Thứ năm, 24/4/2014, 23h04

Kỹ năng dạy học

Người thầy phải yêu điều mình dạy và yêu thương người học. Ảnh: Anh Khôi
Kỹ năng dạy học là một khái niệm rất gần gũi, thiết thực đối với người thầy và có tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Vì thế, công tác bồi dưỡng giáo viên hiện nay chính là bồi dưỡng kỹ năng hay bồi dưỡng tay nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Trong quá trình giáo dục, lên lớp là thời gian tương tác thầy - trò liên tục được diễn ra, qua đó người thầy truyền thụ cho học sinh kiến thức nhằm phát triển ở các em sức mạnh bản chất con người, đó là trí tuệ và tâm hồn.
Lý luận về giờ lên lớp đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nhưng đến nay số giáo viên giỏi vẫn không nhiều do không biết làm thế nào để tích cực hóa và tổ chức hoạt động độc lập sáng tạo cho học sinh. Theo chúng tôi, muốn trở thành giáo viên giỏi và muốn có giờ lên lớp tốt phải thỏa mãn một số yêu cầu cơ bản sau: Đầu tiên là thuyết trình giảng bài phải hay, lý thú và hấp dẫn. Để làm được điều đó trước hết về nội dung, giáo viên phải hình dung đây là lúc mình đang gieo hạt giống trí tuệ vào đầu óc các em. Đã là hạt giống thì phải tinh khiết và gọn nhẹ, nghĩa là phải lựa chọn những kiến thức cơ bản sâu sắc và ngắn gọn. Về góc độ tình cảm, người thầy phải yêu cái điều mình dạy và yêu con người mình dạy. Nội dung không chỉ phong phú, đa dạng mà còn phải hiện đại và mới. Nhưng cái mới phải gắn liền với cái cũ. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu người học, nội dung phải gắn với đời sống, liên hệ với thực tiễn. Có những kiến thức có thể chưa có lợi trước mắt nhưng sẽ hữu ích cho tương lai. Đây là những yêu cầu rất cao, có khi tích lũy học tập cả đời làm thầy mới vươn tới được. Vì vậy các giáo viên trẻ phải chú ý học hỏi ở những người thầy giỏi mới có thể rút ngắn con đường phát triển của mình.
Sau khi đã lựa chọn kiến thức, cần sắp xếp sao cho có hệ thống và phát triển dần từ dễ đến khó, từ cái chung đến cái riêng. Qua mỗi phần cần nêu lên tư tưởng chung, cơ sở phương pháp luận… Ngôn ngữ người thầy phải thật giản dị, trong sáng và dễ hiểu, cố gắng dần để có ngôn ngữ mượt mà và trau chuốt hơn. Trên bục giảng, giọng nói phải lúc to lúc nhỏ, lúc trầm lúc bổng, lúc mau lúc khoan cho phù hợp nội dung là điều hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, thái độ người thầy phải thân thiện, cởi mở, có đôi chút hài hước chắc chắn sẽ làm cho học sinh rất thích thú.
Trong quá trình thuyết giảng có lúc phải tạo những khoảng lặng cần thiết thường có sau câu hỏi để người học có thể xử lý các vấn đề đã nhận thức được, chuyển kiến thức đó vào trí nhớ và có thể tái hiện khi cần thiết. Cũng có lúc giáo viên đặt ra những câu hỏi nghịch lý để tránh cách tư duy phiến diện, xuôi chiều và thụ động. Sự di động của người thầy khi thuyết giảng cũng giúp cho không khí đỡ nặng nề, buồn tẻ.
Tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người thầy trong suốt giờ lên lớp. Việc tích cực hóa hiện nay thường dựa vào một số biện pháp chủ yếu sau: Qua hệ thống câu hỏi và bài tập, tổ chức cho học sinh tự đọc sách giáo khoa, tóm tắt và phát triển những gì thu hoạch được. Ngoài ra nên tổ chức cho học sinh làm thí nghiệm thực hành đồng loạt và thảo luận tại chỗ cũng có tác dụng tốt trong việc tích cực hóa hoạt động nhận thức của các em. Lưu ý thêm, trình bày bảng đảm bảo tính trực quan hệ thống làm tăng độ chính xác và khả năng ghi nhớ của các em. Nhờ hệ thống hóa kiến thức trên bảng mà giúp cho học sinh nhớ và vận dụng được kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, kiến thức trình bày trên bảng phải được lựa chọn cẩn thận, cơ bản ngắn gọn và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Về phương pháp dạy học, sử dụng phương pháp nào là câu hỏi đầu tiên đặt ra cho mỗi người thầy khi chuẩn bị lên bục giảng. Phải nhìn thấy ưu và khuyết điểm của từng phương pháp dạy học để từ đó đưa ra cơ sở và quy trình lựa chọn phương pháp dạy học. Mặt khác, trong một bài giảng không bao giờ chỉ sử dụng một phương pháp mà phải có sự phối hợp ăn ý các phương pháp dạy học, trong đó có một phương pháp chủ đạo. Nếu không hoạt động của người thầy sẽ rối loạn khi lên lớp.
Bốn yêu cầu cơ bản trên cũng chỉ là mặt kỹ thuật của vấn đề dù sao còn nằm trên lý thuyết. Trong quá trình vận dụng vào thực tiễn đòi hỏi người thầy phải phát huy trí sáng tạo của mình mới mong có kết quả tốt đẹp được.
GS.TSKH Thái Duy Tuyên
(Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)
 
Phải nhìn thấy ưu và khuyết điểm của từng phương pháp dạy học để từ đó đưa ra cơ sở và quy trình lựa chọn phương pháp dạy học.