Thứ ba, 19/10/2010, 17h10

Việt Nam chỉ có 1% nữ giáo sư

Trong một cuộc gặp gỡ giữa các nữ GS, PGS được bổ nhiệm năm 2010 nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam, khi bày tỏ sự trân trọng của mình với các đồng nghiệp, GS Bành Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS đã đưa ra con số ấn tượng về tỉ lệ đóng góp vào GDP của công tác nghiên cứu khoa học trên thế giới để minh họa cho sự tham gia quan trọng của các nhà nữ khoa học trong sự phát triển của nhân loại.

Tuy nhiên, cũng từ sự dẫn dắt này, GS Bành Tiến Long cho rằng tỉ lệ nữ giới trong nghiên cứu khoa học còn quá thấp: chỉ chiếm 11% tổng số tiến sĩ, thạc sĩ; 5% số GS, PGS; tính riêng số GS thì chỉ có 1% là nữ.
Chỉ có 1% số giáo sư là nữ

Tại cuộc gặp gỡ này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho rằng, tỉ lệ giảng viên, GS, PGS và tiến sĩ là nữ trong các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu dù cao hơn chỉ số thống kê nói trên nhưng vẫn ở mức thấp, chưa xứng với tiềm năng.

Cô giáo Hoàng Thị Kim Quế (phải) - một trong bảy nữ giáo sư được công nhận chức danh năm 2009. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tính riêng năm 2010, tỉ lệ nữ được bổ nhiệm GS, PGS chỉ chiếm 20,23% trong số những người được bổ nhiệm cùng đợt.
Số GS và PGS phân bố không đều giữa các khối trường, các vùng, miền và thường chỉ tập trung vào những trường ĐH lớn có bề dày truyền thống.
Các trường, các viện nghiên cứu vẫn chưa gắn kết nhiệm vụ giảng dạy với nghiên cứu khoa học nên chưa đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ của việc xét công nhận chức danh GS, PGS.
Một đặc điểm nữa, theo PGS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và công tác xã hội thì so với nam giới, nữ trí thức có thể sánh ngang về số người có trình độ CĐ, ĐH nhưng lại thua về số lượng người có bằng cấp sau ĐH, nhất là số người có trình độ TS, TSKH và học hàm PGS, GS.
Còn GS Hoàng Minh Giang, ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra con số thống kê: Trong 3 năm gần đây, ở các hoạt động khoa học đỉnh cao, người chủ trì là nữ chỉ chiếm tỉ lệ 12,1%.
Tại Viện KHTN Việt Nam và Viện KHXH Việt Nam, những trung tâm khoa học lớn nhất, không có cán bộ nữ tham gia ban lãnh đạo và giữ cương vị viện trưởng, có rất ít phó viện trưởng là nữ.
Các nữ cán bộ khoa học là lực lượng quan trọng tham gia (đôi khi là lực lượng chính) thực hiện các công trình KHCN cấp nhà nước nhưng người chủ trì chủ yếu là cán bộ nam.
GS Phạm Thị Trân Châu (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra thực trạng số phụ nữ có trình độ chuyên môn cao, có học vị học hàm cao vốn đã ít lại phải rời cương vị công tác sớm nên sự mất cân đối có thể ngày càng trầm trọng hơn.
Bà đưa ra ví dụ: Ở ĐH Quốc gia Hà Nội, theo quy định của Luật Lao động, nữ nghỉ hưu sớm hơn nam 5 năm nên từ mấy năm gần đây trường không còn nữ GS nào.
Vượt qua "thử thách kép"
Lần đầu tiên tiến, phụ nữ làm tiến sĩ nhiều hơn nam giới
Lần đầu tiên ở Mỹ, số phụ nữ có bằng tiến sĩ nhiều hơn đàn ông trong năm qua. Đây được coi là đỉnh cao trong các thập kỷ với sự thay đổi vị trí của phụ nữ ở các trường ĐH trên toàn quốc. Tuy nhiên, thu nhập của họ vẫn không bì được với giới tóc ngắn.
GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng nữ trí thức nước ta bị lùi lại so với nam giới một cách rõ rệt từ sau khi tốt nghiệp ĐH và lập gia đình.
Theo GS Hoàng Minh Giang, lực lượng này lại phải âm thầm, kiên định vượt qua một "thử thách kép". Hoạt động nghiên cứu khoa học là một loại lao động nặng, cần phải bỏ nhiều thời gian, công sức.
Trong khi đó, phụ nữ không thể bỏ thiên chức và trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Do vậy, để đạt được một kết quả hay một thành công nào đó trong sự nghiệp, người phụ nữ phải bỏ ra sức lực nhiều hơn so với nam giới.
Để tạo điều kiện cho phụ nữ cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, bên cạnh đề xuất cần có chính sách ưu tiên và thực hiện nghiêm các chính sách ưu tiên đối với phụ nữ trong giáo dục, đào tạo, PGS Hoàng Bá Thịnh cho rằng chính người phụ nữ cũng cần xóa bỏ tâm lý tự ti trước nam giới, sự hẹp hòi "níu áo nhau" trong chính giới mình.
Ngoài ý kiến lùi thời gian nghỉ hưu ở nữ giới (hiện giờ là 55 tuổi) vẫn được nhắc tới, còn có nhiều ý kiến về chính sách được đề cập.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Cán bộ phụ nữ TƯ thì trong bối cảnh hiện tại, việc quy định "tỉ lệ cứng" là cần thiết để tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.
Ví dụ, theo quy định hiện hành, chỉ 10% học viên cao học được chuyển tiếp nghiên cứu sinh; cần lập danh sách nam riêng, nữ riêng và giữ cho số nữ được chuyển tiếp nghiên cứu sinh đủ 10% của tổng số nữ học viên cao học.
Cùng quan điểm trên, GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng, ở nước ta nên có chính sách ưu tiên đào tạo sau ĐH cho phụ nữ.
Cụ thể hơn, trong tuyển chọn đề tài nên có hệ số hay điểm cộng cho các đề tài, dự án do phụ nữ chủ trì; nên thống kê tỉ lệ nữ được tham dự đề án đào tạo sau ĐH bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322), từ đó đề ra những biện pháp cụ thể, chẳng hạn như quy định tỉ lệ nữ tham gia dự án.
Trong khi chờ đợi những thay đổi ở tầm vĩ mô, GS Phạm Thị Trân Châu kêu gọi "phụ nữ chúng ta hãy tự giải phóng chính mình, cố gắng khai thác những cơ hội hiện hữu, đừng làm phức tạp hóa thêm những điều không vui trong cuộc sống, dành thời gian và trí tuệ cho sự nghiệp, giữ mãi sự tươi tắn và minh mẫn của người phụ nữ, vì sự phát triển của thế hệ hôm nay và mai sau".
(Theo Hà Nội Mới)