Chủ nhật, 9/1/2011, 10h01

Sắm đồ chơi… để học

Các bậc cha mẹ hiện có xu hướng mua đồ chơi có nhiều tính giáo dục hơn cho con trẻ.

Trong khi các loại đồ chơi ăn theo phim hoạt hình của Trung Quốc đang tạo nên cơn sốt với trẻ em, các bậc cha mẹ lại có xu hướng mua đồ chơi có nhiều tính giáo dục hơn cho con trẻ.

Đồ chơi giáo dục trước hết là đảm bảo an toàn từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm như chất liệu, nước sơn... phải “sạch” – không có hoá chất độc hại; các chi tiết trong sản phẩm cũng phải có thiết kế phù hợp với trẻ nhỏ như không có các góc cạnh sắc nhọn... Đa số những dạng đồ chơi giáo dục làm bằng nhựa là hàng của các hãng nước ngoài như Lego, Oxford, Playmobil, Mattel, Crayola, Disney,…
Đồ chơi giáo dục giúp trẻ phát triển trí tuệ, khả năng tư duy, sáng tạo, rèn luyện bản thân.
Đồ chơi giáo dục bằng gỗ tại Việt Nam hiện nay nổi bật có gỗ Đức Thành với hơn 200 loại sản phẩm giúp chơi và học theo kiểu người Việt, trong đó đồ chơi dạy học chiếm 50%. Đồ chơi được phân loại theo nhóm tuổi và nhu cầu vừa học vừa chơi, chinh phục thử thách, sáng tạo, dành cho bé thiếu kiên nhẫn,…
Ngoài ra, còn có một số nhóm đồ chơi giúp rèn luyện khả năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng, trí nhớ,… Tuy nhiên, đồ chơi chỉ là công cụ hỗ trợ, trẻ có thực sự rèn luyện được các khả năng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Bà Lê Hải Liễu, tổng giám đốc công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành cho biết: “Đồ chơi giáo dục nhằm kéo cha mẹ lại gần với trẻ”. Cha mẹ chơi cùng với con, hướng dẫn con chinh phục thử thách, biết khám phá tìm tòi và sau đó là thích thú với chiến thắng. “Cách chơi không quá khó khiến trẻ nản và cũng không quá dễ để trẻ chán”.
Ông Trần Việt Dũng, giám đốc kinh doanh công ty Gấu Bông, nhà phân phối độc quyền đồ chơi Playmobil (Đức) cho rằng: “Đồ chơi khiến cha mẹ phải chơi với con cái vì để trẻ chơi một mình, trẻ sẽ không chơi nổi”.
Hiện nay các loại đồ chơi mang tính giáo dục này có giá khá cao. Tuy nhiên, chị Thuỳ Dương, mẹ của một bé trai ba tuổi, lại xác nhận: “Bản thân tôi cũng tò mò và thích thú với loại đồ chơi có tính giáo dục này. Mỗi ngày dành một ít thời gian chơi với con, nhìn con phát triển tôi thấy vui lắm. Tốn kém một chút cũng không sao”. Ông Thành Như, ở Gò Vấp, có hai con nhỏ, đứa mười, đứa sáu tuổi thường chơi chung những loại đồ chơi dành để học này. “Tụi nó thường thi nhau xếp chữ, xếp hình, ngay cả tôi cũng ưa tham gia”, ông Như nói.
Xã hội phát triển, mọi người ngày càng quan tâm đến con cái nhiều hơn, chú ý sự phát triển của trẻ con, sắm sửa đồ chơi mang tính phát triển trí tuệ và an toàn cho trẻ. Ông Dũng nhận xét: “Tuy chỉ mới phân phối đồ chơi ngoại nhập gần một năm nhưng sức tiêu thụ rất khả quan. Đây là tín hiệu tốt để phát triển thương hiệu”. Mặc dù không tiết lộ mức tiêu thụ bao nhiêu nhưng bà Liễu cho biết: “Hàng sản xuất không kịp bán”.
Theo SGTT