Thứ tư, 4/3/2015, 08h03

Cần công bố cấu trúc đề thi sớm

Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: D.Bình
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, nhiều thầy cô giáo mong muốn bộ sớm cho biết cấu trúc đề thi. Vì đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ nên không thể chung chung “cấu trúc đề giống như thi tốt nghiệp năm 2014”.
Thầy Bùi Phương Dũng Kiệt (Tổ phó Tổ toán Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ):
Chỉ nên cộng điểm ưu tiên để xét tốt nghiệp
Việc sử dụng thang điểm 10 như cũ khiến các em không bỡ ngỡ và giảm lo lắng khi làm bài. Nhà trường cũng “nhẹ” hơn khi không phải quy đổi điểm trung bình lớp 12 của HS theo thang điểm 20… Tuy nhiên, theo tôi cũng như suy nghĩ của nhiều giáo viên đang dạy khối 12 tại Cần Thơ, Bộ GD-ĐT không nên cộng điểm ưu tiên và khu vực với mức tối đa là 4 điểm, vì rất không công bằng cho học sinh bởi trong tuyển sinh ĐH, chỉ cần cách nhau 0,25 điểm là đủ quyết định đậu hay rớt. Lấy thí dụ môn toán, các đề thi tuyển sinh ĐH từ trước đến nay, để đạt từ 5 đến 7 điểm không khó lắm, nhưng muốn đạt điểm 8 trở lên là cả vấn đề đối với thí sinh, cho dù các em có học lực giỏi. Chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét: Chỉ nên cộng điểm ưu tiên để xét tốt nghiệp, không dùng điểm này khi xét tuyển sinh ĐH nhằm đảm bảo “cuộc đua” công bằng giữa các thí sinh; đồng thời đáp ứng yêu cầu của bậc ĐH là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra chủ trương tổ chức cụm thi riêng cho thí sinh chỉ có mục đích xét tốt nghiệp, cho thấy mục tiêu cải cách triệt để sự nghiệp giáo dục của Bộ GD-ĐT chưa triệt để, chưa dứt khoát. Tại sao không tổ chức chung một kỳ thi? Chúng tôi cho rằng: Thà đau một lần, chấp nhận đối diện với chất lượng thật, dù kết quả kỳ thi có thấp đến đâu, nhưng sẽ mang hiệu quả cao cho mục tiêu vươn đến chất lượng thật của toàn ngành. Các trường không thể chạy theo thành tích mà phải dạy thật, người học cũng phải học thật. Ngoài ra vấn đề chúng tôi băn khoăn trong chủ trương tổ chức 2 hình thức thi là: Trong khi khá nhiều trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng, thí sinh chỉ cần đậu tốt nghiệp là trúng tuyển, mà bằng tốt nghiệp đều do sở GD-ĐT các tỉnh/thành cấp, như vậy những thí sinh thi tại cụm do Sở GD-ĐT và địa phương tổ chức chắc chắn điểm sẽ cao hơn những thí sinh thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì. Vì vậy các em sẽ có nhiều lợi thế khi nộp hồ sơ xét tuyển bởi chẳng có qui định nào cấm những thí sinh thi tại cụm địa phương được nộp hồ sơ xét tuyển ĐH. Băn khoăn tiếp theo của chúng tôi là mong Bộ GD-ĐT sớm cho biết cấu trúc đề thi. Bộ GD-ĐT nói rằng cấu trúc đề giống như thi tốt nghiệp năm 2014 là chung chung, trong khi đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ):
Không nên phân chia hai hình thức thi để bảo đảm công bằng
