Thứ hai, 7/5/2012, 17h05

Ôn thi tốt nghiệp THPT môn địa lý: Không mô tả sa đà

Học sinh làm bài thi tốt nghiệp năm 2011

Theo thầy Mai Phú Thanh - chuyên viên bộ môn địa lý (Sở GD-ĐT TP.HCM) - nhiều năm nay cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn địa lý đã có sự chuyển đổi hoàn toàn so với trước đây. Cụ thể là cách đặt các câu hỏi (đề thi) chuyển từ thuộc lòng từ chương theo kiểu nhớ kiến thức sang cách hỏi vận dụng kiến thức có tính chất tổng hợp hơn. Phần bảng số liệu thống kê không còn đơn thuần là hỏi tăng giảm hoặc vẽ biểu đồ rồi giải thích như trước mà đi sâu vào kỹ năng tính toán, phân tích số liệu để rút ra nhận xét, sau đó mới giải thích. Thí sinh cần có cách học và ôn thi phù hợp để tránh rơi vào tình trạng không thích ứng kịp.
Thực tế các câu hỏi thi tốt nghiệp không phải là câu hỏi lớn (mỗi câu là một phần bài học như trước đây), mà mỗi câu là một hệ thống câu hỏi nhỏ liên hoàn có mối quan hệ với nhau và nằm ở nhiều phần khác nhau, thậm chí có phần thuộc về kiến thức cuộc sống của thí sinh. Nên vận dụng kiến thức mới là khâu quan trọng chứ không phải thuộc lòng kiến thức.
Khi vẽ biểu đồ thí sinh phải chú ý vì hiện nay với một bảng số liệu có nhiều cách vẽ biểu đồ khác nhau chứ không chỉ có một cách duy nhất. Chính vì thế phải tùy theo câu hỏi đi kèm với bảng số liệu, thí sinh mới có thể vẽ đúng biểu đồ phù hợp. Câu hỏi như thế nào thì vẽ biểu đồ như thế đó. Điều đơn giản nhưng không phải thí sinh nào cũng “tinh ý” nhìn thấy được. Cấu trúc bảng số liệu hiện nay cũng thay đổi, có thể phân tích nhiều hướng khác nhau, nên tùy theo câu hỏi đi kèm, thí sinh phải biết rút ra nhận xét và lựa chọn kiến thức giải thích nguyên nhân cho phù hợp.
Thầy Mai Phú Thanh lưu ý, cách đặt câu hỏi hiện nay nhìn chung rất đơn giản, mỗi câu đều tạo điều kiện cho thí sinh tận dụng tối đa kiến thức, kĩ năng và vốn sống của mình để làm tốt bài thi. Tuy nhiên, nếu thí sinh không nắm vững kiến thức rất dễ sa đà vào “mô tả văn học hoặc mô tả thời sự” vừa mất thời gian, vừa tốn công sức mà kết quả vẫn thấp. Mỗi câu chỉ cần mất 0,25 điểm thì việc đạt điểm 5 đối với thí sinh trở nên rất khó. Kinh nghiệm cho thấy từ các kỳ thi, kiến thức thí sinh yếu ở các câu hỏi có tính chất tổng hợp và kỹ năng phân tích, giải thích các bảng số liệu thống kê. Vì thế thí sinh phải đầu tư rèn luyện kỹ năng và có phương pháp làm bài phù hợp.
Theo thầy Mai Phú Thanh, để đạt kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới, thí sinh liên hệ các kiến thức để trả lời chính xác yêu cầu các câu hỏi, không trả lời thuộc lòng máy móc để tránh lạc đề. Kiến thức sách giáo khoa khi trình bày một vấn đề thường lặp đi lặp lại ở nhiều bài khác nhau, nhưng nội dung có sự khác nhau cho phù hợp với yêu cầu của mỗi bài học. Việc xem lại thường xuyên sách giáo khoa, hướng dẫn ôn tập là cơ sở kiến thức và kĩ năng để thí sinh thi tốt nghiệp, nhưng kết quả lại quyết định khi làm bài thi. Thí sinh cần bình tĩnh coi lại đề thi để nắm vững yêu cầu kiến thức và kĩ năng qui định trong từng câu. Sau đó, viết dàn ý rồi mới làm bài. Diễn đạt ngắn gọn, súc tích và giải quyết đúng yêu cầu trong câu hỏi của đề thi. Tránh suy diễn theo ý mình. Quan trọng nhất không phải là viết đủ kiến thức mình đã thuộc, mà chính là viết đúng yêu cầu kiến thức quy định trong hướng dẫn chấm đề thi (do đó nếu không lập dàn ý tóm tắt, học viên sẽ không làm đủ yêu cầu quy định trong đáp án).
Riêng phần kỹ năng, thí sinh cần hiểu các cách phân tích bảng số liệu trong sách giáo khoa, trong hướng dẫn ôn tập để có thể làm tốt các câu hỏi kĩ năng. Lưu ý, các bài tập số liệu trong sách giáo khoa, trong hướng dẫn ôn tập chỉ là các bài tập mẫu để thí sinh làm quen, tính đúng, phân tích đúng, giải thích đúng và hình thành cho mình phương pháp phân tích bảng số liệu thống kê, chứ không phải là các bài thi mẫu để học thuộc lòng.
P.N.Q (ghi)
 
