Chủ nhật, 19/10/2014, 22h10

Nỗi niềm… lớp trưởng

Một tiết học của học sinh THCS. Ảnh: Anh Khôi
Được làm lớp trưởng là mong ước của nhiều học sinh (HS), nhưng chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết các khó khăn gặp phải khi bất đắc dĩ đứng giữa một bên là giáo viên (GV) chủ nhiệm và một bên là bạn bè.
Nhiều HS làm lớp trưởng đã không chịu được áp lực này nên luôn trong trạng thái lo lắng, thậm chí còn xin từ chức…
Bị cô lập, dọa đánh
Chia sẻ tâm trạng khi làm lớp trưởng, em Võ Ngọc Phương Linh, HS lớp 8A3 Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho hay: “Đầu năm học này, em được cô chủ nhiệm giao cho làm lớp trưởng. Mới đầu em khá lo lắng bởi lớp trưởng phải chịu trách nhiệm về nề nếp của lớp và phải gương mẫu để các bạn làm theo. Tuy nhiên, em cũng thường bị dằn vặt bởi bao giờ em cũng muốn có mối quan hệ tốt với bạn bè nhưng nếu không bỏ qua lỗi của các bạn thì lại bị các bạn ghét. Một số bạn quá kích động em buộc phải can thiệp, nhắc nhở, có khi ghi vào sổ và các bạn bị cô giáo phạt, không khí lớp rất nặng nề. Hiện có một bạn nam trong lớp thường có hành động la lối, xô đẩy bạn bè trong lớp, không lắng nghe thầy cô giảng bài. Em nhắc nhở hoài nhưng bạn không nghe, khi có cô giáo thì lại rất hiền. Em không biết phải xử lý thế nào”.
Việc lớp trưởng luôn là người “đứng mũi chịu sào” khi trong lớp có nhiều HS ồn ào, quậy phá là chuyện rất bình thường; nhưng cũng có không ít lớp trưởng gặp áp lực lớn hơn khi bị bạn bè cô lập, dọa đánh… Vừa từ quận khác chuyển về học tại một trường THCS trên địa bàn Q.Thủ Đức, X. được GV chủ nhiệm giao làm lớp trưởng vì cô thấy em năng động, lại có thành tích học tập tốt. Thế nhưng, khi X. ghi vào sổ những bạn nói chuyện nhiều trong lớp hay copy bài trong giờ kiểm tra, có không ít bạn nói em chảnh chọe và thậm chí còn dọa đánh. X. tâm sự: “Em có facebook nên một số bạn thường nhắn tin đe dọa, thậm chí còn nhờ một số chị học lớp trên nhắn những lời đe dọa như: “Em à, chị học lớp trên nhưng chị nghe một số bạn nói em quá chảnh chọe, em coi chừng với chị đó nhé, bị đánh thì đừng có trách…”. Em biết có một nhóm bạn gửi tin nhắn này vì ở lớp các bạn thường xuyên vi phạm nội quy và đã có hành vi hăm dọa em”.
Khi nhận được những tin nhắn như thế, X. khá lo sợ và băn khoăn không biết xử lý thế nào vì nếu nói lại với cô giáo thì sợ cô trách phạt các bạn và các bạn lại cho rằng chuyện gì mình cũng “méc” với cô giáo. Thời điểm từ nhà đến trường hay từ trường về nhà X. cố đi thật nhanh vì sợ các bạn chặn đánh; còn khi ở trong lớp thì: “Em cảm thấy hơi lo, bởi khi có GV thì không sao nhưng giờ ra chơi lại sợ các bạn đến đánh”, X. nói.
Nói về thực tế này, cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh), cho biết: “Nếu không làm tròn nhiệm vụ thì lớp trưởng bị GV chủ nhiệm nhắc nhở, phê bình; còn nếu làm theo nội quy thì một số trường hợp lại bị bạn bè ghét, bị cô lập, bị nói là chảnh chọe… Khi bị cô lập, các em sẽ rất buồn, thậm chí là không muốn làm lớp trưởng nữa nhưng không dám nói sự thật với GV chủ nhiệm mà chỉ nói dối là bận học, ba mẹ không cho làm lớp trưởng nữa…”.
