Thứ tư, 14/4/2010, 15h04

Truyện Kiều: Phải chăng mã khóa ở cuối truyện?

Chuyện tình của Kim Trọng - Thúy Kiều, Nguyễn Du xếp vào hai cuộc đối thoại. Cuộc thứ nhất gồm những lần gặp nhau sau phút tiếng sét ái tình ở mộ Đạm Tiên. Cuộc đối thoại này đưa đến nặng lời thề thốt, kết duyên chồng - vợ. Cuộc đối thoại thứ hai nằm ở cuối truyện, trong cái buổi cả nhà đoàn viên và sau lời đề nghị của Thúy Vân. Cuộc đối thoại này chấm dứt duyên chồng vợ.
Nhưng để đi đến sự chấm dứt một cuộc tình ái, không đơn giản. Thúy Vân vừa mới nói sớm liệu xe tơ, Thúy Kiều đã hổ thẹn trăm chiều, Kiều mong mọi người hãy để cho nước thủy triều chảy xuôi. Như một trái pháo đã châm ngòi, Kim Trọng liền vào cuộc với nhiều lí lẽ: nhắc lại lời thề xưa, lời thề đã có đất có trời chứng giám: Dẫu cho vật đổi sao dời/ Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh. Thế là thế trận ngang ngửa, Kim Trọng một mạch giữ lấy lời, Thúy Kiều dứt khoát từ chối. Thúy Kiều đã đưa ra nhiều lí lẽ: Trước hết, làm thân con gái điều cốt yếu phải giữ lấy chữ trinh. Kim Trọng liền bài bác: Xưa nay trong đạo đàn bà/ Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường (…) Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Thúy Kiều lại ví đời mình như hoa tàn, trăng khuyết, Kim Trọng khẳng định: Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Lời lẽ của chàng Kim vừa mang nặng một tấm lòng, vừa chứa đựng một tinh thần vị tha, thông cảm. Lời lẽ ấy không những khiến cho Thúy Kiều khó lòng phản bác mà còn được cả nhà cũng quyết theo lời Kim Trọng. (Nhớ lại ngày nào chàng Kim tỏ tình với Thúy Kiều, lời của Kim nhỏ nhẹ, dễ thương, lời nói như ru, bây giờ sao khúc chiết, khẳng định bó buộc Thúy Kiều).
Có thể nói cuộc tranh luận giữa Kim và Kiều, Kim đang thắng thế. Ấy vậy mà, chỉ một tiêu chí Thúy Kiều đưa ra, chàng Kim đành lặng thinh. Thông minh, tài trí như chàng Kim mà cũng đành chấp nhận ý kiến của Kiều.
Vậy Thúy Kiều đã nói điều gì?
Kiều nói: Cửa nhà dù tính về sau/ Thì còn em đó lọ cầu chị đây. Thúy Kiều muốn nhắc đến quan niệm chữ hiếu của người đời, cũng là của chàng trai họ Kim. Phải có con, có nhiều để nối dõi tông đường. Thúy Kiều nói: Thì còn em đó… Giả dụ như Thúy Vân người mảnh dẻ, yếu ớt khó có đường sinh nở chắc chàng Kim đã có hàng trăm lời phản bác. Vậy một phụ nữ thế nào thì chuyện chăn gối, sinh đẻ dễ dàng? Ca dao có câu: Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con. Nói rõ hơn người phụ nữ thế nào thì thỏa mãn với chồng và khéo nuôi con? Ta phải xem hình dạng của người phụ nữ ấy. Thì đây một Thúy Vân hiển hiện: Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang.
Chúng tôi cho rằng phán quyết nét ngài hay nét người trong câu khuôn trăng đầy đặn, nét ngài (người) nở nang ta phải đọc đến cuối truyện. Có nhiều chi tiết Nguyễn Du viết ở đầu truyện, vào giữa hay cuối truyện ta mới rõ.
Lê Xuân Lít