Thứ ba, 16/12/2014, 22h12

Khi giáo viên nói khó nghe

Giáo viên tiểu học cần nói chậm, to để các em học sinh tiếp thu tốt (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: N.Trinh

1. Sáng sớm, hiệu trưởng X. vừa bước vào cổng trường đã thấy bảo vệ hớt hải thông báo: “Thưa cô có rất nhiều phụ huynh của lớp 5A xin vào gặp cô có việc rất quan trọng, hình như họ xin đổi giáo viên cô ạ”. Nhìn về phía phòng mình, hiệu trưởng X. thấy khoảng 6-7 phụ huynh đang ngồi chờ sẵn. Cô vội vàng tới gần vui vẻ mời họ vào phòng uống nước và trình bày ý kiến của mình. Phụ huynh A. nêu ý kiến: “Con tôi từ hôm học cô giáo mới, cháu nói cô dạy khó hiểu bài” (cô Hoa chủ nhiệm lớp 5A là giáo viên mới tuyển dụng thay cho thầy chủ nhiệm cũ được bổ nhiệm công việc mới). Phụ huynh B. nói: “Con tôi về nhà nói cô giảng bài giọng nghe rất khó”. Phụ huynh C. tiếp lời: “Cô giáo hiền quá không nói được các em”, một số phụ huynh khác cũng nêu lý do… Tình thế có vẻ căng thẳng, mỗi người đều có lý do đề nghị đổi giáo viên.
Hiệu trưởng X. vốn là người sống tình cảm, tính tình cởi mở luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh nên bình tĩnh lắng nghe các ý kiến của phụ huynh một cách chăm chú. Cô ghi nhận các ý kiến và xin lỗi để phụ huynh phải phiền lòng về việc học tập của con em mình. Cô khẳng định sẽ xem xét và giải quyết trong thời gian sớm nhất để phụ huynh yên tâm…
Cô hiệu trưởng gọi cô Hoa xuống gặp ngay trong giờ ra chơi sáng hôm ấy để hỏi về tình hình giảng dạy và sự tiếp thu bài của học sinh một cách nhẹ nhàng, vì cô Hoa còn trẻ nên khi hiệu trưởng gọi nói chuyện rất lo lắng.
Khi hiệu trưởng X. hỏi thì nghe giọng cô Hoa cũng hơi khó nghe vì cô nói giọng của miền Bắc Trung bộ, mà lại nói hơi nhanh. Hiệu trưởng nhẹ nhàng nhắc khéo: “Em nói nhanh như thế cô nghe còn khó chứ nói gì đến học sinh. Em phải nói chậm, to vì có một số ý kiến của phụ huynh phản ánh về việc này”. Cô Hoa vội vàng gật đầu xin hứa sẽ khắc phục nhược điểm. Đến đây hiệu trưởng X. liền yêu cầu cô phải mạnh dạn tự tin và dứt khoát hơn trong việc giáo dục học sinh, nhất là vấn đề giảng dạy trên lớp. Hiệu trưởng cho cô chuẩn bị hai ngày để dự giờ kiểm tra và xem lại nề nếp của lớp, nếu cô làm tốt thì nhà trường tiếp tục hợp đồng và ngược lại.
Quả thật, sau hai ngày cô Hoa bắt đầu có sự chuyển biến dần khi cô nói chậm rãi dễ nghe hơn, cô cũng gần gũi và mạnh dạn nghiêm khắc hơn trong việc giáo dục học sinh. Hiệu trưởng X. giao cho khối trưởng khối 5 kèm cặp và kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở cô phải chăm chỉ học tập các thầy cô trong khối. Hiệu trưởng X. liên hệ lại với một số phụ huynh hôm trước phản ánh thì tất cả đều có ý kiến là cô Hoa đã dần thay đổi, đồng thời hiệu trưởng hứa sẽ cố gắng không để tình trạng như vậy xảy ra.
Sau một thời gian được sự động viên hướng dẫn của đồng nghiệp và cách xử lý khéo léo, cô Hoa đã vững vàng hơn trong giảng dạy; phụ huynh cũng đã dần yên tâm không còn phản ánh. Bản thân cô Hoa cũng yên tâm công tác không còn mặc cảm với mọi người.
2. Theo tôi, cách giải quyết của hiệu trưởng X. trong tình huống trên vừa mang tính nhân văn vừa mang tính nguyên tắc trong quản lý Nhà nước. Ngay từ đầu khi nghe phụ huynh phản ánh, hiệu trưởng X. đã không vội vã giải quyết và đưa ra ngay quyết định mà gặp gỡ, xem xét tìm hiểu nguyên nhân để có cách giải quyết hợp lý, hợp tình vừa mang tính nguyên tắc là nghiêm khắc nhắc nhở nhưng lại kết hợp với khối trưởng động viên giúp đỡ giáo viên. Bên cạnh đó, hiệu trưởng X. còn xử lý rất tế nhị trong việc giải quyết không để cô Hoa mất tự tin mà tạo cơ hội cho giáo viên trẻ phấn đấu…
Nguyên tắc quản lý là những tri thức cơ bản vừa mang tính chuẩn mực. Phương pháp quản lý là lĩnh vực sáng tạo của người quản lý. Một người quản lý giỏi là biết vận dụng linh hoạt mềm dẻo kết hợp tối ưu giữa các phương pháp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Do vậy người hiệu trưởng giỏi phải là người có tri thức vừa có kinh nghiệm nghề nghiệp luôn phải bồi dưỡng ứng xử tinh tế và luôn thông cảm chia sẻ những khó khăn trong công việc cho cấp dưới của mình.
Nguyễn Thị Ngọc
Mọi ý kiến xin gửi về email: vandoanhta@gmail.com hoặc tantruc_tg@yahoo.com.