong khi đó, số giảng viên chỉ tăng từ hơn 20 nghìn người lên hơn 61 nghìn (gấp ba lần). Từ chỗ trung bình cả nước có 6,6 sinh viên/giảng viên năm 1987 thì đến năm 2009 lên tới 28 sinh viên/giảng viên, thậm chí có trường lên tới gần 100 sinh viên/giảng viên. Trước sự thiếu hụt giảng viên trầm trọng, nhiều trường mới thành lập đã "vay mượn" gần như toàn bộ đội ngũ giảng viên khi làm hồ sơ thành lập trường.
Kết quả kiểm tra bảng lương và danh sách trích ngang của một số trường cho thấy rõ tình trạng này. Một trường CĐ gửi báo cáo là có 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ nhưng bảng lương cho thấy chỉ có 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ. Có trường ĐH tuyển sinh và đào tạo tới 12 ngành nhưng chỉ có 3 giảng viên có trình độ tiến sĩ; có trường ĐH tư thục mở 7 ngành đào tạo nhưng chỉ có duy nhất một giảng viên là tiến sĩ...
Vừa tìm mọi cách "lách luật" với quy định về đội ngũ giảng viên, nhiều trường vừa phải vất vả xoay xở với cơ sở vật chất nghèo nàn, chắp vá. Theo quy định hiện hành, một trường ĐH tư thục cần có diện tích đất tối thiểu đạt 10 m2/sinh viên, trong đó tối thiểu là 4m2 dành cho học tập, thí nghiệm... Nhưng số trường đạt được tiêu chuẩn trên là rất hiếm hoi trong khi có trường phải thuê toàn bộ cơ sở đào tạo ở bên ngoài hoặc tổ chức lớp học trong những nơi tạm bợ, phân tán. Kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT cho biết có trường thành lập đã 16 năm vẫn phải thuê hàng chục địa điểm để dạy học. Đến phòng học còn thiếu thốn nên việc bảo đảm các điều kiện khác như trang thiết bị thí nghiệm, phòng thực hành, hệ thống thư viện... lại càng xa vời.
Mở trường mới, cần hai quy định riêng?
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, việc giáo dục ÐH nước ta phát triển về số lượng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là vì: Trong thời gian dài chúng ta không có kế hoạch và chính sách cấp quốc gia để bảo đảm đủ các yếu tố đầu vào của trường ĐH, CĐ, bao gồm lực lượng giảng viên có trình độ tương ứng, cơ sở vật chất, sách giáo khoa, đội ngũ quản lý của các trường, đất đai... khi cho phép thành lập nhiều trường ÐH, CÐ. Để khắc phục tình trạng này, gần đây, Bộ GD-ÐT đã triển khai các giải pháp như: thiết kế và khởi động chương trình đào tạo 20 nghìn tiến sĩ từ năm 2008 đến năm 2020, trong đó 10 nghìn tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài; hình thành thư viện giáo trình điện tử với hơn 1 nghìn giáo trình đã được đưa lên mạng để dùng chung; tổ chức các khóa bồi dưỡng cho 250 hiệu trưởng, hiệu phó các trường ÐH, CÐ...
Bên cạnh đó, một trong những biện pháp được hy vọng là hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo là có những quy định hợp lý hơn trong việc thành lập các trường ĐH, CĐ mới. Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã tính tới điều này khi có quy định riêng về điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục. Theo đó, một trường có thể được thành lập khi có dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mạng lưới cơ sở giáo dục; có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính; tổ chức bộ máy, đội ngũ quản lý và nhà giáo có thể thực hiện mục tiêu giáo dục và đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường. Còn điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục để trường đi vào hoạt động và tiến hành tuyển sinh là phải có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường, có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; đặc biệt nhấn mạnh tới cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng và đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Chính điều kiện thứ hai nói trên được nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định là khâu cần làm chặt chẽ để khắc phục tình trạng "trăm hoa đua nở" mà khó bảo đảm chất lượng đào tạo như hiện nay.
Quỳnh Phạm (Hà Nội mới)