Thứ hai, 28/7/2014, 10h07

Labdisc - phòng khoa học di động

Một môi trường học tập nghiên cứu khoa học đầy đủ sẽ là điều kiện để học sinh phát huy năng lực tối đa
Sử dụng phòng thí nghiệm khoa học Labdisc thay thế cho phòng học bộ môn truyền thống là nội dung chính của buổi tập huấn “Chương trình phát triển mô hình nhà thám hiểm khoa học trẻ”, do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 25-7 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM). Tham gia có lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, chuyên viên khối tiểu học, THCS và THPT cùng các giáo viên phụ trách bộ môn khoa học.
Hướng học sinh khám phá khoa học
Phòng thí nghiệm khoa học Labdiscs chứa đựng các thiết bị thực hành thí nghiệm nhỏ gọn như bàn tay, tích hợp nhiều cảm biến cho các môn vật lý, hóa học, toán học, sinh học, khoa học... Ngoài ra, Labdisc còn có thêm chức năng định vị GPS cho phép làm các hoạt động nghiên cứu khoa học thực tế mọi lúc mọi nơi, tinh giản khối lượng cồng kềnh các thiết bị nghiên cứu khoa học tại phòng học bộ môn truyền thống.
Một đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, với các phòng học thí nghiệm truyền thống đòi hỏi nhiều trang thiết bị cồng kềnh, kinh phí cao thì phòng Labdisc di động khắc phục những hạn chế này. Ngoài ra nó có thể di chuyển đến bất kỳ nơi nào, cho phép người dạy và học thực hành thí nghiệm ngay trong lớp học truyền thống, tiết kiệm chi phí tối đa để xây dựng riêng một phòng học bộ môn. Bằng việc kết nối Labdisc với máy tính, học sinh có thể quan sát dữ liệu được hiển thị trong một loạt các định dạng đã tập hợp. Khi sử dụng trong bối cảnh tra cứu dữ liệu, khả năng này còn làm gia tăng, thúc đẩy việc học một cách đáng kể.
Thạc sĩ khoa học Dovi Bruker, chuyên gia nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ vào các môn khoa học (đại diện Tập đoàn Giáo dục Globisens), chia sẻ: Labdisc là mô hình có phương pháp hiện đại, giúp giáo viên dễ dàng triển khai các hoạt động dạy và thực hành khoa học. Còn học sinh được làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học cơ bản, từ đây hình thành thói quen cho các em đặt câu hỏi tại sao? Và đưa ra phương pháp luận, tìm ra nguyên nhân, tác động của việc nghiên cứu ảnh hưởng tới cuộc sống của con người, môi trường xung quanh; từ đó đưa ra ý tưởng mô hình, giải pháp...
“Thông qua điều kiện học tập này, học sinh được hướng đến sự đam mê khám phá khoa học, nâng cao năng lực học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề, học nhóm, thuyết trình...”, ông Dovi Bruker cho biết thêm.
Giáo viên đóng vai trò quan trọng
“Nghiên cứu khoa học là điều kiện tạo ra môi trường học tập chủ động sáng tạo. Học sinh sẽ có thói quen phản biện, tư duy khách quan phát triển, biết tổ chức và làm việc nhóm, sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ”, ông Nguyễn Văn Vượng cho biết.
Tại buổi tập huấn, các giáo viên và chuyên viên đã được hướng dẫn cách sử dụng Labdisc, cách thức tổ chức các hoạt động nghiên cứu, thực hành khoa học trong nhà trường cũng như được trang bị kiến thức về đổi mới phương pháp dạy và học khoa học, hình thành và xây dựng đội ngũ nhà khoa học trẻ trong nhà trường. Điều này có thể thấy vai trò của đội ngũ giáo viên trong việc giảng dạy khoa học cho học sinh là hết sức quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh học tập, nghiên cứu khoa học trong học đường theo từng cấp học là một trong những yêu cầu của giáo dục hiện đại, tiên tiến gắn liền việc học đi đôi với hành.
Ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), cho biết: “Giáo viên là người thúc đẩy nghiên cứu khoa học cho học sinh thông qua vai trò dẫn dắt, định hướng đề tài. Là người thể hiện cách đặt vấn đề có tình huống, xây dựng thói quen cho học sinh biết phản biện, biết xác định những vấn đề cần giải quyết. Từ đây giúp các em chủ động, tìm được phương hướng giải quyết vấn đề”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) cũng cho rằng, đối với bậc tiểu học, học sinh mới chỉ trong giai đoạn làm quen với nghiên cứu khoa học. Thế nhưng tại bậc học này cũng vướng một số khó khăn như học sinh đông ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập. Trong hoàn cảnh này, giáo viên phải là người linh động sắp xếp để mọi học sinh đều được tiếp cận, làm quen với khoa học.
Ngoài yếu tố giáo viên, cơ sở vật chất cũng là điều kiện được đánh giá cao bởi đây là cầu nối để học sinh đến được với những thực hành, thí nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay trong các trường học lại gặp không ít khó khăn về mặt này. Ông Nguyễn Văn Vượng cho biết: “Điều kiện cơ sở vật chất tại các trường chưa đầy đủ nên phần lớn người học vẫn tự nghiên cứu, sáng tạo là chính. Khó khăn này tạo ra rào cản cho người học vì không phải trường nào cũng có kinh phí giống nhau. Hơn nữa việc nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm không phải nghĩ ra rồi làm một lần là thành công”. Theo ông Vượng, trang bị cơ sở vật chất trong nhà trường hiện nay mới chỉ ở mức tối thiểu cho việc thực hành, vận dụng lý thuyết đã học chứ chưa đầy đủ để nghiên cứu khoa học đúng nghĩa. Để học sinh quen dần với việc nghiên cứu khoa học thì cần thiết phải xây dựng, đầu tư trang bị cho các môn để các em được tự làm.
Ông Dovi Bruker cũng nhận định: Trẻ nhỏ được tạo điều kiện nghiên cứu khoa học từ sớm là cơ hội tiếp cận những khái niệm chuẩn về khoa học. Là bản lề để các em phát triển đúng hướng, qua đây tạo động lực thúc đẩy tình yêu khoa học từ rất sớm. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học tại Việt Nam vẫn chú trọng nhiều đến lý thuyết mà thiếu thực hành mặc dù đã có khung chương trình từ tiểu học đến THPT. Trong khi đó, đối với khoa học, nếu nghe không thì có thể quên, thấy có thể nhớ nhưng làm thì sẽ hiểu. Nếu khắc phục được những hạn chế này thì giới trẻ Việt Nam còn có điều kiện phát huy năng lực tốt hơn nữa.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Việc nghiên cứu khoa học tại Việt Nam vẫn chú trọng nhiều đến lý thuyết mà thiếu thực hành mặc dù đã có khung chương trình từ tiểu học đến THPT - ông Dovi Bruker nhận định.