Thứ năm, 26/3/2015, 23h03

Kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đoàn (26-3-1931/ 26-3-2015): Những người “thắp lửa”

Thầy Lê Anh Lực trong một giờ lên lớp
Họ là những giáo viên trẻ về tuổi đời và tuổi nghề. Có thể không dạn dày kinh nghiệm như nhiều giáo viên lâu năm đi trước nhưng ở họ có ngọn lửa nhiệt huyết, lòng yêu nghề, hết lòng vì công việc, vì học sinh và các hoạt động phong trào.
“Nhiệt huyết, sự nhạy cảm và tinh tế”
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy (sinh năm 1988) hiện đang giảng dạy bộ môn sinh học và là Trợ lý thanh niên Trường THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2014 như một phần thưởng xứng đáng dành cho cô Thúy sau những nỗ lực, cố gắng của mình. Khi được hỏi về những ngày đầu mới đứng trên bục giảng, cô Thúy cười hiền rồi nói: “Khi đó tôi chỉ vừa mới rời giảng đường đại học, là một giáo viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm nên trước các em học sinh nghịch ngợm đúng thật là khó khăn đối với chính mình. Dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng có những lúc tôi cảm thấy mình thật bất lực trong việc xử lý các tình huống để có thể có được hiệu quả như mong muốn”.
Trong năm đầu tiên đứng lớp, cô Thúy đã gặp “rắc rối” với một cô học trò làm cán bộ Đoàn có cá tính mạnh mẽ và rất nhạy cảm. Hai cô trò thậm chí từng tranh luận không có điểm dừng. Có những lúc cô đã khóc không phải vì giận học trò mà vì giận… chính bản thân mình khi không thể làm tốt vai trò của một giáo viên. Nhưng chính những điều đó, những học trò đó đã giúp cô giáo trẻ trưởng thành hơn. “Nhiệt huyết không chưa đủ, tôi nghĩ mình cần thêm sự nhạy cảm và tinh tế để có thể gần gũi, chia sẻ với các em. Tôi rất vui khi quãng thời gian mới ra trường đó đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm”, cô Thúy chia sẻ. Cô học trò nhỏ năm nào cũng đã dần hiểu được những gì cô giáo làm cho mình.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô Thúy còn được tín nhiệm làm Trợ lý thanh niên của trường. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự nhiệt tình, ham học hỏi, cô đã nỗ lực để đưa phong trào hoạt động Đoàn của nhà trường phát triển. Với mong muốn tạo nhiều sân chơi cho học sinh sau giờ học, cô Thúy đã đề xuất và tham mưu Ban Chấp hành Đoàn trường thực hiện thí điểm hội thi “Tôi là đoàn viên, thanh niên ưu tú” tại các chi đoàn lớp. Theo cô Thúy, đối với học sinh, việc tổ chức sân chơi cho các em là điều hết sức cần thiết để các em có những giờ giải trí, tránh sa đà vào những thói hư tật xấu. Nhiều học sinh rất hào hứng với các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, nhảy flash mob trong các đợt thi đua. Để giáo dục các em lòng yêu thương con người, sự sẻ chia trong cuộc sống, cô cùng với các giáo viên trong trường đã đầu tư nhiều thời gian, công sức cho hoạt động Đoàn, tổ chức hành trình “Sẻ chia yêu thương” khi đến thăm, sinh hoạt, hỗ trợ dọn dẹp tại các mái ấm. Ngoài ra cô còn cùng chi đoàn giáo viên tổ chức phát động các đợt quyên góp sách giáo khoa, phát động học sinh toàn trường thực hiện nuôi heo đất gây quỹ giúp bạn vượt khó với chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong việc làm hồ sơ xin học bổng. “Đoàn không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh cho học sinh mà còn là ngôi nhà chung để gắn kết, giúp các em có thêm nhiều niềm vui, kỷ niệm về những năm tháng học trò”, cô Thúy chia sẻ.
“Dân chủ và nêu gương”

