Thứ hai, 22/9/2014, 09h09

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014: Quá nhiều bất ngờ

Đến thời điểm này, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 đang dần khép lại khi chỉ còn một vài trường tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS). Có thể nói đây là kỳ thi có nhiều biến động cả về mặt tích cực lẫn hạn chế. Trong đó, phần lớn những hạn chế của kỳ thi này nằm ở các quy định, hướng dẫn… khiến hội đồng tuyển sinh các trường dường như “vỡ trận” và hệ quả là thí sinh chịu thiệt rất nhiều.

Thí sinh yêu cầu chỉnh sửa sai sót về khu vực ưu tiên tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

Tỷ lệ thí sinh nhập học thấp

Thông tin lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh trên cả nước giảm chỉ còn hơn 1,4 triệu hồ sơ (chưa tính hồ sơ nộp trực tiếp tại các trường) cùng với những nguyên nhân như giảm hồ sơ ảo, học sinh lớp 12 giảm khiến nhiều trường thở phào vì tin chắc thí sinh trúng tuyển NV1 sẽ nhập học với tỷ lệ cao hơn. Tuy nhiên, thực tế lại có sự đảo lộn bất ngờ khi nhiều trường có điểm chuẩn cao, thi khối A, A1 nhưng tỷ lệ nhập học khá thấp.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm nay điểm chuẩn 21 điểm (cao hơn năm 2013) nhưng thiếu đến khoảng 300 chỉ tiêu. TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Nếu lấy điểm chuẩn thấp hơn thì số thí sinh trúng tuyển sẽ cao hơn nhiều và có khả năng vượt quá chỉ tiêu cho phép. Do đó, trường lấy 21 điểm và chấp nhận thiếu khoảng 300 chỉ tiêu còn đỡ hơn bị phạt vì tuyển vượt chỉ tiêu”.

Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM mọi năm tỷ lệ thí sinh nhập học khoảng 80% nhưng năm nay chưa tới 70% thí sinh trúng tuyển nhập học. Dù đã tính toán và dự phòng thí sinh ảo khi đưa ra điểm chuẩn nhưng hội đồng tuyển sinh của trường cũng không khỏi ngạc nhiên. Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, băn khoăn: “Thật sự chúng tôi quá bất ngờ và không biết thí sinh đi đâu khi tỷ lệ thí sinh trúng tuyển NV1 năm nay nhập học quá thấp”. Thực tế với chỉ tiêu 3.900, trường đã xác định điểm chuẩn là 19. Tuy nhiên, sau khi kết quả nhập học thấp, trường đã gọi thêm NVBS gần 400 chỉ tiêu.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng đau đầu với thí sinh ảo. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học trung bình hơn 60%, trong đó nhiều ngành khối B chưa tới 50%. Trong khi đó, tỷ lệ nhập học năm ngoái trên 70%. Trước tình hình đó, trong xét tuyển NVBS trường xác định điểm trúng tuyển và phải gọi thí sinh trúng tuyển nhiều gấp 3 đến 4 lần so với chỉ tiêu cần tuyển để phòng hờ tình trạng thí sinh ảo. Ông Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, lo lắng: “Nếu thí sinh trúng tuyển NVBS nhập học hết thì trường sẽ bị tuýt còi vì tuyển vượt chỉ tiêu. Ngược lại nếu tính không hợp lý thì trường sẽ thiếu người học”.

Trong khi đó, thông tin từ các trường phía Bắc, tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo năm nay tăng đột biến. Theo thông tin từ các trường báo cáo về Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH công lập có tỷ lệ thí sinh nhập học chỉ đạt mức 60% - 70% so với chỉ tiêu cần tuyển. Thậm chí có trường vừa sợ “ảo” vừa sợ vượt chỉ tiêu nên ém thông tin điểm chuẩn và âm thầm gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh. Sau khi bị thí sinh phản ánh, Bộ GD-ĐT nhắc nhở trường này mới chính thức công bố điểm chuẩn lên website của trường.

Một chuyên gia tuyển sinh tại TPHCM lý giải về tình hình thí sinh trúng tuyển ảo năm nay: Thí sinh ảo là bài toán không thể giải quyết đối với thi tuyển sinh “3 chung”. Nguyên nhân thí sinh trúng tuyển ảo tăng có thể do tình trạng 1 thí sinh vừa thi đợt 1 (khối A, A1) và thi cả đợt 2 (khối B, C, D1) có thể nhiều hơn những năm trước. Thứ hai, do phổ điểm năm nay rộng nên nhiều thí sinh có học lực khá thi 2 đợt đều trúng tuyển cả 2 khối thi và chỉ chọn 1 trong 2 để học. Tiếp theo có thể do thí sinh trúng tuyển đã chọn học các chương trình quốc tế hoặc nhận học bổng của các chương trình nước ngoài…

Thay đổi cập rập

Có thể nói, điểm sáng nổi bật nhất của kỳ thi năm nay đó là đề thi có sự đột phá và kết quả điểm thi có phổ điểm được trải rộng để đánh giá trình độ, năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, những điểm hạn chế dường như che khuất những điểm sáng của kỳ thi vì có quá nhiều thông tin, quy định, hướng dẫn cập rập không chỉ làm các trường rối bời mà hậu quả là ảnh hưởng nhiều đến thí sinh.

Trở lại với việc xác định điểm đầu vào (điểm trúng tuyển) ở các trường có môn thi chính nhân hệ số đã khiến tình hình xác định điểm của các trường rối bời, liên tục thay đổi. Đầu tiên, ngày 5-5, Bộ GD-ĐT ra quy định hướng dẫn cách tính một đằng thì đến ngày 9-8 lại đưa ra “sáng kiến” tính theo một nẻo. Sau đó vài ngày, Bộ GD-ĐT lại đưa ra một công thức khác. Cách làm này khiến rất nhiều thí sinh từ đậu thành rớt và từ rớt thành đậu ở hàng loạt các trường, như ĐH Cần Thơ, hai trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM (Trường ĐH Kinh tế Luật, Trường ĐH Công nghệ Thông tin)... Thống kê sơ bộ có hơn 250 ngành đào tạo của gần 40 cơ sở giáo dục ĐH phải điều chỉnh, tính đi tính lại theo “sáng kiến” của bộ.

Một hạt sạn rất lớn của kỳ thi năm nay chính là có quá nhiều sai sót trong khâu xác định điểm ưu tiên khu vực (KV). Sai sót này xuất phát từ việc các thông tin, quy định hướng dẫn của Bộ GD-ĐT quá chậm nên việc kiểm dò, rà soát và điều chỉnh bị “vỡ trận”. Nhiều thí sinh ở các trường như ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Y Dược TPHCM... từ đậu đã trở thành rớt chỉ vì do cán bộ tuyển sinh không kịp điều chỉnh đúng KV ưu tiên cho thí sinh. Ngược lại, nhiều cảnh tượng “cười ra nước mắt” chỉ vì do trường không rà soát kỹ về KV ưu tiên, đối tượng ưu tiên. Nhiều thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã mở tiệc ăn mừng đậu đại học, ra ngân hàng đóng học phí nhập học nhưng khi lên trường làm thủ tục nhập học thì trường nói... không trúng tuyển!

Kỳ thi chung quốc gia năm 2015 chắc chắn sẽ được thực hiện. Trong đó, có các khâu liên quan đến kỹ thuật để tổ chức kỳ thi, hy vọng Bộ GD-ĐT chuẩn bị thật kỹ và sớm hoàn thiện để kỳ thi tới được diễn ra suôn sẻ.

THANH HÙNG
(SGGP)