Thứ tư, 27/8/2014, 09h08

Trường lớp xây nhiều vẫn thiếu

Năm học mới 2014 - 2015, TPHCM tiếp tục đưa vào sử dụng trên 1.500 phòng học nhưng nhiều quận, huyện vẫn thiếu chỗ học, sĩ số lớp học vẫn đông khiến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng.

Những ngôi trường trong mơ

Không thể tả được niềm vui, niềm hạnh phúc của thầy cô, học trò khi dự lễ khánh thành những ngôi trường mới ở các quận, huyện trong những ngày chuẩn bị bước vào năm học mới này. Nhiều ngôi trường mới được xây từ nguồn vốn lớn trông khang trang, hiện đại với đầy đủ phòng chức năng, sân chơi rộng rãi và khu tập luyện thể thao đa năng... Điển hình như Trường THPT Phạm Văn Sáng (Hóc Môn), THCS Trần Quốc Toản (quận 9), Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh)... Riêng Trường THPT Nhà Bè (huyện Nhà Bè) tuy mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng cũng trở thành niềm tự hào của thầy và trò khi được học trong ngôi trường hiện đại. Dự án xây dựng mới Trường THPT Nhà Bè có tổng mức đầu tư gần 125 tỷ đồng. Tổng diện tích khuôn viên gần 30.000m², quy mô 1 trệt 3 lầu, gồm 45 phòng học và các phòng chức năng. Do điều kiện ngân sách TPHCM còn gặp nhiều khó khăn nên công trình được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng trên phần đất rộng 13.618m² với quy mô 28 phòng học, phòng hành chính, văn phòng, hội trường…

Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn) vừa đưa vào sử dụng trong năm mới.

Theo cô Trịnh Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng THCS Trần Quốc Toản quận 9, trước đây cơ sở vật chất của trường xuống cấp, nhiều điểm nhỏ lẻ nên hoạt động dạy và học gặp nhiều khó khăn. Năm nay, trường được xây mới với 79 phòng học, phòng chức năng đã tạo môi trường học đường khang trang, hiện đại, giúp đội ngũ thầy, cô và trên 2.000 học trò dạy và học tốt hơn, nâng cao chất lượng đào tạo. “Chúng tôi sẽ nỗ lực, phấn đấu xây dựng Trường Trần Quốc Toản thành một “thương hiệu” mạnh của ngành giáo dục quận 9”, cô Bích Hằng chia sẻ như thế.

Trong năm học này, huyện Củ Chi khánh thành đưa vào sử dụng thêm 7 ngôi trường mới, quận Gò Vấp: 5 trường, quận 2: 4 trường… Bên cạnh đó, nhiều quận nội thành cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây mới hàng chục ngôi trường và nâng cấp thêm hàng trăm phòng học, phòng chức năng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Không thể không ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ những khó khăn, rào cản từ đền bù giải tỏa đến giải ngân để xúc tiến việc xây trường, cải tạo cơ sở vật chất.

Mòn mỏi chờ giải ngân

Thế nhưng, dù xây mới thêm nhiều ngôi trường với nhiều phòng học, các quận, huyện vẫn đau đầu trước thực tế còn thiếu chỗ học, chỗ chơi, nơi thực hành cho học sinh. Điều đáng nói hơn cả là còn nhiều dự án đầu tư xây mới trường lớp, cải tạo cơ sở vật chất vẫn giậm chân tại chỗ. Vì thế bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc của hàng chục ngàn học sinh được học trong những ngôi trường mới thì vẫn còn rất nhiều học sinh cám cảnh trước tình trạng trường chật hẹp, xuống cấp, thậm chí có nguy cơ bị sập đổ. Điển hình như Trường THCS Phước Hiệp huyện Củ Chi và nỗi khổ của thầy và trò ở đây không thể tả nổi. Trên diện tích khoảng 4.000m², ngôi trường này chỉ có 3 dãy nhà nhưng trông nhếch nhác, nghèo nàn, cổng trường hoen gỉ, phòng ốc dột nát… mặc dù vẫn phải cố duy trì hoạt động dạy và học nhưng cả thầy và trò luôn nơm nớp nỗi lo trường sẽ sập bất cứ lúc nào nếu gặp mưa to, gió lớn. Theo kế hoạch, Trường THCS Phước Hiệp đã được phê duyệt và ghi vốn xây mới trên diện tích đất 10.465m², quy mô 1 trệt 2 lầu với 36 phòng học và phòng chức năng, tổng vốn đầu tư trên 71 tỷ đồng. Nhưng do vướng mắc ở khâu thu hồi giải phóng mặt bằng nên không thể khởi công sớm được, dự kiến quý 3 năm 2014 mới khởi công. Tương tự, nhiều quận huyện khác cũng có hàng chục dự án xây mới, sửa sang trường lớp bị ách tắc vì vướng khâu đền bù giải tỏa hoặc chờ vốn vì giải ngân quá chậm. Điển hình như quận Tân Phú, từ đầu năm 2014 có 6 dự án xây mới trường học được duyệt ghi vốn nhưng đến giờ này vẫn phải chờ TP cấp vốn thì mới khởi công được. Trong khi đó, năm học mới này toàn quận Tân Phú phải chịu áp lực tăng thêm chỗ học vì có 3.000 trẻ bước vào bậc học mẫu giáo, tiểu học, THCS.

Tại buổi khảo sát và làm việc của các ban ngành chức năng, đoàn thể của TPHCM trước thềm năm học mới, nhiều quận, huyện tiếp tục nêu cái khó là tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, nhưng việc xây thêm trường mới ở các bậc học chậm không đáp ứng nhu cầu chung. Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ngành GD-ĐT TP không thể thống kê đầy đủ và dự báo số học sinh trước tốc độ tăng dân số cơ học như hiện nay. Sở chỉ có thể thống kê số trẻ có hộ khẩu KT3 trên địa bàn và trước áp lực đến ngày nhập học, số trẻ theo cha mẹ chuyển về TP tạm trú vẫn liên tục tăng và các trường vẫn phải nhận các em vào học. Theo Sở GD-ĐT TP, đến thời điểm nhập học năm học mới này, số học sinh ở TPHCM đã tăng hơn 99.000 em so với năm học trước. Như thế, TP cần thêm 3.000 phòng học mới giải quyết đủ chỗ học, trong khi đó chúng ta dồn hết lực mới xây được 1.500 phòng học mới. Thực tế nan giải này không chỉ tạo áp lực lớn về chỗ học hàng năm mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, giảm sĩ số học sinh, tăng tỷ lệ học sinh học bán trú như đặt ra.

Đúng như trăn trở của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, dù đã có nhiều nỗ lực xây thêm trường lớp mới với khoảng 1.400 - 1.500 phòng học/năm nhưng TPHCM vẫn phải đối mặt với khó khăn thiếu chỗ học, sĩ số lớp học đông (45 học sinh/lớp) do dân số cơ học tăng quá nhanh. Ước tính cứ mỗi năm dân số của TP tăng thêm tương đương số dân của một quận và 5 năm sẽ thêm 1 triệu dân. Thực tế này đang trở thành thách thức lớn đối với ngành GD-ĐT TP trong việc giải quyết, đảm bảo đủ chỗ học và thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học, giảm sĩ số lớp học theo chuẩn đặt ra.

KHÁNH HÀ (SGGP)