Thứ ba, 25/11/2014, 22h11

Quá tải tích hợp

Theo các GV tiểu học, hiện có nhiều bài học được tích hợp quá nhiều. Ảnh: Anh Khôi
Thời gian gần đây, giáo viên (GV) bậc tiểu học được yêu cầu phải tích hợp giáo dục vào tất cả môn học các nội dung “Bảo vệ môi trường”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Kỹ năng sống”, “Sử dụng năng lượng tiết kiệm” và mới đây nhất là “Giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo”. Tùy theo nội dung bài học ở từng môn, từng bài của các môn đạo đức, tự nhiên xã hội, khoa học, lịch sử, địa lý, tiếng Việt… mà tích hợp ở 3 mức độ: Toàn phần, bộ phận, liên hệ.
Mặc dù những nội dung giáo dục tích hợp này rất tốt, do sự tích hợp quá nhiều đã dẫn đến quá tải và không hiệu quả.
Với yêu cầu tích hợp này, các GV dạy tiểu học phải tăng thêm công việc của mình. Ngoài những bài được gợi ý tích hợp, tổ chuyên môn phải thảo luận để thống nhất xem nội dung bài dạy nào trong chương trình phù hợp với nội dung tích hợp nào. Sau đó, GV phải ghi thêm vào lịch báo giảng của cá nhân mình sau mỗi tựa bài học nội dung tích hợp (viết tắt như môi trường, Hồ Chí Minh, kỹ năng sống…) Tiếp theo, GV phải bổ sung vào giáo án của mình các nội dung tích hợp này và tiến hành tích hợp trong thực tế giảng dạy.
Nhiều bài học đã được tích hợp quá nhiều, cụ thể ở môn đạo đức lớp 5 có rất nhiều bài tích hợp đến 3 nội dung như: Bài Em yêu quê hương tích hợp Hồ Chí Minh, môi trường, biển đảo; bài Em yêu Tổ quốc Việt Nam tích hợp Hồ Chí Minh, môi trường, biển đảo… Bài học địa lý lớp 5 Địa hình và khoáng sản cũng tích hợp đến 3 nội dung năng lượng, môi trường, biển đảo. Có bài tích hợp đến 4 nội dung như bài tập đọc lớp 5 Lập làng giữ biển phải tích hợp môi trường, Hồ Chí Minh, kỹ năng sống, biển đảo. Chỉ với một bài học mà tích hợp nhiều như thế thì không thể nào GV chuyển tải hiệu quả được; vì nếu chuyển tải hết các nội dung tích hợp thì thời gian đâu để đảm bảo mục tiêu chính của bài học phải dạy và không phải GV nào cũng có khả năng tích hợp một cách khéo léo vào bài giảng theo đúng yêu cầu toàn phần, bộ phận hay liên hệ. Vậy là các bài dạy có tích hợp này thường chỉ là thêm một câu hỏi để thể hiện tích hợp mà thôi nên rất gượng gạo và không đem lại tác dụng gì.
Có những bài được gợi ý tích hợp (gợi ý nhưng thực tế là buộc dạy), GV không tìm thấy một nội dung nào “dính líu” để xen nội dung tích hợp vào như bài khoa học Năng lượng ở lớp 5. Theo yêu cầu gợi ý, bài khoa học này tích hợp nội dung “Giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo” với nội dung tích hợp là “Biển cung cấp một nguồn năng lượng quý giá: Dầu, khí, năng lượng gió, thủy triều”. Trong khi nội dung bài khoa học này chỉ là nêu các ví dụ hoặc là các thí nghiệm đơn giản các vật biến đổi vị trí, hoạt động, nhiệt độ… nhờ cung cấp năng lượng. Như vậy, chỉ khi nào GV thay đổi thêm vào nội dung bài học trong sách giáo khoa thì mới tích hợp được. Chính sự tích hợp quá nhiều đã đến dẫn tới việc GV chỉ tích hợp trên giấy (viết trong báo giảng, giáo án) hay trong các tiết dự giờ, người dạy đưa thêm một vài câu hỏi để tích hợp một cách gượng ép, không có giá trị sâu sắc.
Theo tôi, thay vì phải tích hợp một cách khó khăn và quá tải như thế, chúng ta nên thực hiện như một chuyên đề cho cả trường. Mỗi nội dung tích hợp sẽ thực hiện thành một chuyên đề trong suốt một tháng trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp mỗi tuần. Chẳng hạn tháng 9, thực hiện chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong tiết sinh hoạt lớp, GV sẽ cho các em tìm hiểu về cuộc đời Bác, kể những câu chuyện về Bác, dạy các em những bài hát về Bác... Sinh hoạt đầu tuần, nhà trường sẽ tổ chức cho các em nhiều hình thức sinh động hấp dẫn như “Hái hoa dân chủ” tìm hiểu về cuộc đời Bác, thi kể chuyện về Bác Hồ, hát múa ca ngợi Bác Hồ… Tháng 10 sẽ thực hiện chuyên đề “Giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo” cũng bằng nhiều hình thức như tìm hiểu về biển đảo Việt Nam, sưu tầm ảnh về biển đảo, vẽ tranh về biển đảo, hát múa về biển đảo… Mỗi chuyên đề kéo dài trong suốt tháng, chắc chắn các nội dung cần giáo dục tích hợp trên sẽ để lại những kiến thức sâu sắc, những hình ảnh bền lâu trong tâm trí các em hơn là tích hợp một cách hình thức qua các bài dạy trên lớp chỉ vài phút sơ sài.
Lê Phương Trí
Chính sự tích hợp quá nhiều đã dẫn tới việc GV chỉ tích hợp trên giấy (viết trong báo giảng, giáo án) hay trong các tiết dự giờ, người dạy đưa thêm một vài câu hỏi để tích hợp một cách gượng ép, không có giá trị sâu sắc.