Thứ ba, 19/8/2014, 23h08

Cử nhân thất nghiệp vì đâu?

Doanh nghiệp phỏng vấn sinh viên tại một ngày hội giới thiệu việc làm. Ảnh: M.Tâm

Theo đánh giá của đại diện nhiều doanh nghiệp, hiện nay cử nhân khó xin được việc làm không phải vì thiếu kiến thức chuyên môn mà là do thiếu một số kỹ năng mềm trong ứng xử giao tiếp đơn giản như thái độ, tác phong, trang phục…
Cần đạo đức nghề nghiệp
Vừa qua, tại Hội thảo Công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế đã đưa ra một con số đáng báo động về tình hình cử nhân thất nghiệp hiện nay. Theo đó, trong quý 1 năm 2014, cả nước có 162.400 người trình độ ĐH và thạc sĩ thất nghiệp.
Đánh giá về việc tại sao hiện nay sinh viên tốt nghiệp ra trường lại khó xin được việc làm, nhiều nhà tuyển dụng thẳng thắn cho rằng, các em đã có những kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp nhưng vấn đề đạo đức thì vẫn còn thiếu. Ông Võ Đình Hảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV DV Phương Nam, cho biết: “Hiện nay, sinh viên đã được trang bị những kiến thức nền cơ bản để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó vấn đề kiến thức, chắc chắn người lao động nào đã qua đào tạo cũng có nhưng kỹ năng mềm thì còn thiếu khá nhiều. Đơn giản nhất là tác phong, lời nói, cách ăn mặc… của một số bạn trẻ hiện nay còn có nhiều vấn đề để bàn cãi. Hơn nữa, một doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân viên rất mong muốn họ sẽ gắn bó lâu dài với công ty, cùng công ty vượt qua những khó khăn để thành công. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ lại không đáp ứng được yêu cầu này, họ thường xuyên nhảy việc. Bởi vậy, theo tôi, ở nhà trường nên đưa vấn đề đạo đức nghề nghiệp vào giảng dạy”.
Trong quá trình tuyển dụng, các doanh nghiệp thẳng thắn đưa ra những khó khăn sinh viên sẽ gặp phải khi đi làm. Nhiều người cảm thấy quá khó khăn nên không dám nhận trách nhiệm chứ không phải doanh nghiệp thiếu việc làm cho sinh viên mới ra trường, đó là khẳng định của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Ông Trần Việt Quân, Tổng giám đốc Công ty Bách khoa Computer, thẳng thắn: “Khi sinh viên mới ra trường đến xin việc tại công ty, chúng tôi thường đưa ra một bản danh sách về những khó khăn mà họ sẽ gặp phải như môi trường làm việc, giờ giấc, văn hóa công ty… 70% sinh viên đọc xong đi về, không dám làm nếu chúng tôi không cố gắng giải thích kỹ hơn”.
Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng sinh viên còn “thiếu lửa” đối với nghề nghiệp mà mình đã chọn. “So với 10 năm trước, sinh viên hiện nay có nhiều điều kiện hơn về trang thiết bị để phục vụ cho việc thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Các em có điều kiện tốt hơn xưa nhưng lại không chăm chỉ, không có ngọn lửa chân thành với nghề. Trong 10 sinh viên đến thực tập ở công ty thì chúng tôi chỉ thấy 1-2 em là chăm chỉ, nghiêm túc với nghề, có kỹ năng nghề và kỹ năng mềm tốt để đáp ứng với nhu cầu của công ty”, ông Nguyễn Ngọc Huân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - du lịch và vận chuyển Nụ Cười Việt, cho hay.
Nhà trường và doanh nghiệp cùng liên kết
Nhận thấy sinh viên mới ra trường còn thiếu nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm, một số doanh nghiệp đã bỏ kinh phí để tổ chức nhiều lớp học nhằm giúp các em khắc phục những vấn đề này.
Ông Võ Đình Hảo cho hay: “Cứ mỗi tháng một lần, chúng tôi mở lớp đào tạo kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên mới và mỗi năm 3 đợt cho nhân viên cũ. Giờ học thường tổ chức vào thứ bảy hoặc chủ nhật để cung cấp cho người lao động những kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề, an toàn lao động… Sau những khóa đào tạo này, 60% nhân viên mới đã đáp ứng được nhu cầu và gắn bó lâu dài với công ty”. Còn ông Trần Việt Quân thì thẳng thắn đưa ra giải pháp: “Việc đào tạo này không thể sau khi ra trường mới cung cấp cho sinh viên được. Hiện nay, chương trình đào tạo trong nhà trường còn khá méo mó, thường cung cấp cho các em những cái hay, cái đẹp về nghề nghiệp mà chưa nhấn mạnh những khó khăn mà các em có thể gặp phải. Vì thế, tôi cho rằng, để có được việc làm và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em cần được giảng dạy về những khó khăn trong nghề nghiệp và cách vượt qua những khó khăn đó”.
Ngoài ra, việc tăng cường liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường là vấn đề cần nhanh chóng thực hiện để sinh viên có thể tiếp cận với những công nghệ mới nhất. Bà Trần Diệu Canh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Thanh Container, cho biết: “Sinh viên cần được đào tạo ngay từ đầu chứ không thể để ra trường rồi mới đào tạo lại. Hiện có nhiều công nghệ mới ra đời, các trường khó có thể cập nhật kịp thời để đào tạo cho các em. Vì thế, giữa nhà trường và doanh nghiệp cần phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đưa những tài liệu mới về cho nhà trường tham khảo để giảng dạy. Những năm trước, chúng tôi lo lắng không biết tìm nhân lực ở đâu thì hiện nay chúng tôi đã liên kết với nhiều trường ĐH, CĐ nên không còn lo lắng nữa”.
Dương Bình