Thầy cô phải gần gũi với HS
Làm thế nào để giúp HS giải quyết những vấn đề này, tự tin khi làm lớp trưởng, lấy lại lòng thương yêu của bạn bè là điều không dễ nếu GV chủ nhiệm không nắm chắc các phương pháp sư phạm cũng như kinh nghiệm giảng dạy.
ThS. tâm lý Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: “GV chủ nhiệm khi nghe thông tin nếu đưa các em phạm lỗi ra hội đồng kỷ luật trước lớp, trước trường thì những HS này sẽ càng ghét lớp trưởng hơn. Vì thế, GV chủ nhiệm nên tác động cả hai phía là lớp trưởng và HS chưa ngoan để các em nhận ra lỗi của mình và thấy rõ những việc lớp trưởng làm là nhiệm vụ chứ không hề mong muốn. Hơn nữa, để HS mạnh dạn trao đổi trong các hoạt động chủ đạo, GV nên hỗ trợ, tác động để các em bộc lộ tự nhiên tâm trạng của mình trong những câu nói”.
“Nếu HS bị bạn bè đe dọa mà không dám nói với ai thì lâu dần sẽ dẫn tới trạng thái ức chế tâm lý, hoảng loạn tinh thần, không dám đi học. Vì vậy, các em nên báo với cha mẹ, GV để nhà trường và gia đình cùng đưa ra những biện pháp hiệu quả nhất xử lý tình huống này”, cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên, nói.
Đồng tình với ý kiến này, cô Phạm Thị Thủy cho rằng: “GV chủ nhiệm không nên bắt HS chép phạt hay quát nạt các em mà phải tìm hiểu kỹ, động viên các em. Nguyên tắc giáo dục là không bao giờ xử phạt tập thể mà phải tìm ra “thủ lĩnh”, gặp em đứng đầu trong nhóm gây sự với bạn để trao đổi riêng. Biện pháp lâu dài nhất vẫn là GV phải gần gũi, gắn bó với HS thông qua các hoạt động trong trường để giáo dục các em những kỹ năng sống. Bên cạnh đó, GV chủ nhiệm cần hiểu rõ tâm lý HS, vừa là người thầy vừa là người bạn để các em chia sẻ tâm trạng với mình, không để các em cảm thấy có khoảng cách với mình”.
Còn đối với HS làm lớp trưởng, các em phải có những biện pháp ứng xử thích hợp. “Lớp trưởng nên mạnh dạn chia sẻ với bạn bè, trước khi ghi tên phải nói rõ cho bạn biết lý do và cho bạn thời gian sửa chữa; nếu việc này lặp lại 3 lần thì sẽ ghi tên bạn vào sổ và nói rõ lý do là quy định thì mình phải tuân theo. Sau đó, lớp trưởng nên tiếp tục trao đổi để thiết lập mối quan hệ tốt với bạn thông qua việc kể chuyện về thầy cô và bạn bè. Nếu bị đe dọa, lớp trưởng nên nói với những người mà mình thật sự tin tưởng để họ có những lời khuyên bổ ích trong việc giải quyết tình huống này”, ThS. tâm lý Trần Thị Thanh Trà chia sẻ.
Dương Bình
Sợ bị tẩy chay, cô lập
Theo phân tích của các chuyên gia tư vấn tâm lý, độ tuổi HS THCS thường sợ bị tẩy chay nên vừa thích chơi cùng nhóm bạn vừa muốn thể hiện “cái tôi” của mình thông qua việc làm lớp trưởng. Vì thế, các em thường thể hiện vai trò do GV chủ nhiệm giao như ghi vào sổ những bạn vi phạm nội quy nhưng cũng sợ một nhóm bạn trong lớp tẩy chay hoặc đồng loạt các bạn trong lớp bị một nhóm bạn lôi kéo không chơi với mình nên nửa muốn nói với thầy cô và nửa không muốn nói.