Chủ nhật, 19/6/2011, 10h06

Toán học - học mà chơi:Những đề toán thực tế

 Khi đi thực tế ở một trường học, chúng tôi được biết trong khi dạy toán, có thầy giáo đã cố gắng sửa một số đề bài sao cho phù hợp hơn với thực tế cuộc sống.
Có những bài toán được sửa trước khi giải, một số khác thì sau khi giải xong, thầy giáo mới đề nghị cả lớp cùng suy nghĩ để sửa đề bài sao cho phù hợp. Ngẫm ra, đó cũng là một cách phát huy trí tưởng tượng của các em học sinh nên chúng tôi nêu ra ở đây để các em cùng tham khảo, suy ngẫm.
Bất chợt, ta thử tưởng tượng rằng được học những số liệu về Sao Hỏa, biết được nó cách xa Trái Đất của chúng ta bao nhiêu, khối lượng hành tinh đó... Hoặc bờ biển nước ta dài bao nhiêu kilômét, toàn bộ đại dương có bao nhiêu mét khối nước? Có thể đó là tri thức tham khảo cần thiết, thú vị nhưng có thiết thực với ta trong cuộc sống sau này hay không thì cần phải suy nghĩ. Ngày trước thì dựa vào sách, còn với thời đại internet như bây giờ, tri thức trên có thể tìm hiểu rất nhanh chóng nếu em có chút hiểu biết đơn giản về máy tính và công cụ tìm kiếm trên mạng.
Trở lại với đề toán thực tế, chúng ta cùng xem những điều thú vị có thể giúp em học toán tốt hơn. Bài toán 1: Em hãy quan sát xem một đồng hồ kim ta thường gặp (kim giờ quay 12 tiếng một vòng) thì từ 0 giờ đến 12 giờ trong ngày, kim giờ và kim phút gặp nhau bao nhiêu lần? Bài toán 2: Biết ngày 19 tháng 6 năm 2011 là chủ nhật. a) Hãy tính xem ngày 2 tháng 9 năm nay là thứ mấy? b) Hỏi tháng 10 năm 2011 có mấy ngày thứ hai? c) Hỏi năm 2011 có những tháng nào có 5 ngày chủ nhật? Bài toán 3: Một căn phòng hình chữ nhật có chiều dài 5m, chiều rộng 4m, chiều cao 3m và có một cửa đi có chiều rộng 1m, chiều cao 2m cùng một cửa sổ rộng 1m, cao 1,5m. Hỏi nếu quét sơn căn phòng đó (gồm cả trần nhà) thì diện tích cần quét là bao nhiêu mét vuông? Bài toán 4: Năm nay Nam 10 tuổi, mẹ Nam 36 tuổi. Hỏi sau mấy năm nữa tuổi của mẹ Nam sẽ gấp 3 lần tuổi của Nam?
Lời bàn. Khi chúng tôi nêu bài toán 1, một bạn học sinh đã lấy đồng hồ đeo tay ra quay, một số bạn khác thì phân tích, tưởng tượng ra rồi trả lời. Khi hỏi những bạn học cuối cấp THCS bài toán tương tự là kim giờ và kim phút bao nhiêu lần vuông góc với nhau thì ít bạn trả lời đúng (trong kỳ thi Olympic Toán Tuổi thơ toàn quốc 2011). Rõ ràng, nếu chúng ta ít được học những vấn đề thực tế thì khi gặp sẽ bối rối. Bài toán 2 thuộc dạng mở, ta có thể chọn một ngày bất kỳ làm mốc thời gian rồi nêu những câu hỏi tương tự. Bài toán 3 có thể mở rộng, nêu yêu cầu học sinh về nhà cùng phụ huynh giúp đo đạc một căn phòng rồi tính toán bài toán tương tự. Bài toán 4 cũng có thể yêu cầu học sinh đặt đề bài tương tự bằng thực tế tuổi, chỉ cần thay đổi câu hỏi tuổi gấp mấy lần.
Vài ví dụ trên cho thấy quanh ta luôn có những bài toán thực tế mà nếu tìm hiểu sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học toán.
Kỳ này, các em hãy giải những bài toán thực tế trên hoặc đưa ra những đề toán tương tự. Bài gửi về địa chỉ: Hoàng Trọng Hảo, tạp chí Toán Tuổi thơ, 361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội, ngoài phong bì ghi rõ “Dự thi Học mà chơi - chơi mà học của Báo Hànộimới”.
Theo HaNoimoi