Kinh nghiệm làm bài thi môn địa lý
Chúng tôi xin đưa ra một đề thi môn địa lý (mẫu)
Câu 1: “Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học hãy cho biết tên các trung tâm công nghiệp theo quy mô từ lớn đến nhỏ ở duyên hải Nam Trung bộ và tên ngành công nghiệp ở mỗi trung tâm?”. Đây là câu hỏi tái hiện kiến thức bộ môn mà thí sinh đã học trong chương trình. Ở câu hỏi này, trước hết thí sinh phải “khoanh vùng” xác định vùng địa phương duyên hải Nam Trung bộ gồm những tỉnh nào? (Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phan Thiết). Khi trình bày mỗi tỉnh cụ thể thì người làm bài phải nói rõ được quy mô (quy ra số tiền như sách giáo khoa đã trình bày) và nêu được một cách cụ thể các ngành công nghiệp tùy theo từng địa phương, vùng miền như các ngành: Cơ khí, hóa chất, điện tử, chế biến nông sản, sản xuất giấy xenlulo… Tiếp theo, câu hỏi yêu cầu trình bày: “Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong phát triển tổng hợp kinh tế biển ở Đông Nam bộ được thực hiện như thế nào?”. Thí sinh phải nêu được những điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển như khai thác tài nguyên sinh vật biển, khai thác khoáng sản vùng thềm lục địa, du lịch biển và giao thông vận tải biển nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Câu 2:Dựa vào bảng số liệu để vẽ biểu đồ miền, nhận xét và giải thích  sự chuyển dịch cơ cấu GDP phân chia theo khu vực kinh tế ở nước ta, giai đoạn 1990-2005. Ngoài việc thí sinh vẽ đúng, đẹp thì yêu cầu biểu đồ phải chính xác. Không được sai sót các yếu tố của biểu đồ. Đồng thời bài làm cần nhận xét tăng, giảm của từng ngành nghề. Ngoài ra, ở câu hỏi này, ngoài trình bày sự phân bố cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên, thí sinh cần giải thích rõ nguyên nhân vì trong đáp án cũng có điểm. Câu 3: “Việc tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông vận tải có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế của Bắc Trung bộ?”. Ở câu hỏi này, thí sinh phải nêu được hệ thống giao thông chủ yếu vùng Bắc Trung bộ như: quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam, các tuyến đường ngang (quốc lộ 7, 8, 9) và đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra thí sinh cũng không quên giới thiệu một số cảng nước sâu (như Vũng Áng, Chân Mây, Nghi Sơn), các sân bay Phú Bài, Vinh, Đồng Hới đang bắt đầu được đầu tư, xây dựng gắn liền và tạo thuận lợi cho sự hình thành các khu kinh tế cảng biển. Khi trình bày tài nguyên khoáng sản của vùng biển nước ta, thí sinh phải nêu được các kiến thức như: Ngoài nguồn muối, cát, dầu, khí vô tận còn có sa khoáng với trữ lượng công nghiệp cao và có giá trị xuất khẩu lớn.
Phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP.HCM)