Chủ nhật, 20/4/2014, 11h04

Dạy trẻ ứng xử khi bị bắt nạt

Chấp nhận cho con “ăn miếng trả miếng” khi bị bắt nạt có thể gây thêm mâu thuẫn (ảnh mang tính minh họa)
Hù dọa hay chấp nhận cho trẻ “ăn miếng, trả miếng” khi bị bạn bè bắt nạt chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm tăng thêm mâu thuẫn.
Những câu chuyện thiết thực về lòng vị tha, thương người, giá trị tình bạn… sẽ góp phần bồi đắp tình cảm, nhân cách trẻ. Và đây cũng là điều mà các bậc cha mẹ, thầy cô không nên “bỏ quên” trong việc định hướng đạo đức, lối sống cho các em.
“Mỗi ngày đến lớp là một ngày… lo”?
Bị bạn bắt nạt là chuyện hoàn toàn có thể gặp phải với bất kỳ đứa trẻ nào, nhất là trong những ngày đầu đến trường. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị bạn trêu ghẹo, giấu dụng cụ học tập, giật tóc… Nghiêm trọng hơn, trẻ bị bạn cô lập, đánh, uy hiếp gây mất tinh thần.
Mới đây nhất, một phụ huynh ở phường Cẩm Phô (Hội An, Quảng Nam) vừa đến trường xin cho con tạm nghỉ học. Thời gian này, con gái 5 tuổi của chị hay trở về nhà trong trạng thái ấm ức, lo sợ, có hôm khóc òa vì liên tục bị bạn cùng lớp ăn hiếp. Khi thì bé bị bạn ném vỏ kẹo đã ăn lên người, lúc bị đổ cho lỗi lấy trộm đồ của các bạn khác. Thậm chí bé còn bị bạn cô lập, sau khi bạn “vận động” cả lớp tẩy chay… Phụ huynh này cho biết, sau những chuyện này, mỗi ngày đến lớp của bé không còn là “ngày vui”. Dỗ dành hết nước nhưng mỗi sáng để bé chịu đi học là điều rất khó khăn.
Nhiều trường hợp khác, trẻ bị bắt nạt còn có thể do trước đó đã “gây hấn” với bạn. Không ít phụ huynh sau khi nghe con về “méc” chuyện bị bạn bắt nạt đã xót ruột, lo lắng nhưng khi gặp trao đổi với giáo viên mới bất ngờ biết rằng con mình… chọc bạn trước. Điều này cho thấy, không phải bao giờ phụ huynh cũng chỉ cần nghe con phản ánh một chiều mà nên tỉnh táo tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa các em.
ThS. Nguyễn Thị Như Quỳnh (Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) lý giải, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị bạn bè bắt nạt, từ việc tranh đua với nhau, chia phe chia nhóm, muốn chứng tỏ bản thân… Ở mức độ nhẹ, việc trẻ bắt nạt qua lại, phụ huynh không nhất thiết phải sốt sắng hay quá lo. Thay vào đó, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn trẻ cách tự giải quyết. Tuy nhiên, ở mức độ nghiêm trọng hơn, việc trẻ bị đánh, cắn, uy hiếp thì cần có sự can thiệp kịp thời từ nhiều phía.
Tránh “ăn miếng, trả miếng”
Không ít phụ huynh sau khi nghe con về “méc” chuyện bị bạn bắt nạt đã xót ruột, lo lắng nhưng khi gặp trao đổi với giáo viên mới bất ngờ biết rằng con mình… chọc bạn trước.
Không ít phụ huynh do xót con bị bắt nạt nên thiếu kiềm chế cảm xúc đã nôn nóng đến hù dọa lại đứa trẻ “thủ phạm”. Đại loại như: “Còn bắt nạt bạn sẽ báo… công an đến bắt; báo cô giáo đuổi học…”. Cũng có phụ huynh chấp nhận cho con “ăn miếng, trả miếng” với bạn khi bị bắt nạt vì cho rằng “xù lông tự vệ” như vậy thì lần tới bạn không dám đụng mình nữa…
“Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp phụ huynh đến trường dọa trẻ như vậy. Điều này không chỉ ảnh hưởng tâm lý trẻ mà còn gây thêm mâu thuẫn giữa người lớn với nhau” - ThS. Như Quỳnh cho biết.
ThS. Như Quỳnh lý giải, việc phụ huynh đến “dọa dẫm” đứa trẻ bắt nạt con mình chỉ khiến em đó có cảm giác bị… bắt nạt lại, chưa chắc đã đạt hiệu quả răn đe. “Những tình huống như thế, tốt nhất phụ huynh nên bình tĩnh trao đổi, bàn bạc với giáo viên phương án giải quyết. Nếu giáo viên lẫn phụ huynh cùng hợp sức mà vẫn tái diễn tình trạng bắt nạt, có thể tìm sự hỗ trợ hoặc can thiệp từ cấp cao hơn như ban giám hiệu nhà trường” - ThS. Như Quỳnh nêu hướng giải quyết.
ThS. Như Quỳnh còn cho rằng, có nhiều cách hướng dẫn trẻ tự vệ thay vì chấp nhận cho “ăn miếng, trả miếng”. Điều quan trọng không thể thiếu đối với việc hình thành nhân cách trẻ ở độ tuổi này chính là sự sát cánh, gần gũi của gia đình, cha mẹ. Cùng với giáo viên, gia đình không nên “bỏ quên” việc định hướng lối sống, đạo đức các em bằng những câu chuyện thiết thực về giá trị tình bạn, lòng thương người, vị tha, quan tâm giúp đỡ người khác…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Không khó để nhận biết trẻ bị bắt nạt
Theo ThS. Nguyễn Thị Như Quỳnh, các bậc phụ huynh cần chú ý những điều trẻ hay “méc” lại sau mỗi buổi học, hay khơi gợi để trẻ kể về những điều diễn ra trong buổi học… Đó là những cách để phụ huynh nhận biết con mình có bị bắt nạt hay không. Ngoài ra, cần quan tâm đặc biệt, theo dõi sát nếu phát hiện trên người trẻ có vết bầm, vết cắn… hoặc biểu hiện sợ sệt, không chịu đến lớp. Trong trường hợp trẻ sợ đến lớp, phụ huynh không nên ép buộc con mà thay vào đó cần quan tâm, tìm hiểu kỹ nguyên nhân.