Thứ năm, 31/7/2014, 20h07

Hai cô gái vàng của Việt Nam

Phạm Mai Phương (trái) và Phạm Ngân Giang vui mừng vì đoạt huy chương vàng tại IChO 46
Cuộc thi Olympic hóa học lần thứ 46 (IChO 46) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã kết thúc với 291 học sinh đến từ 75 nước tham dự. 4 học sinh Việt Nam tham dự lần này đã mang vinh dự về cho Tổ quốc với 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc.
2 huy chương vàng của đoàn Việt Nam thuộc về 2 nữ sinh đến từ Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là Phạm Ngân Giang và Phạm Mai Phương.
Cô gái luôn có quyết tâm lớn
Đạt 75,85/100 điểm, Ngân Giang đã mang về tấm huy chương vàng tại IChO 46 cho Việt Nam. Ngân Giang cho biết em cảm thấy khá tự tin về sự thể hiện bài thi của mình. Điểm mạnh của đoàn Việt Nam vẫn là lý thuyết và chúng em làm khá tốt. Các bạn quốc tế thực hành khá thành thạo và nhanh. Kinh nghiệm của em là học kĩ những phần cơ bản trong SGK và ôn thật nhiều bài tập. Có mặt tại buổi lễ bế mạc IChO 46, bà Nguyễn Phương Hoa - mẹ của Ngân Giang - cho biết Ngân Giang là một cô gái sống nội tâm. “Thời gian Ngân Giang 4 tuổi đến 8 tuổi, tôi đi học ở nước ngoài nên cháu ở với ông bà ngoại. Có lẽ vì thiếu thốn tình cảm của mẹ lúc nhỏ nên cháu sống nội tâm”, bà Hoa nói. Bà cho biết thêm: “Ngoài việc học, lúc rảnh rỗi, Ngân Giang thường nghe nhạc hoặc vẽ. Cháu vẽ tranh phong cảnh rất đẹp. Có lẽ do gen di truyền từ ông ngoại. Có một nét đặc biệt ở cháu mà tôi nhớ đó là luôn có một quyết tâm rất lớn. Đã đặt ra kế hoạch là phải đạt được. Từ năm lớp 6 đến lớp 8, cháu học chuyên văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đến năm lớp 9, tôi khuyên cháu chuyển sang chuyên hóa. Tuần đầu sang học chuyên hóa, cháu về nhà rất buồn vì là học sinh học kém nhất lớp. Là bác sĩ, tôi rất lo nên khuyên cháu chuyển về lớp cũ. Tuy nhiên, cháu nói với tôi: Tại sao mẹ đã đặt ra thế mà không quyết tâm, hãy cho con thử một đến hai tháng, nếu không có kết quả thì hãy chuyển”. Đấy là một kỷ niệm đẹp và cũng là một bài học mà bà Hoa thấy con gái đã dạy ngược lại mình. Chuyển sang chuyên hóa một năm, cuối năm lớp 9, Ngân Giang đã giành giải nhất môn hóa cấp thành phố. Khi biết Ngân Giang đạt huy chương vàng IChO 46, bà Hoa rất tự hào về con. Nói về việc học của con, bà Hoa cho biết Ngân Giang không cao to nên thường dậy sớm tập thể dục, và học chỉ đến 22 giờ 30, khi nào ôn thi thì học đến 23 giờ. Bản thân là bác sĩ nên bà cũng không muốn con học nhiều quá. Tuy nhiên không vì thế mà sức học của Ngân Giang bị kém đi. Ngược lại, năm lớp 11, em đạt giải nhì môn hóa cấp quốc gia và vào đến vòng 2 chọn đội tuyển thi quốc tế. Năm nay, em đạt giải nhất quốc gia và giành huy chương vàng quốc tế. Dự định của Ngân Giang là sẽ vào học Trường ĐH Y Hà Nội. Vì trong gia đình mẹ là bác sĩ, từ bé em thấy mẹ chữa bệnh và giải đáp sức khỏe cho bệnh nhân thì cảm thấy bác sĩ là nghề cao quý, có thể giúp đỡ mọi người. Hơn nữa, tuổi thơ em đã phải sớm xa mẹ nên em muốn dành thời gian ở bên mẹ nhiều hơn.
