Thứ tư, 6/5/2015, 11h05

Vất vả ra đề kiểm tra cuối năm

GV tiểu học vất vả hơn khi được yêu cầu phải ra đề kiểm tra cho lớp mình phụ trách. Ảnh: H.Triều
Vừa qua, giáo viên (GV) tiểu học không chỉ tập trung dạy và ôn tập cho học sinh (HS) chuẩn bị vào kỳ kiểm tra cuối năm mà còn hết sức vất vả với việc ra đề kiểm tra theo thông tư 30 của Bộ GD-ĐT.
Trước đây, đề kiểm tra do phòng GD-ĐT hay ban giám hiệu nhà trường kết hợp với tổ trưởng chuyên môn ra. Nhưng năm học này, GV từ khối 1 đến khối 4 tự ra đề kiểm tra cho lớp mình; riêng khối 5, mỗi GV phải ra một bộ đề kiểm tra, sau đó ban giám hiệu tổng hợp để ra đề chung.
Công việc ra đề kiểm tra hiện nay không hề đơn giản chút nào. Đại diện ban giám hiệu và một vài GV cốt cán của trường được tập huấn rồi về phổ biến lại cho tất cả GV trong trường nhưng không phải ai cũng thông suốt cách ra đề kiểm tra (kể cả những người được cử đi tập huấn). Theo hướng dẫn ra đề kiểm tra hiện nay, để soạn được một đề kiểm tra phải qua các bước chặt chẽ như sau: Thứ nhất, xác định mục đích của đề kiểm tra: Kiểm tra học kỳ, cuối năm hay cuối cấp; phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng và thực tế học tập của HS để ra đề cho phù hợp. Thứ hai, xây dựng hình thức đề kiểm tra: Tự luận, trắc nghiệm khách quan hay kết hợp cả 2 hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan. Thứ ba, thiết lập ma trận đề kiểm tra (bảng mô tả tiêu chí của đề kiểm tra): Lập một bảng có hai chiều, một chiều là nội dung hay mạch kiến thức, kỹ năng chính cần đánh giá, một chiều là các cấp độ nhận thức của HS nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Theo yêu cầu, đề kiểm tra hiện nay là nhận biết chiếm 50%, thông hiểu chiếm 30% và vận dụng chiếm 20%. Thứ tư, biên soạn câu hỏi theo ma trận. Thứ năm, xây dựng hướng dẫn chấm (đáp án) và thang điểm. Thứ sáu, xem lại việc biên soạn đề kiểm tra.
Trong các bước tiến hành trên, thiết lập ma trận đề kiểm tra là khó khăn nhất cho GV vì thầy cô chưa từng làm, không thể nắm vững các bước làm trong một thời gian ngắn. Để thiết lập ma trận đề kiểm tra, người ra đề phải tuân theo 9 bước cơ bản sau: Liệt kê tên chủ đề (nội dung, chương…) cần kiểm tra; viết ra các chuẩn cần đánh giá với mỗi cấp độ tư duy; quy định phân phối tỉ lệ % tổng điểm cho mỗi chủ đề (nội dung, chương…); quy định tổng số điểm của bài kiểm tra; tính số điểm cho mỗi chủ đề (nội dung, chương…) tương ứng với tỉ lệ %; tính tỉ lệ % số điểm và quy định số câu hỏi cho mỗi chuẩn tương ứng; tính tổng số điểm và tổng số câu hỏi cho mỗi cột; tính tỉ lệ % tổng số điểm cho mỗi cột; đánh giá lại ma trận và chỉnh sửa nếu thấy cần thiết. Chính vì sự phức tạp của việc ra đề kiểm tra nên GV trong từng khối đã phải cùng nhau thảo luận, trao đổi để có thể ra được các bộ đề hoàn chỉnh.
Đây là năm đầu tiên thực hiện theo thông tư 30, GV trực tiếp đứng lớp phải ra đề kiểm tra khi chưa thông suốt cách ra đề. Vì thế, thiết nghĩ việc ra đề kiểm tra như vậy nên để phòng GD-ĐT hay ban giám hiệu kết hợp cùng tổ trưởng chuyên môn thực hiện. Trong các năm học sau, GV sẽ nghiên cứu kỹ càng hơn việc ra đề theo yêu cầu, tham khảo kỹ các đề kiểm tra thực hiện như trên. Lúc ấy, việc giáo viên soạn đề kiểm tra sẽ dễ dàng và chính xác hơn.
Lê Phương Trí (GV Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Việc ra đề chung này có nhiều thuận lợi nhưng nó đã làm cho các đề kiểm tra trở nên “na ná” nhau về nội dung lẫn hình thức.