Thứ hai, 1/9/2014, 19h09

Sinh viên sớm “lăn” vào đời bằng sáng chế

Với việc nghiên cứu và nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo, hiện SV Ngô Kim Lai đang đứng trước nhiều cơ hội việc làm triển vọng và hấp dẫn
Chưa ra trường đã được “đặt cọc” chỗ làm việc, không phải đối diện với thực tế thất nghiệp “phũ phàng” như hàng chục ngàn tân cử nhân, kỹ sư khác. Đây là lợi thế nổi bật của những sinh viên (SV) sớm “lăn” vào đời bằng sáng chế, nghiên cứu khoa học. Mặc dù, thực tiễn nghiên cứu của các SV trẻ vô cùng thiếu thốn và chông gai…
Còn vài tháng nữa mới được nhận bằng tốt nghiệp ĐH nhưng SV Bùi Như Nỉ (ngành công nghệ ô tô, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã trúng tuyển việc làm tại một công ty Nhật. SV Ngô Kim Lai (ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cũng đã nhận rất nhiều lời mời hợp tác làm việc tại các đơn vị không chỉ TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành. Thế nhưng đây không phải là lần đầu hai SV này bỡ ngỡ chạm vào công việc thực tế. Trước đó, hai em đều đã mở xưởng, công ty sản xuất ngay từ năm cuối ngồi ghế giảng đường.
Ngày làm thêm, đêm nghiên cứu
Bùi Như Nỉ được biết đến từ giải “Sáng tạo trẻ” cấp thành lẫn cấp toàn quốc cách đây 2 năm với sáng chế “Xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời”. Trước đó, Nỉ còn đoạt giải vô địch cuộc thi “Đua xe năng lượng mặt trời” tại TP.HCM, giải nhì cuộc thi thiết kế xe chạy bằng năng lượng mặt trời vận chuyển hành khách trong Khu công nghệ cao và được công nhận một số thành tích khác. Nỉ cho biết, để có chi phí sáng chế, em trải qua rất nhiều công việc làm thêm từ chạy bàn, phục vụ quán ăn, nhà hàng tiệc cưới đến tham gia công trình xây dựng. Công trình quy mô nhất em được tham gia chính là lắp đặt hệ thống điện cho bãi giữ xe ô tô tự động tại TP.HCM. Sản phẩm test thử chất lượng cây chổi lau nhà 360 độ của Nỉ cũng tạo hài lòng đơn vị đặt hàng sử dụng và đem lại cho em một khoản thù lao đáng khích lệ. 
Một SV trong nghiên cứu, lòng đam mê thôi chưa đủ. Thiếu thốn điều kiện để đưa những ý tưởng vào thực tế, Nỉ xin làm thêm tại một xưởng cơ khí gần trường và sử dụng nhờ các thiết bị máy móc nơi đây để thực hiện đề tài. Chắt chiu những khoản tiền nhỏ từ giải thưởng, làm thêm, làm sản phẩm theo đơn đặt hàng… chàng SV trẻ hùn vốn cùng một người bạn lập xưởng cơ khí nhỏ và đã nhận được hợp đồng chế tạo đầu tiên trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ngô Kim Lai hiện đang “nổi đình nổi đám” với nghiên cứu và nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo - một loại nấm quý của thế giới hiện nay. Trang trại sản xuất quy mô đang được hình thành tại Hóc Môn nhưng cách đây vài tháng, Công ty Nấm Ta của Lai đã ra đời ở quận 8, hiện có khoảng 20 nhân viên. Lai bắt tay vào nghiên cứu đông trùng hạ thảo từ tận 3 năm trước, sau một lần thoáng nghe đến cái tên này và tò mò. Để có kinh phí phục vụ nghiên cứu, chàng SV này đã lao vào làm thêm không ngơi nghỉ từ những công việc tỉ mẩn nhất như lau chùi máy tính, giúp việc nhà, dạy kèm, mua bán máy tính cũ, thậm chí là bán vé số dạo. Lai cho biết, với thâm niên 8 năm trong “nghề”, rất nhiều người bán vé số dạo ở thành phố này từng là “đồng nghiệp” của em. Hoạt động của Công ty Nấm Ta cần nguồn kinh phí lớn nhưng Lai may mắn được phụ huynh của một học sinh mà em nhiều năm kèm cặp đứng ra hỗ trợ.
Căn gác chật chội, nóng bức trở thành phòng thí nghiệm ròng rã 3 năm trời của chàng trai trẻ. Cũng vì nóng quá, em chỉ có thể nghiên cứu vào ban đêm. Về sau, để có môi trường cho sản phẩm nghiên cứu sống được, Lai vét tiền dành dụm lắp máy điều hòa. Em còn mày mò tự chế một máy điều hòa khác chạy bằng bình ắc quy để sử dụng trong trường hợp cúp điện. Dành hết “đất” cho nghiên cứu, phần mình, Lai phải dời chỗ ngủ ra hành lang.
Khó khăn lớn nhất đối với Lai chính là việc “lùng” mua chủng giống. Đến 5 lần nhờ mua ở nước ngoài, Lai bị rơi vào tình thế “tiền đi không trở lại”. Mỗi lần như thế, em mất trên 5 triệu đồng. Mặc dù đã dự đoán được điều này, nhưng “nhà nghiên cứu” trẻ vẫn tiếp tục “liều” vì nghĩ trong vạn lần gặp người xấu biết đâu cũng sẽ có được một dịp may. Đến lần thứ 6, Lai mới chạm được chủng giống thực thụ đầu tiên. Nhưng chỉ sau một thời gian, giống này không sống được. Ngay cả việc nghiên cứu và làm ra được hỗn hợp dinh dưỡng nuôi đông trùng hạ thảo, em cũng trải qua cả ngàn lần thất bại. “Sau quá nhiều lần đổ tiền mua nguyên liệu làm thí nghiệm mà vẫn không ra được kết quả mong muốn, em rơi vào tình thế… cạn khô kinh phí. Thậm chí nhiều lần em phải đi “vay nóng” tiền để hoạt động nghiên cứu không bị gián đoạn” - Lai ngậm ngùi cho biết. Càng về sau, để giảm thiểu chi phí, Lai tự mày mò chế các dụng cụ phục vụ nghiên cứu từ: Máy lắc, máy tạo ẩm, tủ cấy vi sinh…
Cơ hội việc làm rộng mở