Đạt điểm cao nhất dù đang bị sốt
Khi Ban tổ chức công bố có đến 25 huy chương vàng, trong khi đoàn Việt Nam đã có 3/4 thành viên có huy chương, ai cũng hồi hộp và nghĩ có thể điều không tốt đã xảy ra. Tuy nhiên, khi Ban tổ chức xướng tên 3 thí sinh đạt điểm cao nhất của IChO 46, thì cái tên Phạm Mai Phương được nêu lên đầu tiên đã khiến cả Hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình vỡ òa. Và Mai Phương đã khóc. Em vui sướng và tự hào. Nói về thời gian thi vừa qua, Mai Phương cho biết trong buổi thi lý thuyết em đã bị sốt. Sau 5 giờ làm bài thi, về nhà em đã bị ngất. Do đó kết quả bài làm lý thuyết của em không được mỹ mãn như mong đợi vì thế mạnh của em chính là lý thuyết. Tuy nhiên, đề năm nay khá vừa sức với học sinh Việt Nam nên các bạn trong đoàn khá phấn chấn. “Sau buổi thi, tụi em và mấy bạn Đài Loan, Mỹ trao đổi đáp số với nhau thì thấy kết quả tương đối sát nên mọi người đều tự tin là mình làm tốt”, Mai Phương nói. Cũng theo Mai Phương, đề thi hơi dài nhưng bao quát được các lĩnh vực mà hóa học hiện nay đang quan tâm. Các thí sinh nói chung đều nhận xét đề thi hay, đặt ra được nhiều thách thức với những người thi. Một may mắn với thí sinh Việt Nam là câu thực hành về muối két vô cơ tuy gây nhiều khó khăn cho thí sinh nước ngoài nhưng đội Việt Nam đều làm được rất tốt.
“Có một nét đặc biệt ở cháu mà tôi nhớ đó là luôn có một quyết tâm rất lớn. Đã đặt ra kế hoạch là phải đạt được”, bà Hoa chia sẻ.
Bố và mẹ của Mai Phương đều có mặt tại buổi lễ bế mạc - ông Phạm Quang Đạt và bà Bùi Thanh Huyền. Họ đều là dược sĩ, một nghề liên quan nhiều tới lĩnh vực hóa học nên việc Mai Phương quyết tâm chọn học chuyên hóa khi vào THPT khiến gia đình cảm thấy rất vui. Theo bà Huyền, Mai Phương là một đứa con ngoan, dù rất độc lập, tự chủ. “Con đạt kết quả như thế này là thành quả tất yếu từ nỗ lực không ngừng trong những năm qua. Nhưng quả thật tôi cũng khá bất ngờ khi con mình có điểm thi cao nhất của cuộc thi đỉnh cao về hóa học dành cho học sinh THPT”, bà Huyền nói. Còn ông Phạm Quang Đạt thì cho biết, khi còn là học sinh THCS, Mai Phương học chuyên toán. Được biết, kỳ thi vào THPT, Mai Phương đã đỗ điểm cao vào chuyên toán của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và hệ chuyên của ĐH Sư phạm Hà Nội. Em đã tự tìm hiểu  rồi quyết định học chuyên hóa của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Dù học hóa nhưng Mai Phương vẫn rất thích học toán. Ngoài ra, em còn dành đam mê cho âm nhạc. “Mai Phương thường lên mạng tải những bản nhạc hay trong các bộ phim xuống rồi tự tập cho đến khi đàn được những bản nhạc đó”, ông Đạt nói.
Mai Phương cho biết em sẽ theo học ngành hóa tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Chia sẻ về những kỷ niệm đối với con gái mình, ông Đạt cho biết, từ nhỏ Mai Phương đã có trí nhớ rất tốt, nhớ được rất nhiều số điện thoại. Khi Mai Phương học THCS, mỗi tuần ông dành 2 buổi để hướng dẫn con học, vì ông cũng là dân chuyên toán. Tuy nhiên, khi con lớn lên, gia đình lại định hướng học hóa vì môn này phù hợp với con gái và có tính ứng dụng cao.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
“Mai Phương có cách học rất lạ. Vừa học, vừa nghe nhạc, vừa xem phim hài”, bà Huyền cho biết.