Thứ năm, 24/9/2009, 15h09

Tìm “lối ra” cho sinh viên sư phạm

Đầu vào ngành sư phạm đang có nguy cơ tụt giảm, mà một trong lý do căn bản nhất khiến học sinh có năng lực không mặn mà vào ngành là do “cửa ra” sau khi tốt nghiệp ĐH-CĐ sư phạm hẹp. Nhiều sinh viên sư phạm phải chấp nhận bỏ nghề, nhiều em vô cùng chật vật mới tìm được chỗ dạy.
SV khoa Điện ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hành lắp ráp công tắc, rờ le điện công nghiệp. Ảnh: MAI HẢI
Nghịch lý thiếu và thừa
Bộ GD-ĐT cho hay, tính đến năm học 2007-2008, cả nước có 1.055.078 nhà giáo; tăng 79.800 nhà giáo so với năm học 2004 - 2005. Trong đó, giáo viên (GV) mầm non là 172.978 người, vẫn thiếu so với quy định; GV tiểu học là 344.853 người, so với yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày thì số lượng này mới chỉ đáp ứng được 86% nhu cầu.
Ở cấp THCS, số GV là 312.759 - tuy tỷ lệ GV/lớp là 1,96, vượt 0,06 so với định mức nhưng vì cơ cấu không đồng bộ nên vẫn thiếu GV các môn tin, hóa, sinh, nhạc, công nghệ. Tương tự, cấp THPT số GV là 134.248, tỷ lệ GV đứng lớp là 1,98, vẫn thấp so với định mức quy định là 2,25.
 Như vậy, nhìn một cách tổng thể, ngành GD-ĐT vẫn đang đứng trước bài toán thiếu GV. Đầu năm học mới 2009-2010 này, hàng loạt địa phương vẫn đau đầu với việc thiếu GV. Tại TPHCM, như Báo SGGP đã phản ánh, giáo viên mầm non phải đi dạy... tiểu học.
Tại Hà Nội, dù năm học đã mở, nhưng vẫn phải cấp tốc tuyển thêm hàng trăm GV. Nhưng, nghịch lý của ngành GD-ĐT là ở chỗ, GV thiếu vẫn thiếu, mà thừa vẫn thừa. Sinh viên sư phạm (SVSP) ra trường không dễ tìm được chỗ dạy. Chị Phan Thị Liễu (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu, Nghệ An) tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế khoa Lịch sử hạng khá từ năm 2008, nhưng đã gần 2 năm qua vẫn chưa thực hiện nổi ước mơ đứng lớp.
Chị Liễu cho biết, không thể xin vào được một trường THPT nào ở quê nhà, vì không còn “suất”, chị phải theo chồng chưa cưới lặn lội vào TPHCM lập nghiệp. Thế nhưng, hơn 1 năm qua, đã nộp hồ sơ hàng chục trường tư và quốc tế ở TPHCM (trường công lập thì không tính đến vì không có hộ khẩu), nhưng câu trả lời mà chị nhận được chỉ là chờ và chờ.
“Em đang phải thuê nhà trọ, làm công nhân cho một công ty may Hàn Quốc từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30 hàng ngày. Tháng nào tăng ca thì được 1,8-1,9 triệu đồng tiền lương, còn không chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng, đủ để thuê nhà trọ và chi tiêu, chờ ngày được gọi đi dạy” - chị Liễu buồn bã cho biết.
Thực tế, những trường hợp như chị Liễu không phải là hiếm. Ngoài một số khác chấp nhận rời xa quê hương, gia đình để lập nghiệp ở miền núi, vùng xa, còn rất nhiều SVSP ra trường phải chuyển nghề sau hàng năm trời chạy vạy mà không có đường ra.
Chị Nguyễn Thị Thơm (Hàm Yên, Tuyên Quang) tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khoa Văn năm 2004, sau một hồi vất vả xin việc ở Hà Nội (vì lấy chồng Hà Nội) không được, chị chấp nhận chuyển sang làm nhân viên tiếp thị bảo hiểm, từ giã ước mơ làm cô giáo dạy Văn. “Đến trường nào họ cũng đòi ít nhất 5.000 USD, tôi làm gì có tiền mà chạy” - chị Thơm nhớ lại.
GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay, nhiều SVSP luôn phàn nàn với ông về việc phải mất cả “đống tiền” mới xin được đi dạy. Vậy nên, nghịch lý “thừa thiếu” này đã tồn tại từ lâu, đến mức các nhà giáo dục phải đưa ra khái niệm “thế nào là thừa và thiếu”.
Nếu so với nhu cầu thật thì GV cả nước thiếu; nhưng nếu so với khả năng “có biên chế” thì lại thừa. Nhiều trường cần GV nhưng không có biên chế, không có quỹ lương để trả cho GV, rơi vào cảnh thiếu. Mặt khác, rất nhiều trường hiện nay, thừa GV môn này, thiếu GV môn kia, nhưng tổng thể lại thừa nên thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu.
Đào tạo sư phạm phải có địa chỉ
Chuyện SVSP ra trường khó xin việc làm không còn là câu chuyện mới. Việc để được vào dạy một trường công lập nào đó phải có bao nhiêu tiền, phải là “con ông, cháu cha” là chuyện đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Vấn đề là, thực tế đáng buồn này dù đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng vẫn không hề được giải quyết thấu đáo. Ở Nghệ An, đã có trường hợp cả dòng họ ra “nghị quyết” con em mình không được thi vào SP.
Khi trao đổi với PV Báo SGGP, GS Đinh Quang Báo bức xúc cho rằng, Nhà nước đang đặt vấn đề SVSP phải đóng học phí, ra trường nếu đi dạy mới được miễn. Vậy khi các em học sư phạm xong, bộ không bố trí được cho họ đi dạy thì kỷ luật ai?
SV ĐH sư phạm TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm Lý. Ảnh: Mai Hải
Đi tìm câu trả lời, làm thế nào để SVSP ra trường không phải khốn đốn đi tìm chỗ dạy, những câu trả lời từ các chuyên gia giáo dục mà chúng tôi nhận được là: ngành GD-ĐT phải điều tra lại nhu cầu GV của cả nước, để từ đó đào tạo GV theo kế hoạch.
Chính ông Trần Xuân Mậu, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ GD-ĐT, cũng thừa nhận, ngoài các địa phương thiếu GV, tại nhiều địa phương hiện nay số giáo viên đã bão hòa, trong khi số lượng tuyển mới hàng năm vẫn tiếp tục.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng tư vấn: Hãy đến vùng khó khăn, miền núi, chắc chắn có nhiều nơi rất cần. Ông cũng đã từng thừa nhận, hiện tượng GV khó tìm được việc làm cho thấy ngành giáo dục chưa có dự báo đầy đủ về nhu cầu GV các cấp. Và một lối thoát đã được người đứng đầu ngành GD-ĐT chỉ ra: trong 3 năm tới, các Sở GD-ĐT phải quy hoạch lại nhu cầu GV, tiến hành đào tạo theo đặt hàng cho các trường ĐH, CĐ.
Lối thoát này cũng là mong muốn chung của các nhà giáo dục, vì đó là con đường ngắn nhất để giải nghịch lý thừa-thiếu GV hiện nay.
Tuy nhiên, trong khi chờ giải pháp trong tương lai, theo sáng kiến của PGS-TS Trần Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, hoàn toàn có thể giải quyết “đầu ra” cho GV bằng các chính sách tài chính khuyến khích GV tham gia dạy học có thời hạn, công tác ổn định, lâu dài tại các vùng miền khó khăn.
“GV ở thành thị, đồng bằng thì thừa, nhưng ở vùng sâu, vùng xa rất thiếu. Nếu Nhà nước bảo đảm hỗ trợ thỏa đáng, chắc chắn GV sẽ yên tâm làm nghề” – PGS-TS Trần Trung khẳng định. Thực tế, đã từng có ý kiến đề nghị trả lương cao gấp 2-3 lần cho GV dạy ở vùng khó khăn để “hút” số GV thừa ở đồng bằng.
Lâm Nguyên (SGGP)