Thứ tư, 18/8/2010, 15h08

Thúy Kiều sang nhà trọ của Kim Trọng lần thứ nhất

Việc Thúy Kiều sang nhà trọ của Kim Trọng có ba chuyện khá hấp dẫn. Qua đấy, ta thấy dụng tâm nghệ thuật cũng như sự tinh tế của đại thi hào Nguyễn Du.
1. Thúy Kiều ở nhà một mình: Nguyên do, cả nhà họ Vương về bên ngoại dự lễ sinh nhật. Trong đoàn người đi dự lễ ấy không có Thúy Kiều.
Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) cho Thúy Kiều “cáo bệnh xin ở nhà”, (thác bệnh bất hành). Thúy Kiều muốn mình ở lại nhà mới thác bệnh, nghe qua cũng thấy chuyện bình thường. Nhưng có gì như thiếu trong sáng, đường hoàng.
Nguyễn Du không nêu lí do vì sao Thúy Kiều ở nhà, cụ chỉ viết một dòng thơ: Trên hai đường, dưới nữa là hai em. Trên là cha mẹ, dưới là hai em, vậy giữa là Thúy Kiều. Thúy Kiều bị bỏ rơi không có mặt trong đoàn người ấy. Thúy Kiều ở nhà một mình. Và, nhân cơ hội ấy Thúy Kiều mới nghĩ đến chuyện gặp mặt chàng Kim: Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay. Rõ ràng cách sắp xếp ý cụ Nguyễn và TTTN hoàn toàn khác nhau. Âu cũng là một điều tế nhị.
2. Thúy Kiều gặp Kim Trọng: Cả nhà đi rồi, Thúy Kiều sắm sửa một ít thức ăn quý hiếm và gót chân thoăn thoắt dạo ngay mé tường. Không khó khăn gì, Kim Trọng đã chờ sẵn bên kia tường nhà Thúy Kiều.
Nguyễn Du miêu tả điều ấy thật lịch sự, dễ thương: Cánh hoa sẽ đặng tiếng vàng/ Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông. Chuyện đơn giản: Thúy Kiều muốn gọi chàng Kim nhưng như vậy lộ liễu quá. Nàng đằng hắng nhưng sự đánh động ấy nho nhỏ, kín đáo (sẽ đặng, sẽ cũng như khẽ). Cũng không chờ chàng Kim lên tiếng, Kiều đã thấy chàng đứng đợi ở dưới bông hoa (phải chăng đây là sự đối ứng. Ngày nào hai kiều e lệ nép vào dưới hoa, nay vị trí ấy lại là chàng Kim). Hai chữ hoa, chữ thứ nhất là Thúy Kiều, chữ thứ hai là chàng Kim. Sự tương xứng đôi cặp đến đẹp đẽ, cao sang.
TTTN lại cho Thúy Kiều “vừa đến đầu tường trông sang, thấy Kim Trọng đã thẩn thơ ngồi đó”. (tảo dĩ tại ná lý si tọa). Nếu Nguyễn Du cho Kim Trọng đứng dưới hoa, sang trọng bao nhiêu thì TTTN lại cho chàng trai si tình ấy ngồi (si tọa). Chi tiết nhỏ thôi, nhưng cách miêu tả, cách biểu hiện ở hai tác giả quá khác nhau.
3. Lời trách của chàng Kim và lời thanh minh của Thúy Kiều: Nguyễn Du đã chọn chỗ đứng cho chàng Kim lịch sự thì lời trách của chàng Kim hơi nặng nhưng cũng thật “có văn hóa”: Trách lòng hờ hững với lòng/ Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu/ Những là đắp nhớ đổi sầu/ Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm. Thúy Kiều với những lời đằm thắm thưa với chàng: chàng hiểu cho, thiếp muốn sang gặp chàng nhưng nhiều khó khăn trở ngại lắm (khi thì gió bắt, khi thì mưa cầm chân). Nàng rằng: “gió bắt mưa cầm”. Vì vậy thiếp ăn ở tệ với chàng. Hôm nay được buổi cả nhà đi vắng Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng! Nếu Kim Trọng trách Trách lòng hờ hững với lòng, Kiều cũng nói hai chữ lòng (hai đối tượng) thanh minh nhẹ nhàng mà sâu nặng tình nghĩa.
Xem lại TTTN, chỗ này e quá đời thường nếu không nói là vụng về: “Kim Trọng thoạt thấy Thúy Kiều, liền dẫm chân nói (tiện trật túc đạo): “Con người mà sao nhẫn tâm thế…”.
Lê Xuân Lít