Thứ tư, 27/6/2012, 15h06

Thúy Kiều tự tử lần thứ hai

15 năm lưu lạc của Thúy Kiều sao lắm chuyện hai lần: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, giờ đây lần thứ hai Kiều tự tử. Lần thứ nhất tại lầu xanh Tú bà. Thúy Kiều nghe mụ Tú mắng nhiếc tục tĩu, thậm tệ, Kiều chỉ kêu lên: Trời thẳm, đất dày / Thân này đã bỏ những ngày ra đi. Và, lập tức Kiều lấy dao trong tay áo, tự vẫn. Chóng vánh, nhẹ nhàng, ấy là đặc trưng của lần tự tử thứ nhất. Lần này, lần thứ hai, Nguyễn Du đã miêu tả tâm trạng Thúy Kiều bằng một đoạn thơ dài, những 36 câu, từ câu 2.600 đến 2.636. Tại sao cũng đến với cái chết, lần thứ nhất nhẹ nhàng, thanh thản, lần thứ hai đầy nỗi dằn vặt, khổ đau? Nguyễn Du quả là bậc thầy trong việc xây dựng tâm lí nhân vật. Tự tử lần thứ nhất, Kiều là một thiếu nữ trong trắng, bị lừa, bị sỉ nhục nên đến với cái chết. Tự tử lần thứ hai, cuộc đời Kiều đã trải qua bao nhiêu cay đắng, đau lòng. Chỉ riêng cái chết của Từ, Kiều đã lầm lỗi khuyên chàng ra hàng. Sau cái chết ấy là bộ mặt tên mặt sắt cũng ngây vì tình Hồ Tôn Hiến, rồi cái lệnh quan ép Kiều phải lấy thổ quan… bao việc đắng cay, nhãn tiền. Tự tử lần thứ hai là kết thúc một chuỗi dài năm tháng chân trời mặt biển, mặt nước cánh bèo nên tâm trạng đầy nặng những đớn đau, tủi nhục.
Tài hoa thứ hai của cụ Nguyễn trong 36 câu thơ này là tâm trạng của người khi cái chết đã gần kề. Nghĩ gì, đau buồn ra sao, cụ Nguyễn đã vẽ ra một bức tranh tâm trạng.
Mở đầu là hai câu thơ nói chuyện Thúy Kiều “đi lấy chồng”, lấy tên thổ quan: Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền / Lá màn rủ thấp ngọn đèn khêu cao. Kiệu hoa là kiệu đám cưới, lí ra vui vẻ, hân hoan sao lại áp? Một từ thôi mà tình cảnh, mà tâm trạng! Còn câu thơ 8 chữ có hai việc: Lá màn rủ thấp đó là chuyện người ta, còn Kiều, Kiều khêu ngọn đèn lên cao. Bốn chữ một đối tượng đối đáp nhau, đối lập nhau nhưng chung lại vẽ nên một cảnh tượng.
Thế Thúy Kiều khêu cao ngọn đèn để làm sáng tỏ điều gì? Nguyễn Du cứ lật đi lật lại một tâm trạng đau buồn tiếc rẻ: Đành thân cát dập sóng vùi / Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh! Rồi Kiều nghĩ, nếu Kiều chết, cái thân đau đớn ê chề này trôi dạt nơi nao. Chân trời góc bể lênh đênh / Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào?  Mà, nếu sống, sống để làm gì: Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi! Thôi thì chết: Một mình cay đắng trăm đường / Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi.
Triền miên từng suy nghĩ đau đớn ê chề, bỗng có tiếng sóng của thủy triều. Tiếng sóng nước mà nghe như súng nổ: Triều đâu nổ sóng đùng đùng / Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường.
Nguyễn Du lưu ý người đọc: Tiếng thủy triều đến trước, chuyện biết rằng ấy là sông Tiền Đường biết sau. Tại sao vậy? Đã có lần chúng tôi bàn về Nguyễn Du hiểu sâu sắc địa lí Trung Quốc. Chuyện con đường Vô Tích - Lâm Truy và đây là tiếng thủy triều. Nói đến sông Tiền Đường là nói đến thủy triều. Theo sách Hải dương học: Trên thế giới có hai con sông có thủy triều dữ dội nhất: Sông Amazon và sông Tiền Đường.
Thúy Kiều lao mình xuống con sông có thủy triều dữ dội kinh hoàng nhất như muốn tan đi trong con sóng dữ một kiếp giai nhân oan trái.
Lê Xuân Lít