Tham gia sáng chế sớm giúp SV Bùi Như Nỉ có nhiều lợi thế khi tham gia ứng tuyển việc làm
Là một loại nấm quý hiếm có công dụng hỗ trợ chữa nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, hiếm muộn, yếu sinh lý, giúp tăng cường khả năng chịu đựng thể lực… hiện đông trùng hạ thảo đang rất được quan tâm trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều cửa hàng đang bán sản phẩm này với giá chỉ vài triệu đồng/ký, khiến Lai nghi ngại về độ tin cậy của chất lượng. Việc cạnh tranh giá cả gắt gao khiến “nhà nghiên cứu SV” gặp trở ngại khi mang sản phẩm đầu tay đi “chào hàng” các điểm tiêu thụ với giá từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/ký. Dù vậy, Lai vẫn không ngừng hy vọng và nỗ lực tìm lối ra cho “đứa con tinh thần” của mình. Trang trại sản xuất đang hình thành tại Hóc Môn chính là nơi để em mở rộng quy mô cũng như hướng đi lâu dài cho sản phẩm.
Nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn khác cũng bất ngờ mở ra với chàng SV trẻ. Bên cạnh một số địa phương (Phú Yên, Bình Thuận, Đà Lạt) có đề nghị em hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo, nhiều công ty và khu du lịch sinh thái tại TP.HCM, ĐBSCL cũng ngỏ ý hợp tác với mức thu nhập hấp dẫn.
Từ câu chuyện của mình, Lai chia sẻ, vấn đề thất nghiệp sẽ không còn áp lực đáng kể nếu SV chịu khó “lăn” vào thực tế sớm. Em cho rằng, điểm mấu chốt khiến các ứng viên trẻ mới ra trường khó kiếm việc chính là chưa thể hiện được khả năng. Đối với đi xin việc, bằng cấp, chứng chỉ cần phải có, nhưng điều mà nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều hơn chính là trải nghiệm, năng lực thực thụ của ứng viên. Khá nhiều cử nhân, kỹ sư quá tập trung vào điểm số hoặc ngại va chạm thực tế đã không đáp ứng được trọn vẹn điều này.
Bùi Như Nỉ cũng thấm thía giá trị của những “bài học xương máu” từ thực tế. Hợp đồng chế tạo máy chẻ hạt điều cho một đơn vị sản xuất tại Bình Dương trị giá hàng trăm triệu đồng mới đây đem lại cho em động lực làm việc lớn. Thế nhưng những tính toán hợp lý trên lý thuyết khi va chạm thực tế đã không thắng nổi các tình huống phát sinh. Từ việc bị đơn vị cung cấp ép giá linh kiện đến việc bị cố tình “câu giờ” giao hàng làm chậm tiến độ khiến giàn máy của em khi hoàn thành đã trễ hợp đồng.
Vì khó khăn này, đoạn đường đang đi có phần bị chựng lại nhưng Nỉ luôn tự nhủ, đã “lăn” vào đời, những va vấp là phải có. Điều quan trọng là qua lao động thực tế, em bù lấp được những khoảng kiến thức còn trống, nhận diện được khả năng bản thân, dễ dàng tiếp cận công việc. Trong khi đó, Nỉ dẫn chứng, nhiều SV cùng khóa với em do quá chú trọng điểm số, ra trường với tấm bằng loại tốt nhưng loay hoay 2-3 năm chưa kiếm được việc hoặc làm không đúng chuyên ngành.
Mê Tâm
Bày tỏ quan điểm, Lai nhấn mạnh, giảng viên chỉ cung cấp kiến thức chung và gợi mở, còn việc SV giỏi hay dở, tùy thuộc vào sự tự mày mò của mỗi người. Việc tự học rõ ràng khó và khổ nhưng những gì tự mình tìm kiếm, tích lũy bao giờ cũng rất bền vững.