Thứ ba, 15/4/2014, 21h04

Hiệu quả dạy học tiếng Việt và kì vọng đổi mới

Một tiết học môn ngữ văn của học sinh THCS. Ảnh: Anh Khôi
Hiện nay, số giờ học ngữ văn trong chương trình phổ thông không ít. Thế nhưng, vì sao còn tình trạng học sinh kết thúc chương trình phổ thông lại không thể viết đúng tiếng Việt? Cần phải làm gì để việc dạy học tiếng Việt trong trường phổ thông hiệu quả hơn?...
Cách đây khoảng 10 năm, trong chương trình của các trường ĐH có môn tiếng Việt thực hành. Tôi thực sự băn khoăn và tự hỏi: Học tiếng Việt ở bậc phổ thông không có tính chất thực hành sao? Không biết những sinh viên đã học tiếng Việt thực hành khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày, trong soạn thảo văn bản có hơn những sinh viên khác hay không?
Cứ vào mùa tuyển sinh ĐH, tôi thường được nghe các thầy cô than phiền về tiếng Việt của thí sinh. Ngay các giảng viên Khoa Ngữ văn cũng không mấy hài lòng với năng lực tiếng Việt của những giáo viên ngữ văn tương lai, những người sẽ giúp thanh thiếu niên Việt Nam biết yêu hơn tiếng mẹ của mình và biết dùng nó thành thạo để nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống. Tôi cũng đã được nghe nhiều chia sẻ, trăn trở và một vài đề xuất. Nhiều thầy cô ngữ văn cho rằng cần phải thay đổi cách thức tuyển sinh đầu vào: Không chỉ căn cứ vào tổng số điểm của các bài thi, mà còn phải xét riêng điểm thi môn văn với hi vọng chọn được những thí sinh thực sự có năng lực diễn đạt để đào tạo nên những thầy cô dạy người khác cách diễn đạt. Tôi thấy đề nghị này có lí. Sắp tới, khi nhà trường được tự chủ về tuyển sinh, có thể phương thức tuyển sẽ thay đổi theo hướng chú trọng số điểm của môn thi có liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo ở ĐH trong tổng số điểm các bài thi tuyển sinh.
“…nói một cách hình ảnh là chúng ta đang đào tạo người thầy theo mô hình của thời đi bộ để dạy những con người đang sống trong thời đại ô tô, máy bay, tàu vũ trụ…” - PGS.TS Nguyễn Kim Hồng.
Tuy nhiên, giải pháp đó chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, phần gốc nằm ở việc dạy học tiếng Việt phổ thông. Tôi có hỏi các giáo sư ngôn ngữ học vì sao ngay cả những học sinh phổ thông thi vào các ngành khoa học xã hội mà vẫn không viết đúng tiếng Việt. Nhiều câu trả lời khác nhau: Có thể do chương trình và sách giáo khoa, có thể do trình độ, tâm huyết, điều kiện làm việc của giáo viên, và nhiều cái “có thể” khác nữa. Để tìm hiểu, tôi quyết định xem phân phối chương trình các bậc học. Kết quả: Tiếng Việt được học ở bậc tiểu học, lớp 1 - 10 tiết/tuần; lớp 2 - 9 tiết/tuần; các lớp 3, 4 và 5 - 8 tiết/tuần. Một năm thực học 33 tuần. Năm năm học tiểu học, số tiết mà học sinh được học môn tiếng Việt là 1.419. Bậc trung học, số tiết học môn ngữ văn như sau: THCS là 578 tiết; THPT: Ban khoa học tự nhiên: 323 tiết, ban khoa học xã hội: 408 tiết. Tổng số tiết học tiếng Việt và ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12 là 2.320 tiết (với ban khoa học tự nhiên) và 2.405 tiết (với ban khoa học xã hội). Thời chúng tôi đi học, số tiết tiếng Việt và văn học chắc không nhiều hơn bây giờ, và cũng chẳng có những giờ học về ngữ pháp văn bản, nhưng rất ít người viết sai chính tả và ngữ pháp. Chương trình và sách giáo khoa hồi đó không hiện đại như bây giờ. Điều kiện học tập rất khó khăn (lớp học ngoài đình, không có bàn ghế, phấn bảng, giấy viết…) nhưng chỉ cần xong “vỡ lòng” là có thể đọc báo, đọc truyện rồi.
Tôi mạnh dạn đề nghị các nhà xây dựng chương trình môn tiếng Việt và ngữ văn sắp tới cần tìm cách để dạy học ngữ văn sao cho phù hợp. Có thể, phần văn nên bắt đầu ngay từ lớp 1, chiếm thời gian nhiều hơn từ lớp 3, bắt đầu từ THCS, phần tiếng Việt có thể giảm thiểu đến mức tối đa, tích hợp dạy ngôn ngữ trong văn, trong văn có ngữ. Đừng dạy học sinh trở thành những nhà ngôn ngữ học. Có thế học sinh mới có thể ham thích học văn trong nhà trường. Đúng như nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đến nay ở Việt Nam, chúng ta hiện có quá ít những nghiên cứu về tâm lí học và giáo dục học; chúng ta chưa giảng dạy tâm lí học và giáo dục học trong trường sư phạm một cách hiệu quả. Nghiệp vụ sư phạm là một trong những điểm yếu kém nhất của trường sư phạm và sinh viên sư phạm. Vấn đề với các trường sư phạm hiện nay là dạy thế nào để sinh viên có thể có kiến thức và kĩ năng sư phạm đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Thế nhưng, nói một cách hình ảnh là chúng ta đang đào tạo người thầy theo mô hình của thời đi bộ để dạy những con người đang sống trong thời đại ô tô, máy bay, tàu vũ trụ…
Tôi hi vọng chúng ta sẽ tìm ra được hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học; nâng cao hơn nữa nghiệp vụ sư phạm cho hàng trăm ngàn giáo viên ngữ văn đang đứng lớp, xây dựng những tiền đề khoa học hiện đại, vững chắc cho việc đào tạo nhiều thế hệ giáo viên ngữ văn trong tương lai; làm cho việc dạy học tiếng Việt thực sự có hiệu quả, làm cho mỗi học sinh Việt Nam ngày càng yêu quý và sử dụng thành thạo “tiếng nước tôi” (Phạm Duy) trong thời đại toàn cầu hóa này.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) 
Hội thảo đổi mới dạy học môn ngữ văn
Ngày18-4, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo Dạy học ngữ văn theo hướng phát triển năng lực và yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông. PGS.TS Nguyễn Thành Thi - Trưởng khoa Ngữ văn - cho biết trong số 118 tham luận đăng ký, có 87 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục… từ 35 cơ sở nghiên cứu đào tạo, sở GD-ĐT các tỉnh/thành và một số trường phổ thông sẽ được giới thiệu, trình bày tại hội thảo. Nội dung tập trung vào các vấn đề chính như: Phát triển năng lực cho người học, dạy học ngữ văn theo hướng phát triển năng lực, những vấn đề cụ thể về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá...
Được biết, mục đích của hội thảo nhằm khắc phục những yếu kém và tình trạng học sinh chán học bộ môn ngữ văn, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể cũng như trách nhiệm của các trường ĐH, CĐ để có cú đột phá mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. 
N.Quang