Bộ GD-ĐT giữ thang điểm 10, theo tôi, là hợp lý vì không gây căng thẳng tâm lý cho học sinh do trước nay các em vẫn quen với thang điểm này. Về khâu tổ chức cụm thi, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT không nên phân chia hai hình thức để bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Đã học thì phải có chất lượng thực mới xứng đáng đậu tốt nghiệp. Tôi cũng rất lo lắng bởi tại những cụm thi do Sở GD-ĐT và địa phương chủ trì chắc chắn thí sinh sẽ đạt điểm tốt nghiệp cao, và tỷ lệ tốt nghiệp gần 99% hoặc 100% là điều có thể biết trước; trong khi bằng tốt nghiệp lại giống nhau, như vậy ai sẽ kiểm tra khi những thí sinh này dùng bằng tốt nghiệp để đăng ký tuyển sinh ĐH ở khối D và A1? Như vậy sẽ rất bất công đối với những thí sinh học thật, thi thật. Và danh nghĩa “một kỳ thi quốc gia” vẫn sẽ không đảm bảo sự công bằng và đúng qui chế như kỳ vọng mà xã hội và toàn ngành mong đợi, sau đó lại tạo ra dư luận xã hội về chất lượng thật của kỳ thi quốc gia…
Thầy Lê Vinh (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng):
Cách thực hiện đăng ký nguyện vọng khó cho học sinh
So với dự thảo quy chế thi trước đây, quy chế chính thức có nhiều điểm minh bạch, rõ ràng, cụ thể và đặc biệt là có nhiều điểm thuận lợi cho học sinh hơn. Thuận lợi đầu tiên đó là quy chế đã đưa ra các quy định rõ ràng, từng mục chi tiết. Nhà trường, giáo viên và học sinh có thể dễ dàng bám sát nội dung để thực hiện. Một thuận lợi nữa là ở dự thảo trước đây có nhiều bàn cãi về cụm thi thì nay quy chế đã quy định rõ, tùy điều kiện thực tế của học sinh để tổ chức cụm thi. Điều này làm giảm độ tập trung gây quá tải cho các thành phố trực thuộc Trung ương... Tuy nhiên, với bất kỳ một sự đổi thay nào cũng cần có thời gian kiểm nghiệm mới có thể rút ra được một cách tổng thể thuận lợi và khó khăn do nó mang lại. Với quy chế thi chính thức vừa được công bố, còn một số vấn đề phân vân, như: Trước đây, sau khi có điểm thi thì sẽ tiến hành xét nguyện vọng (NV) 1, và nếu đủ điểm thì thí sinh sẽ đỗ ngay NV1. Nhưng bây giờ, các trường ĐH xét tuyển vào rồi có thể sẽ tiếp tục xét tuyển trở lại, như vậy vừa mất nhiều thời gian, thí sinh vừa phải chờ đợi không biết mình sẽ đỗ vào ngành gì, NV nào của trường đó. Cách thực hiện đăng ký NV khó cho học sinh. Bởi vì NV thì tùy thuộc vào quy chế của từng trường khác nhau, trong khi hiện còn rất nhiều trường ĐH chưa công bố quy chế cụ thể ra sao khiến học sinh không tránh khỏi lúng túng. Vấn đề nữa là trong quy chế mới thiếu phần cấu trúc đề thi. Nên chăng thay vì có riêng một văn bản đi kèm thì cần đưa phần cấu trúc đề thi với bao nhiêu phần, bao nhiêu điểm vào quy chế để giáo viên và học sinh bám sát vào trong việc học và giảng dạy.
Đan Phượng - Vĩnh Yên (ghi)
Thầy Đặng Công Thành (giáo viên môn sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng):
Quy chế công bố muộn khiến học sinh bối rối
Theo tôi, quy chế có nhiều điểm thuận lợi cho học sinh, như: Các thí sinh dự định chọn ngành học khối C thì trong kỳ thi này các em đã tham gia được 2 môn, trong đó môn văn bắt buộc, môn còn lại tự chọn là sử hoặc địa; như vậy để xét vào ĐH, thí sinh chỉ phải thi một trong 2 môn còn lại. Bộ GD-ĐT công bố nội dung thi chỉ gói gọn trong chương trình học, chủ yếu là chương trình lớp 12 nên thí sinh không gặp khó khăn gì trong việc ôn tập. Tất nhiên, với một kỳ thi mà hai mục đích thì đề thi sẽ có những câu hỏi yêu cầu cao hơn, nội dung phân hóa hơn. Việc dùng tổng điểm cả năm học lớp 12 cộng kết quả thi để xét tốt nghiệp góp phần giảm áp lực cho học sinh, mặt khác giúp các em học đều ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên do quy chế công bố khá muộn làm cho học sinh không tránh khỏi bối rối trong việc hoàn thành đăng ký tuyển sinh.