Thứ tư, 23/7/2014, 13h07

Nhìn lại “3 chung”

Cần có sự tổng kết nghiêm túc với đầy đủ tính chất khoa học giáo dục và thực tiễn về kỳ thi “3 chung” kéo dài 13 năm qua để rút ra những bài học kinh nghiệm cho một kỳ thi quốc gia sắp tới

Dư luận xã hội đã khá đồng thuận hướng đến một kỳ thi quốc gia dùng chung kết quả cho việc đánh giá tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Việc tổng kết kỳ thi “3 chung” thực hiện suốt 13 năm qua để rút ra bài học là vô cùng quý giá, giúp các nhà quản lý giáo dục thay vì cứ mãi mò mẫm trong những thử nghiệm sẽ có định hướng rõ ràng, cụ thể, vừa mang tính khoa học vừa có tính thực tiễn cao.

Kéo giảm chênh lệch

Nền tảng của kỳ thi “3 chung”: chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả để xét tuyển dựa trên trụ cột là chung đề thi. Trước năm 2002, dù vẫn có 3 đợt thi nhưng các trường ĐH, CĐ tự tổ chức, tự ra đề và tự xét tuyển. Đề thi không thống nhất nên điểm thi và điểm chuẩn trúng tuyển của các trường rất khác nhau và thí sinh (TS) không thể dùng điểm thi của trường này để xét tuyển sang trường khác nếu không trúng tuyển.

Phụ huynh đợi con, em trước một điểm thi của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM trong kỳ thi ĐH-CĐ 2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Từ năm 2002, sau khi triển khai thi theo phương thức “3 chung” trên cả nước, chênh lệch điểm thi và điểm chuẩn trúng tuyển vẫn còn nhưng là do trình độ của TS chứ không phải đề thi. Tuy nhiên, trong những năm đầu tuyển sinh “3 chung”, do chưa có quy định điểm sàn, nhiều trường đã xét tuyển đến điểm chuẩn rất thấp để đủ chỉ tiêu và chính điều này đã hạn chế rất nhiều đến mục tiêu dùng chung kết quả để xét tuyển.

Chỉ khi điểm sàn ra đời từ năm 2004, dòng “lưu chuyển” TS đến nay đã khá ổn định với khoảng 70% tổng TS trúng tuyển theo nguyện vọng (NV) 1, còn 30% là cơ hội cho các TS tuy không trúng tuyển nhưng điểm thi còn cao sẽ được xét tuyển vào các trường còn thiếu chỉ tiêu. Chính điểm sàn cũng đóng vai trò phân luồng, điều tiết sau THPT.

Một trong các chính sách có tác động lớn đến tuyển sinh ĐH, CĐ là chính sách ưu tiên. Điều này mang tính chất quyết định đối với nhiều TS khi chỉ cần hơn kém nhau 0,5 điểm là có thể từ rớt thành đậu hoặc ngược lại.

Một chủ trương lớn của tuyển sinh “3 chung” cũng cần được tổng kết là hiệu quả tuyển sinh của các trường không tổ chức thi cũng như tác động của các cụm thi. Với chủ trương này, hằng năm có khoảng 10% tổng số TS muốn học ở những trường không tổ chức thi sẽ “mượn” các trường có tổ chức thi để “thi nhờ”. Việc chuyển dữ liệu tuyển sinh và lệ phí dự thi của các TS thi nhờ này luôn là vấn đề tranh cãi giữa các trường tổ chức thi và các trường không tổ chức thi.

Bên cạnh đó, vai trò của các cụm thi (Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ) cũng cần được tính đến khi mà hằng năm có đến khoảng gần 200.000 TS dự thi, giảm đáng kể chi phí đi lại cho TS. Đây là điều mà các trường ĐH dự tính tổ chức tuyển sinh riêng trong những năm tới phải xem xét.

Xem xét lại giải pháp kỹ thuật

Các quy định mang tính chất kỹ thuật ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của kỳ thi “3 chung”. Các mục chi tiết trong hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) như các ký tự mã hóa tên ngành, tên trường, tỉnh, huyện, trường THPT… góp phần không nhỏ cho việc vận hành và kiểm soát một kỳ thi quốc gia với quy mô hơn 1 triệu TS. Thời điểm nộp hồ sơ ĐKDT hiện cũng gây nhiều tranh cãi khi mà học sinh gần như bị đẩy vào thế phải nộp hồ sơ ĐKDT vào tháng 3 hằng năm trong khi mãi đến giữa cuối tháng 6, các em mới biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Việc đăng ký NV khi dự thi cũng là một bài học lớn. Trong năm đầu tiên của kỳ thi “3 chung”, TS đăng ký 3 NV (cứng) trong hồ sơ ĐKDT. Tuy nhiên, các NV sau khi TS không trúng tuyển NV 1 đã được xử lý rất chậm làm thiệt thòi quyền lợi TS và không đạt được mục tiêu của kỳ thi “3 chung” nên trong những năm sau, số NV cũng giảm dần và trong những năm gần đây, TS chỉ còn một NV cứng trong hồ sơ ĐKDT, các NV còn lại sẽ do TS “tự chuyển động” sau kỳ thi nếu không trúng tuyển NV 1.

Những năm gần đây, điểm sàn khá ổn định thể hiện phần nào sự ổn định của chất lượng đề thi. Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật xung quanh việc sử dụng điểm sàn như số lượng, thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả thi, cho phép TS “nộp vào, rút ra”… vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Các giải pháp kỹ thuật rất cần thiết phải được xem xét, đánh giá để rút kinh nghiệm trước khi triển khai một kỳ thi quốc gia trong năm tới.

Đề thi: Thành công lớn nhất

Tuy chưa có đánh giá cụ thể, chi tiết mang tính khoa học thi cử nhưng có thể nói đề thi chung là thành công lớn nhất của quá trình hơn 10 năm thi “3 chung”. Tuy các môn thi gần như không thay đổi trong suốt thời gian qua và chỉ có vài thay đổi nhỏ về khối thi (thêm khối A1 từ năm 2012 và khối V1, H1 từ năm 2014), nhìn chung, đề thi của từng môn ở từng khối thi đã đạt được mục tiêu lớn nhất của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là tính chính xác, không sai sót và độ phân loại TS cao. Rất cần có đánh giá, tổng kết về công tác ra đề thi để chuẩn bị cho việc soạn đề thi trong kỳ thi quốc gia sắp tới.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (ĐHQG TP HCM)

 Theo Người Lao Động