Thứ bảy, 19/11/2011, 22h11

Nhọc nhằn sự học vùng cao

Đã nhiều năm nay, sự học ở xã miền núi Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La luôn phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương còn quá lạc hậu, hầu hết các hộ dân trong xã lo ăn còn khó, nói gì đến học hành. Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Nhà nước chưa được triển khai một cách đồng bộ…
Vượt khó “nuôi” sự học
Xã miền núi Mường Do có 16 bản và 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đời sống người dân đã có những cải thiện đáng kể, nhưng do là xã thuần nông, thói quen canh tác lạc hậu, nên thu nhập rất thấp. Trước năm 2010, toàn xã vẫn còn 3/16 bản không có đường cho ô tô, thậm chí đi bộ còn khó khăn... Còn về trường lớp, ở các khu lẻ là các lớp học ghép được địa phương dựng lên bằng những tấm ván thô, học đến lớp 6 các em phải xuống trung tâm xã ở trọ và tự lo cuộc sống hằng ngày. Học sinh nào học tiếp THPT thì lại phải trọ ở mãi ngoài huyện. Chính vì vậy, hầu hết trẻ em ở Mường Do chỉ học hết THCS rồi ở nhà làm ruộng vài ba năm sau lấy chồng, lấy vợ.
Vượt qua khó khăn thường nhật, cô và trò Trường tiểu học Mường Do luôn duy trì sĩ số và bảo đảm chất lượng dạy và học.
Giàng A Su học sinh lớp 6 trường THCS Mường Do tâm sự: “Gia đình em có 5 chị em, chị cả đã lấy chồng, sau em còn ba em nữa, thì hai đứa không được đi học, còn một đứa học lớp 3. Em xuống trường ở nội trú từ năm lớp 3, em ở cùng phòng với 7 bạn. Mỗi tuần bố mẹ cho chúng em 20.000 đồng/người mua thức ăn, còn gạo thì cuối tuần lại đi bộ khoảng 12km về nhà lấy. Không đủ tiền mua thức ăn, em và các bạn cùng phòng phải vào rừng hái rau và ra suối bắt cá cải thiện... Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chúng em thường xuyên động viên nhau cố gắng đi học đều, học tốt để cha mẹ, thầy giáo, cô giáo vui lòng”.
Chính sách đã rõ, nhưng chậm triển khai
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để giúp các xã, huyện miền núi sớm vượt qua khó khăn trong cuộc sống, từng bước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg. Theo quyết định này, học sinh mẫu giáo được hỗ trợ 70 nghìn đồng/tháng; Học sinh học bán trú ở các cấp tiểu học, THCS và THPT được 140 nghìn đồng/tháng và được hưởng từ ngày 1-7-2010.
Quyết định này được triển khai tại Mường Do từ tháng 7-2010, nhưng không hiểu vì sao các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh chỉ hướng dẫn áp dụng đối với mầm non, THCS, THPT, còn cấp tiểu học mãi đến đầu năm học 2011-2012 mới nhận được hướng dẫn thi hành. Mặc dù các em đã làm thủ tục kê khai, nhưng sắp hết học kỳ một rồi mà vẫn chưa nhận được số tiền theo quy định.
Thầy giáo Ngô Văn Luyện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Do cho biết: “Theo quyết định của Chính phủ thì toàn trường có tới hơn 300 học sinh được hưởng chính sách này. Ban Giám hiệu nhà trường đã tiến hành tổng hợp danh sách và gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, nhưng mãi không thấy hồi âm. Thế là các em học sinh nhà trường chỉ biết chờ và chờ”.
Còn ông Hà Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Mường Do cho biết: “Để tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập, chính quyền địa phương đã phối hợp với ban giám hiệu các trường xây dựng các khu “nội trú dân nuôi”. Tại đây, chúng tôi khuyến khích các em tăng gia, sản xuất trồng rau, nuôi gà. Bên cạnh đó, UBND xã còn cùng với nhà trường cấp 15 tập giấy/học sinh/năm và cho các em mượn sách giáo khoa; đối với những em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được miễn học phí”.
Đôi điều kiến nghị
Chính quyền và nhân dân xã Mường Do đã có nhiều cố gắng, các em học sinh trong xã rất hiếu học, đề nghị, UBND huyện Phù Yên và tỉnh Sơn La sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện Quyết định 112/QĐ-TTg của Chính phủ một cách nghiêm chỉnh, trong đó tập trung giải quyết nhanh, đầy đủ các chế độ theo quy định để các em học sinh trong xã bớt đi nỗi lo chi phí trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng của trường tiểu học và THCS, phát triển bền vững mô hình “bán trú dân nuôi”. Trên cơ sở đó nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện để các thế hệ học sinh Mường Do có cơ hội phát triển, hòa nhập nhanh chóng với các vùng miền khác./.
Theo Trang Thu
(QĐND)