Chủ nhật, 12/6/2011, 12h06

Rèn nhân cách khi trẻ còn nhỏ

Trong xã hội, khi giao tiếp với nhau, con người - ngoài ngôn ngữ chính thống - bao giờ cũng có từ đệm vào, nói nôm na là “chửi thề”. Từ đệm tục thường xuất hiện lúc con người nóng nảy, thiếu kiềm chế và không kiểm soát được lí trí nên buông ra những lời không hay đó. Để giải quyết vấn nạn này, tôi xin nêu hai biện pháp tích cực để hạn chế và có thể đi đến triệt tiêu tình trạng này.
Thứ nhất: Khi trẻ vào tuổi biết nói bi bô những tiếng đầu đời thì cha mẹ ai cũng mừng rỡ, càng vui hơn khi nghe bé nói vài tiếng “chửi” do người lớn “dạy” hay bắt chước theo người lớn. Cha mẹ nghe được không tỏ thái độ phản ứng, không đồng tình mà trái lại còn khen và động viên trẻ nói nữa, làm trẻ thích thú và cố “chửi” nhiều hơn để được khen. Nhưng, các bậc cha mẹ đâu có hiểu, chính những cái vô tình của người lớn, tưởng nhỏ nhặt đó mà trẻ hình thành thói quen ngay từ bé khiến lớn lên trẻ khó bỏ được.
Thứ hai: Khi đến tuổi vào lớp 1, trẻ được thầy cô giáo thường xuyên nhắc nhở không được nói tục, chửi thề vì đó là lời nói xấu; ngay nội quy ở nhà trường bao giờ cũng có điều quy định cấm. Nhưng, thực tế từ bậc tiểu học đến bậc THPT vẫn còn xảy ra tình trạng học sinh nói tục, chửi thề. Tôi biết có một trường THPT ở huyện Củ Chi (TP.HCM), giám thị rất nghiêm khắc với học sinh vi phạm lỗi chửi thề, lần đầu phạt học sinh súc miệng bằng xô nước chứa hơn 10 lít nước, lần sau thì mời phụ huynh đến nhắc nhở và sau đó thì hạ bậc hạnh kiểm. Chính vì vậy đã hạn chế rất nhiều tình trạng học sinh nói tục, chửi thề trong trường học.
Tóm lại: Các bậc cha mẹ và thầy cô giáo phải chú ý rèn nhân cách trẻ ngay từ nhỏ để khi lớn lên, trong giao tiếp các em luôn tỏ ra là người có văn hóa.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)