Thứ sáu, 25/7/2014, 09h07

Trường dạy trẻ tự kỷ: Trẻ bơ vơ, trường kêu khó

Vừa qua, đoạn video clip dài hơn 3 phút ghi lại cảnh các giáo viên ở Trường Chuyên biệt Anh Vương (quận Tân Bình TPHCM) dùng khúc cây, móc quần áo đánh học sinh đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Song, vì sao một ngôi trường đã hoạt động ổn định hơn 5 năm, hiện đang tiếp nhận gần 30 trẻ tự kỷ đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước lại bị phát hiện không có giấy phép hoạt động, bảo mẫu thiếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ?

Trẻ tự kỷ nếu được học tập, vui chơi đúng phương pháp sẽ sớm có cơ hội quay lại cuộc sống bình thường.

Bao giờ mới hết kỳ thị?

Có mặt tại Trường Chuyên biệt Anh Vương vào trưa 22-7, một ngày sau khi đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT TPHCM tiến hành lập biên bản, yêu cầu giải thể do hàng loạt sai phạm của ngôi trường này, ghi nhận cho thấy bảng tên trường đã được tháo xuống. Hơn hai phần ba số học sinh đang theo học tại đây đã được phụ huynh đón về nhà. Khi chúng tôi hỏi sẽ gởi con ở đâu, những phụ huynh này đều lắc đầu cho biết: “Tìm trường phù hợp với tụi trẻ khó lắm. Trước mắt cứ chở về nhà nhờ người quen trông giúp”.

Theo lời kể của một phụ huynh, trước khi gởi con ở đây, chị đã tìm hiểu qua nhiều nơi khác. “Nơi thì chật chội, sĩ số đông, học sinh bị ghép nhiều dạng tật như tự kỷ, rối loạn cảm xúc vào cùng một lớp. Nơi rộng rãi, thoáng mát thì học phí cao, cộng thêm một số yêu cầu về thời gian đưa đón khiến phụ huynh có rất ít lựa chọn”, chị này cho biết. Giải thích lý do vì sao gởi con ở Trường Chuyên biệt Anh Vương, nhiều phụ huynh cho biết do trường có tổ chức các lớp giữ trẻ nội trú, quy định độ tuổi không giới hạn nên phù hợp với đa số nhu cầu của phụ huynh.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều hộ dân sống gần khu vực đó, dù mang tiếng là trường học nhưng nhiều năm qua, hai cánh cổng trường bằng lưới sắt lúc nào cũng đóng kín. Người ở bên ngoài, thậm chí ngay chính phụ huynh cũng không biết bên trong các em được học những gì, nuôi dạy như thế nào. Chính những hạn chế này đã đẩy những đứa trẻ đáng thương vào ngôi trường “học mà như cầm tù”.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn TP hiện có 25 trường chuyên biệt, tiếp nhận hơn 2.700 học sinh khuyết tật của TPHCM và tỉnh, thành lân cận. Trong đó, nhiều nơi cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng, như các trường chuyên biệt ở quận 5, huyện Củ Chi, Cần Giờ. Một số trường được cải tạo lại từ nhà phố, có quy mô nhỏ, thiếu sân chơi và phòng tập chức năng khiến chất lượng dạy học không đảm bảo.

Cô N.T.M., giáo viên Trường Chuyên biệt N.T. (quận Phú Nhuận), bày tỏ: “Trên lý thuyết, trường chuyên biệt chỉ tiếp nhận những trường hợp trẻ mắc bệnh tự kỷ ở mức độ nặng, cần sự can thiệp và hỗ trợ của các phương pháp y học. Những trường hợp bệnh nhẹ, phụ huynh có thể tìm đến các lớp hòa nhập ở trường tiểu học dành cho học sinh bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, các trường tiểu học hiện nay đều từ chối tiếp nhận học sinh khuyết tật do lo sợ những phụ huynh khác phản đối. Trường chuyên biệt vì thế đã ít lại càng thêm quá tải”.

Thầy Lê Thái Minh Hầu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5) - một trong số những trường học hiếm hoi của TP tiếp nhận học sinh khuyết tật, cho biết liên tục trong hai năm học 2012 - 2013, 2013 - 2014, trường phải xin thêm chỉ tiêu tuyển sinh để có đủ chỗ học cho học sinh khuyết tật. “Dù thời gian đầu cũng bị phụ huynh phản đối dữ lắm, thậm chí dọa chuyển con mình qua học trường khác nhưng vì nhu cầu chỗ học của trẻ tự kỷ quá lớn, tôi vẫn quyết tâm duy trì các lớp dạy hòa nhập”, thầy Hầu chia sẻ.

Khó chồng khó

Trường tiểu học ngoảnh mặt, trong khi hệ thống trường chuyên biệt lại quá tải về cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy. Trước tình hình đó, nhiều phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ đã “tự thân vận động” bằng cách liên kết với nhau mở trường để con mình và những đứa trẻ cùng hoàn cảnh có chỗ học tập, vui chơi, hoàn thiện kỹ năng sống. Tuy nhiên, hoạt động của những cơ sở này thường rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn” do thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo về mặt chuyên môn của các cơ quan có thẩm quyền.

Thêm vào đó, chi phí thuê mướn mặt bằng, mua sắm các loại trang thiết bị dành riêng cho trẻ khuyết tật không hề nhỏ. “Nếu không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ phía ngân sách nhà nước, về lâu dài e rằng chúng tôi sẽ gặp khó”, một thành viên trong hội đồng ban giám hiệu Trường Chuyên biệt Khai Trí (quận Bình Thạnh) cho biết.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM, trẻ ở mỗi dạng tật khác nhau cần có những giáo án và can thiệp riêng trong quá trình phục hồi kỹ năng sống. Do đó, nếu chỉ dựa vào nguồn lực tự có, hoạt động của các cơ sở giáo dục sẽ không tránh khỏi tình trạng “đèn nhà ai nấy sáng”. Khi đó, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh.

Đề án “Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5-8-2012. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 1 đến năm 2015 có ít nhất 60% trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục. Thời điểm kết thúc đã cận kề nhưng xem ra mục tiêu trên rất khó thành hiện thực.

Trước mắt, bản đồ phân bố hệ thống trường chuyên biệt của TP đã khuyết thêm một vị trí khi Trường Chuyên biệt Anh Vương bị giải thể. Sau vụ việc này, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sẽ có cuộc tổng kiểm tra, rà soát lại hoạt động của các trường chuyên biệt trên địa bàn TP.

Liệu rằng sẽ có thêm bao nhiêu trường hợp bị kiểm tra xử lý, thậm chí giải thể như trường hợp của Anh Vương? Phải làm sao để những đứa trẻ kém may mắn có cơ hội được học tập, trở về cuộc sống bình thường? Câu trả lời xin nhường lại cho các nhà quản lý giáo dục.

THU TÂM (SGGP)