Thứ tư, 15/9/2010, 14h09

Thúy Kiều sang nhà trọ Kim Trọng lần thứ hai

Cái đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng, những điều kỳ diệu chúng tôi đã trình bày ở bài trước. Sau đây là hai sự kiện tuyệt vời mà có lẽ cũng xin trình bày với bạn đọc:
1. Thúy Kiều và Kim Trọng chỉ còn là một: Tả một đôi tình nhân thương yêu nhau, họ ôm nhau, quả là điều khó. Bởi tả sao cho thanh cao, kín đáo tránh được tự nhiên chủ nghĩa. Nguyễn Du viết: Chén hà sánh giọng quỳnh tương/ Dải là hương lộn bình gương bóng lồng. Chén hà là loại chén quý, chén ngọc màu vàng như ánh sáng của mặt trời (Bùi Kỷ), chén này là của tiên uống rượu (Phạm Kim Chi). Thúy Kiều và Kim Trọng dùng chén tiên uống để cùng nhau mừng cho duyên hội ngộ. Họ uống một thứ rượu làm bằng nước ngọc quỳnh (quỳnh tương). Thứ rượu này, uống một chén trong bụng sinh ra trăm mối tình cảm (Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh - Đường thi)… Chúng tôi nói kỹ như vậy may ra tìm được dụng ý của Nguyễn tiên sinh. Bởi sau đó, cụ Nguyễn cho hai người ôm nhau thắm thiết. Trong lòng quá thương nhau, lại thêm việc uống một chén quỳnh tương nên họ mới thương nhau trong một hành vi cần có của đôi bạn tình. Và, Nguyễn Du đã tả sự ôm nhau ấy: Dải là hương lộn - Dải là, ngày xưa trai gái ngoài chiếc áo mặc có một dải lụa quấn quanh người. Nếu Thúy Kiều sau lần ôm Kim Trọng, về nhà ngửi vào dải là của mình, trên mảnh lụa ấy không còn mùi riêng của Kiều, mùi ấy đã bị lộn (quyện lẫn) với mùi hương của chàng Kim. Kim Trọng chắc cũng thấy dải là của mình như thế. Vậy khi nào hương thơm của người này bay sang lẫn lộn với hương thơm của người khác? Có hai điều kiện, một là ôm nhau phải lâu lắm, và thứ hai: ôm chặt, ôm sít vào nhau. Chúng tôi đành giảng giải một cách thô thiển để hiểu hết bốn chữ dải là hương lộn! Còn đây, bóng của hai người, nếu nhìn vào gương, hai chiếc bóng đã lồng vào nhau, hai đã thành một: bình gương bóng lồng.
Khi tôi trình bày những suy nghĩ ở trên với GS. Nguyễn Đình Chú, ông vui mừng hết mức và ông kết luận: hóa ra cụ Nguyễn cũng rất phương Tây!
Có thương nhau đằm thắm, tha thiết như vậy mới dẫn đến chuyện xem trong âu yếm có chiều lả lơi!
2. Thúy Kiều đánh đàn: Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều bốn lần đánh đàn. Hai lần dành riêng cho Kim Trọng (đầu và cuối truyện), một lần hầu Hoạn thư (có Thúc sinh), một lần trong bữa tiệc mừng công của Hồ Tôn Hiến. Đã quá nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn bình luận về sự khác nhau bốn lần Thúy Kiều đánh đàn, cái tài của cụ Nguyễn miêu tả mỗi lần một khác ấy. Trong lần đánh cho Kim Trọng nghe (tạm gọi là lần đầu, thật ra chưa hẳn là vậy. Bởi chưa gặp chàng Kim, Thúy Kiều đã soạn và đánh một thiên bạc mệnh lại thành não nhân), ngoài việc nói rõ nội dung tiếng đàn, bản đàn, tác giả còn nói đến lời đề nghị của chàng Kim, hình ảnh Kim nghe đàn. Đáng chú ý: Nguyễn Du miêu tả ngọn đèn khi tỏ, khi mờ/ Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu! Nguyễn Du đã từng tả dòng sông mở lòng đón những luồng sáng của ánh trăng: Vàng gieo ngấn nước, từng tả trăng ôm cây ngả trên nền đất: cây lồng bóng sân, đã từng cho ta thấy một nhành cây si tình: lả ngọn, nhè nhẹ đưa vì trên cành cây ấy có một giọt sương: giọt sương chíu nặng, cành xuân la đà. Và, bây giờ một ngọn đèn khi tỏ, khi mờ, ngọn đèn không phải sắp tắt. Ngọn đèn ấy đang sống, đang tràn đầy một tâm hồn nhạy cảm. Có lẽ ngọn đèn cũng đồng cảm với chủ của nó khi đau đớn, day dứt với câu chuyện Chiêu Quân cống Hồ, rộn rã hồi hộp khi tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau của Hán Sở chiến trường, bay bổng, lâng lâng với mối tình lãng mạn của Tương Như và Trác Văn Quân.
Làm sao nghe tiếng đàn lưu loát như nước chảy, nhẹ nhàng như mây bay (ĐDA) mà không thổn thức, không khi tựa gối, khi cúi đầu?
Lê Xuân Lít