Thứ hai, 26/8/2013, 14h08

Chứng khó học ở học sinh: Bài toán cần có lời giải

Giáo viên và phụ huynh tổ chức các trò chơi cũng là cách luyện trí nhớ cho trẻ khó học  (ảnh minh họa)
Khi bước chân vào học lớp 1, nhiều trẻ nhanh chóng “hòa nhập” với thầy cô, bạn bè và chương trình học. Không chỉ đọc thành thạo mà các em còn viết chữ đẹp và làm những phép tính đơn giản. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít trẻ “học hoài vẫn không vào” làm cho thầy cô vất vả và cha mẹ buồn lòng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (Sở GD-ĐT TP.HCM): “Đây là những đứa trẻ khó khăn trong học tập hay còn gọi là trẻ khó học”. Điều đáng nói là nhìn bề ngoài, những đứa trẻ này phát triển rất bình thường không có gì đặc biệt cả. Tuy nhiên, sau một thời gian trở thành học sinh (HS) lớp 1 thì các em đã “phô bày” hết các yếu kém của mình trong chuyện tiếp thu bài vở.
Những đứa trẻ thua kém bạn bè
Nguyễn Thanh Tr., sinh năm 2006, mặc dù đã 7 tuổi nhưng Tr. vẫn còn phải học lại lớp 1 thêm một năm nữa tại Trường Tiểu học An Thới Đông (huyện Cần Giờ). Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, em biết so sánh giữa các vật nhưng không phân biệt được khái niệm cụ thể như biết cái bàn khác cái ghế nhưng không biết chúng khác nhau chỗ nào. Trong lúc các bạn chung lớp có thể gọi tên được các loại hình tròn, hình tam giác thì em không nhớ nổi. Khi học toán Tr. biết đếm các con số nhưng luôn lắc đầu trước những phép tính nhẩm. Rõ ràng so với lứa tuổi thì Tr. là đứa trẻ chậm phát triển và khó học hơn.
Lớn hơn Tr. 1 tuổi nhưng em Trịnh Phước Th. vẫn còn học tiếp lớp 1 Trường Tiểu học Doi Lầu (Cần Giờ). Không chỉ khó học toán mà em còn khó đọc và khó viết. Biết phân biệt tay phải tay trái của mình nhưng Th. lại không biết phân biệt phía bên phải và bên trái của ông bà và cha mẹ. Đó cũng là “bệnh lý” của em Phạm Văn Ph., sinh năm 2006, hiện đang theo học lớp 1 Trường Tiểu học Bình Thạnh (Cần Giờ). Dù đã 7 tuổi nhưng Ph. vẫn thua “đàn em” 4-5 tuổi vì chưa phân biệt rõ các bộ phận trên cơ thể. Dù nhiều lần được nghe cô giáo kể chuyện cổ tích nhưng chưa bao giờ em kể lại được một câu chuyện trọn vẹn. Vốn từ và tư duy ngôn ngữ của em yếu hơn bạn bè cùng độ tuổi.
Theo đánh giá của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục cho người hòa nhập, có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ có triệu chứng rối loạn chuyên biệt học tập. Chứng khó đọc bắt nguồn từ dị tật thiếu khả năng đọc và viết mặc dù đứa trẻ đã đủ trí thông minh và hiểu biết (như em Th. - PV). Vừa đọc với tốc độ chậm, trẻ còn đọc không chính xác, kém lưu loát và đọc mà không hiểu được ý nghĩa của câu và đoạn văn. Khi trẻ bị chứng khó đọc thường dẫn đến một số chứng tật khác như không có khả năng viết và tính toán số. Nhưng đây cũng chưa phải là nguyên nhân duy nhất vì trong các trường hợp trẻ khó học phần lớn các em có môi trường sống không được may mắn. Một số em gia đình nghèo, cha mẹ ít quan tâm đến con cái vì lo bươn chải cuộc sống. Có em phải sống với ông bà vì cha mẹ ly hôn nên thiếu tình yêu thương chăm sóc đầy đủ.
Giáo viên còn thiếu nghiệp vụ
Hiện nay, có trường hợp trẻ do cách giáo dục của phụ huynh không đến nơi đến chốn nên đã “bào mòn” khả năng phát triển trí tuệ của các em. Khi được giáo viên và nhà trường thông báo trẻ mắc bệnh chậm học, không ít phụ huynh hoảng hốt đưa ngay đến bệnh viện và nhờ bác sĩ kê thuốc chữa bệnh cho con mà không biết rằng không có loại thuốc nào chữa trị tốt bằng sự giáo dục và quan tâm trẻ đúng cách.
Thực tế hiện nay đội ngũ giáo viên vẫn còn gặp khó khăn trong cách dạy trẻ khó học do thiếu chuyên môn nghiệp vụ. Có những trẻ học 2-3 năm một lớp do kỹ năng về tiếng Việt, tập đọc không có nhưng nguyên nhân từ đâu thì không rõ ràng. Vất vả hơn có trẻ chậm nhớ nhưng lại mau quên, sau một thời gian nghỉ hè là “bay” hết kiến thức đã học từ lớp trước. Thiệt thòi phần lớn không chỉ ở gia đình mà ngay ở chính tương lai phía trước của các em.
Vừa qua, được sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật đã đưa ra dự án mới về đánh giá tình hình và hỗ trợ cho giáo dục trẻ khó học, nhất là trẻ ở các huyện ngoại thành (trước mắt là huyện Cần Giờ, sau đó đến huyện Củ Chi, Bình Chánh). Ở góc độ nhà trường, các trường tiểu học phải có những đánh giá ban đầu về số lượng và tình trạng trẻ khó học. Sau đó để xử lý tốt thông tin, trung tâm phải kiểm tra và đánh giá bằng bộ công cụ tiên tiến hiện đại nhằm đưa ra kết luận trẻ ở loại nào (khó đọc, khó nghe, khó học toán...). Như vậy giáo viên mới có cơ sở để điều chỉnh bài dạy, biết quan tâm đặc biệt với những HS khó học thông qua trò chơi luyện trí nhớ, cùng trẻ vẽ tranh hay xếp đồ chơi. Đặc biệt, các bậc phụ huynh phải dành nhiều thời gian cho những đứa con chịu quá nhiều thiệt thòi như trò chuyện, lắng nghe điều trẻ muốn nói…
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
“Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn thành phố có 0,49% HS tiểu học học yếu môn tiếng Việt và 0,42% HS học yếu môn toán. Như vậy, với tổng số 510.000 HS tiểu học hiện nay thì sẽ có số lượng tương đương 5.000 HS gặp chứng khó học - một con số không hề nhỏ để mọi người trong xã hội và ngành GD-ĐT cần phải quan tâm”,ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cho biết.