Thứ năm, 17/4/2014, 10h04

Sinh viên dễ bị lừa tiền đặt cọc nhà

Với sinh viên xa nhà, một mình chốn thị thành chỉ mong tìm được nơi ở tốt, an ninh, phù hợp với túi tiền vốn eo hẹp. Thế nhưng, nhiều người vẫn dùng đủ chiêu trò để lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc nhà trọ của sinh viên.

Giở chiêu đoạt tiền đặt cọc

Khi những chiêu trò của “cò” nhà trọ đã bị phát giác và người thuê phòng cũng cảnh giác hơn thì thời gian gần đây xuất hiện nhiều chiêu trò mới để “móc túi” sinh viên.

Sinh viên tìm thông tin nhà trọ được quảng cáo ngoài đường. Ảnh: THANH HẢI

Vũ Đăng Mai Phương (sinh viên ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM) cho biết, theo thông tin cho thuê phòng trọ từ một tờ rơi có để tên chủ nhà là Minh (số điện thoại 0120943041), gọi vào số này, Phương được hẹn tới xóm trọ ở hẻm 116 Tô Hiến Thành (quận 10) để xem phòng và thỏa thuận giá. Tới đây, Phương được Minh đón và đưa vào xem phòng, sau đó thỏa thuận giá thuê là 1,5 triệu đồng/phòng 18m².

Dựa cớ phòng rẻ hơn so với mặt bằng chung, Minh yêu cầu Phương đặt cọc trước 700.000 đồng để giữ phòng. Để làm tin, người thanh niên này viết cho Phương một tờ giấy xác nhận đã nhận tiền và thông báo ngày mai có thể dọn tới rồi ký hợp đồng. Nhưng khi Phương chở đồ tới, thấy phòng bị khóa, gọi điện thoại thì khóa máy, hỏi người trọ phòng bên cạnh mới biết họ cũng là khách thuê trọ.

Nhiều sinh viên còn bị chính chủ nhà của mình giở chiêu để ôm trọn tiền đặt cọc. Với lợi thế gần trường học, phòng rộng, đẹp, mặt tiền đường lớn nhưng giá rẻ, dãy nhà trọ của ông N. ở đường Liên Phường (quận 9) thu hút nhiều sinh viên tới thuê phòng. Tuy nhiên, nhiều nữ sinh phải bỏ của chạy lấy người khi chủ nhà thường xuyên có những hành vi quấy rối.

Nguyễn H.T. (sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 2) kể: “Khi ký hợp đồng thuê nhà 6 tháng, em và các bạn phải đóng trước 2 triệu đồng tiền nhà và 2 triệu đồng tiền cọc cho tài sản như thiết bị nhà vệ sinh, khóa cửa, chủ nhà nói khi nào hết hợp đồng thì tính, sẽ không để tụi em bị thiệt. Tuy nhiên, mới ở được khoảng 2 tuần thì chủ nhà tỏ vẻ quan tâm, thường xuyên tìm cách đụng chạm vào cơ thể khiến tụi em sợ quá phải xin trả lại phòng. Em nghĩ chỉ mất tiền đóng tháng còn tài sản không hư hại gì nên tiền cọc sẽ được hoàn trả nhưng khi đề cập khoản tiền này thì chủ nhà nói tụi em tự ý phá vỡ hợp đồng nên không hoàn tiền cọc. Họ còn nói là thương hoàn cảnh của sinh viên xa nhà nên không đòi bồi thường hợp đồng”.

Trong khi đó, bà chủ xóm trọ ở đường 385 (quận 9) lại thường xuyên bóng gió nói nữ sinh ở trọ quyến rũ chồng bà. Nhiều nữ sinh chịu không nổi sự đặt điều của chủ nhà trọ nên xin trả phòng trước hợp đồng và đương nhiên mất luôn tiền đặt cọc.

Cần nắm rõ luật

Bà Phạm Cẩm Nhung (chủ nhà trọ ở hẻm 116 đường Tô Hiến Thành, quận 10) cho biết, hiện nay nhiều đối tượng giả danh chủ nhà trọ để đăng tin cho thuê phòng nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc. Thường chủ nhà tưởng bạn bè tới dọn đồ giùm nên không để ý, đến khi khách trọ bị lừa tiền, tìm tới chủ nhà thì họ mới biết.

Do đó, nếu sinh viên tới thuê phòng cần tìm hiểu kỹ chủ nhà trọ là ai, hoặc hỏi những người trong xóm trọ. Nên chọn giờ đông người có mặt ở dãy trọ để xem phòng, tránh trường hợp quá vắng người sẽ dễ bị kẻ gian lừa đảo.

Về việc chủ nhà có hành vi quấy rối khiến nhiều nữ sinh phải chuyển đi để đoạt tiền cọc, luật sư Nghiêm Xuân Lý tư vấn: “Thứ nhất, về việc chủ nhà có hành vi quấy rối tình dục, các nữ sinh này hoàn toàn có thể thưa lên chính quyền địa phương nếu nhiều người cùng đứng ra tố cáo. Thứ hai, việc ký hợp đồng 6 tháng trở lên bắt buộc phải có công chứng, nếu không thì hợp đồng vô hiệu, do đó khách trọ cần xác minh rõ tính chất pháp lý của hợp đồng. Thứ ba, trường hợp tiền đặt cọc để bảo vệ tài sản hiện hữu, như vậy cho tới khi chuyển đi, người thuê trọ vẫn đảm bảo tài sản không bị mất mát, hư hỏng thì chủ nhà phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền đặt cọc. Do đó, nếu đủ chứng cớ và có nhiều người đứng ra tố cáo hành vi quấy rối tình dục của chủ nhà thì khách trọ hoàn toàn có thể kiện lên tòa yêu cầu chủ nhà hoàn trả lại tiền cọc”.

Cũng phải nói thêm, vì số tiền cọc và thuê trọ không lớn, tâm lý ở trọ tạm thời, thích thì ở, không thích thì chuyển đi nên sinh viên thường không để ý đến hợp đồng thuê nhà. Để không bị mất tiền vô lý, khi ký hợp đồng, tốt nhất người thuê trọ lưu ý phải đọc kỹ hợp đồng, mọi thỏa thuận đều phải rõ ràng trên giấy tờ, không thể chỉ dựa vào một câu nói hay một lời hứa.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, cho biết: “Hiện nay, trung tâm liên kết với nhiều nhà trọ cung cấp phòng trọ cho các bạn sinh viên nhằm đảm bảo an ninh và giá cả phù hợp. Do đó, để được hỗ trợ, sinh viên hãy đến trụ sở trung tâm (33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) hoặc Nhà văn hóa Sinh viên (643 Điện Biên Phủ, quận 3). Còn khu vực ngoại thành, sinh viên có thể đến phòng công tác sinh viên của trường mình để được hỗ trợ về thông tin nhà trọ, tránh bị mắc lừa ở những địa chỉ không uy tín”.

MINH VÂN (SGGP)