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy và học sinh Trường THPT Phước Kiển vui chơi cùng các em nhỏ ở trại trẻ mồ côi
“Năng động, sáng tạo, bình dị, gần gũi, tích cực nâng cao chuyên môn, nhiệt tình với công tác Đoàn của trường…”, đó là những nhận xét của cô Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM) khi nói về thầy giáo Lê Anh Lực (sinh năm 1985). Năm học 2013-2014, thầy Lực vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM”. Trong quá trình giảng dạy, quản lý lớp học, thầy luôn cố gắng học tập theo phong cách của Bác Hồ, đó là “phong cách dân chủ” và “phong cách nêu gương”, luôn tôn trọng ý kiến của học sinh, của tập thể mặc dù các ý kiến đó có thể trái với mình. Chính sự gần gũi, bình dị đó mà thầy Lực được nhiều học sinh yêu quý.
Là giáo viên bộ môn hóa, thầy Lực hiểu được những khái niệm khô khan sẽ khó đọng lại trong tâm trí các em nên thầy luôn cố gắng tạo không khí thoải mái trong giờ học. “Hồi mới ra trường, nhiều khi giảng suốt cả tiết học rồi hỏi lại mà thấy học trò không hiểu thì tôi cảm thấy ray rứt lắm. Gắn bó với lớp hơn, tôi nhận ra dù trong bất cứ tình huống nào mình cũng không nản lòng, phải kiên nhẫn theo kiểu mưa dầm thấm lâu”, thầy Lực cho biết. Những câu chuyện hài hước, vui nhộn trong những giờ học hóa đã góp phần làm vơi đi sự khô khan của những con số, những công thức hóa học, giúp các em thêm mê say, hứng thú với môn học.
Chính nụ cười thân thiện ấy đã làm khoảng cách giữa thầy và trò gần hơn, việc dạy và học cũng nhờ đó mà hiệu quả hơn. Nếu học sinh nào có những thay đổi tích cực dù là rất nhỏ thì thầy cũng khen ngợi. Chính điều này đã khiến các em phấn khởi, tự hào, nâng dần ưu điểm lên.
Có lần, một học sinh bỏ nhà đi nên phụ huynh điện thoại nhờ thầy giúp đỡ. Sau khi tìm mọi cách để liên lạc được với học sinh, thầy Lực nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên em trở về với gia đình. Kết quả là hai ngày sau, ba mẹ học sinh đó đã điện thoại cảm ơn thầy. “Nhiều phụ huynh vì mải làm ăn mà không quan tâm đến con cái rồi đến khi thấy con học sa sút thì la rầy, hù dọa đủ điều, thậm chí là dùng đòn roi. Răn đe là điều cần thiết nhưng nếu cứ dùng đòn roi thì chỉ khiến các em ngày càng lì đòn và bất trị”, thầy Lực chia sẻ.
Trong quá trình công tác tại Trường THPT Võ Trường Toản, thầy Lực đã không ngừng nâng cao chuyên môn. Năm học 2013-2014, thầy Lực đã đạt giải nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp cụm, một học sinh do thầy dạy bồi dưỡng đạt giải nhì môn hóa cấp thành phố. Bên cạnh đó, thầy cũng rất nhiệt tình tham gia công tác Đoàn, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao. Không chỉ tập trung hết mình trong mỗi tiết dạy với những công thức hóa học, những chuỗi phương trình phản ứng  mà thầy còn là theo sát lớp trong mỗi trận đá bóng hay bất kỳ chương trình ngoại khóa nào. Chiếc áo của đội bóng lớp thầy Lực chủ nhiệm được các em in tên thầy lên áo như một tình cảm trân trọng, đầy yêu thương mà tập thể lớp dành cho thầy.
Bài, ảnh: Yên Hà
Có tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp giáo dục, những giáo viên trẻ như cô Thúy, thầy Lực đang từng ngày làm công việc lặng thầm của mình để các em học sinh được lớn lên trong những bài giảng về kiến thức, về sự sẻ chia. Ngọn lửa, tình yêu thương sẽ lan tỏa, tiếp nối nhiều thế hệ mai sau…