Thứ hai, 17/3/2014, 15h03

Không nên “ngó lơ” CĐ

Chuyên viên tư vấn trong chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” trả lời thắc mắc của học sinh. Ảnh: N.Anh
Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - bình quân trong số 7 học sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013 thì chỉ có 1 em chọn thi vào CĐ.
Hiện trạng chung của các trường CĐ
Năm 2013 là năm khiến các trường CĐ đau đầu nhất vì tuyển sinh hết đợt này tới đợt khác vẫn không đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân đầu tiên là lượng thí sinh “ảo” quá lớn, thí sinh chỉ đăng ký thi ĐH chứ không chọn CĐ là “địa điểm” chính để nộp hồ sơ. Đa số các trường hợp khi thi xong ở các trường ĐH, cảm thấy đã cầm chắc trong tay điểm trúng tuyển thì tức tốc “cuốn gói về quê” và không dự thi CĐ nữa. Nguyên nhân thứ hai là có những thí sinh trúng tuyển cả hai trường ĐH và CĐ thì hiếm hoi mới có một hoặc hai thí sinh chọn học CĐ, ngay cả những thí sinh đậu thủ khoa ở trường CĐ vẫn “quay lưng” sang học ĐH vì cho rằng học ĐH cơ hội việc làm sẽ rộng hơn. Thậm chí, có những trường “ngồi đợi” thí sinh trúng tuyển nhưng vẫn loe ngoe vài bóng dáng đến làm thủ tục nhập học.
Năm 2013, Trường CĐ Công thương phải tuyển thêm gần 1.500 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung đợt 1. Cho đến lúc hết hạn tuyển sinh, tỷ lệ thí sinh đến nhập học chỉ có 40% chỉ tiêu.
Trong khi đó, TS. Lê Trung Đạo - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính Hải quan - cho biết năm 2013 trường chỉ tuyển 500 chỉ tiêu nhưng do thí sinh nguyện vọng 1 nhập học ít nên phải tuyển thêm hơn 200 chỉ tiêu. Còn Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP.HCM chỉ có khoảng 30% thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhập học. Chua chát nhất là Trường CĐ Bách Việt chỉ có khoảng 1.000 thí sinh nhập học trong khi trường có tới 2.300 chỉ tiêu. Nguyên nhân thí sinh vào học CĐ ngày càng giảm, theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, chính phần điểm sàn quy định chưa hợp lý trong khi mặt bằng điểm của thí sinh khá cao, nhưng khoảng cách điểm sàn giữa ĐH và CĐ cũng chỉ là 3. Vì thế, thí sinh sẽ rất dễ chọn vào các trường ĐH do nhiều trường lấy bằng điểm sàn, số lượng còn lại vào CĐ tất nhiên sẽ hiếm hoi.
Không nên so sánh ĐH và CĐ
Trong buổi tư vấn tuyển sinh 2014 tại Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) do Báo Giáo dục TP.HCM, số cuối tuần chuyên đề VTM thực hiện, hai bạn Trần Ngọc Giàu (lớp 11A3) và Nguyễn Hồng Hạnh (lớp 12A4) cùng đặt câu hỏi cho TS. Nguyễn Đức Nghĩa: “Thưa thầy! Cơ hội việc làm giữa sinh viên ĐH và sinh viên CĐ có giống nhau không?”. TS. Nguyễn Đức Nghĩa đã chia sẻ thẳng thắn: “Theo Bộ GD-ĐT thì ĐH và CĐ cùng chung bậc đào tạo, nhưng theo quan điểm xã hội thì ĐH được đánh giá cao hơn. Song, cơ hội việc làm là tương tự nhau, nhưng để có công việc tốt phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng cá nhân, đừng chạy theo bằng cấp mà quên đi năng lực bản thân có làm được công việc đó hay không. Trên thực tế, ngạch viên chức hệ CĐ luôn thấp hơn hệ ĐH mà không biết tới bao giờ mới được cân bằng”.
Một điểm lưu ý nữa của TS. Nguyễn Đức Nghĩa, đó là số lượng học sinh đăng ký dự thi vào ĐH quá nhiều trong khi lại bỏ ngỏ CĐ. Riêng với Trường THPT Lương Thế Vinh, trong kỳ thi ĐH, CĐ 2013 thì trong 11 học sinh đăng ký dự thi chỉ có 1 em đăng ký thi CĐ. Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Nghĩa, CĐ vẫn là môi trường học tập căn bản của hệ giáo dục sau phổ thông nên sinh viên sau khi ra trường vẫn đảm bảo kiến thức, kỹ năng phục vụ theo nhu cầu xã hội. Nếu học sinh biết lượng sức, “biết người biết ta” để đăng ký thi vào CĐ thì tỷ lệ thi đậu ĐH, CĐ sẽ tăng đáng kể.
Lộc Sâm
Chỉ khuyến khích thi vào ĐH
Một thực tế ở các trường THPT là các giáo viên chủ nhiệm chỉ hướng cho học trò mình chọn thi vào các trường ĐH dạng “top” vì mong muốn trường có được thành tích tốt sau một năm tổng kết. Em Nguyễn Ngọc Trinh (lớp 12A, Trường THPT Lê Thánh Tôn), nói: “Từ khi vào lớp 10, em đã được cô chủ nhiệm liệt kê 10 trường ĐH được cho là danh tiếng của thành phố và căn dặn tụi em rất kỹ là phải thi đậu vì ở các trường này cơ hội việc làm sau khi ra trường rất cao”. Còn em Dương Khánh Hạ (lớp 12A22 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) thì cho rằng lý do em ít được tiếp xúc và hiểu nhiều về các trường CĐ là do các chương trình tư vấn mùa thi thông thường chỉ có một hoặc hai trường CĐ tham dự, hoặc có tham dự thì chỉ có các trường CĐ quốc tế.