Chủ nhật, 19/10/2014, 22h10

Sổ liên lạc điện tử: Còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Để phụ huynh nhận được tin nhắn sớm, kịp thời, lãnh đạo Trường THCS Trần Văn Ơn đã yêu cầu nhân viên nhập liệu phải gửi chậm nhất là 18 giờ hàng ngày (trong hình: Nhân viên công ty đang nhập liệu thông tin)
Đưa sổ liên lạc điện tử (LLĐT) vào sử dụng nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong nhà trường cũng như cung cấp thông tin học tập, sinh hoạt hàng ngày... của học sinh (HS) đến phụ huynh một cách nhanh nhất. Tuy nhiên tại một số trường, phụ huynh thậm chí cả lãnh đạo nhà trường lại cảm thấy… khó chịu.
Kênh liên lạc khá hữu ích
Đến nay là năm thứ 5 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) đưa sổ LLĐT vào sử dụng. Cứ tầm 17-18 giờ hàng ngày, phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn thông báo điểm số, nội dung bài tập về nhà, công việc HS cần chuẩn bị cho kiểm tra 15 phút, 1 tiết, các môn học cho ngày hôm sau, hoặc thông báo về lịch họp phụ huynh... Dựa vào tin nhắn này, phụ huynh có thể nhắc nhở con cái hoặc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sổ LLĐT giúp phụ huynh nắm bắt thông tin hàng ngày một cách kịp thời. Với những thông tin như HS chẳng may gặp sự cố, phụ huynh cũng nắm bắt nhanh nhất. Riêng với HS, các em không thể giấu giếm phụ huynh nếu chẳng may bị điểm xấu hay vướng vi phạm”. Theo cô Thúy An, mỗi năm Trường Trần Văn Ơn có khoảng 1.300 phụ huynh muốn quản lý chặt chẽ con cái qua sổ LLĐT trên tinh thần tự nguyện. Theo đó, phí trả hàng tháng là 55 ngàn đồng và tin nhắn đến hàng ngày. Tất cả phụ huynh đều tỏ ra hài lòng. Cô Thúy An cho biết thêm, để tin nhắn đến với phụ huynh được sớm và kịp thời để nhắc nhở con cái, nhà trường yêu cầu người nhập tin phải gửi tin chậm nhất vào 18 giờ.
Trong khi đó Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) đã thực hiện sổ LLĐT khoảng 4-5 năm nay, cũng nhận được không ít phản hồi tích cực từ phụ huynh. Từ đó số lượng phụ huynh tham gia tăng lên mỗi năm, nhất là những phụ huynh có con học lớp 1. Hiện tại trường có khoảng 80% phụ huynh tham gia. Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Dịch vụ này khá phù hợp với HS TH. Các em còn nhỏ, khả năng nhớ hết thông tin để về truyền đạt lại với ba mẹ không cao, theo đó thông tin gửi qua sổ LLĐT sẽ giúp phụ huynh nắm bắt vừa nhanh lại đầy đủ. Đặc biệt đối với HS lớp 1, nhiều phụ huynh muốn nắm bắt tình hình ăn uống, sinh hoạt của con cái hàng ngày như thế nào nên tham gia rất đông. Hơn nữa, tin nhắn đến trước khi HS về tới nhà, vì thế phụ huynh cũng hài lòng”.
Rước... bực vào thân
Sổ LLĐT được xem là phương tiện kết nối giữa gia đình và nhà trường một cách nhanh nhất, lại tiện ích. Dịch vụ này do các công ty chuyên về công nghệ hợp tác với nhà trường cung cấp. Dựa trên ứng dụng công nghệ, phụ huynh sẽ nhận thông tin học tập hàng ngày của con cái qua tin nhắn điện thoại, hoặc website. Mức phí đóng từ 30-55 ngàn đồng/tháng, tùy vào số lần tin nhắn và tùy vào công ty. Tại TP.HCM, không ít trường TH, THCS đã đưa sổ LLĐT vào sử dụng nhiều năm nay.

Tin nhắn không dấu và đến muộn khiến phụ huynh cảm thấy không hài lòng
Tuy nhiên, tại một số trường, phụ huynh thậm chí cả lãnh đạo trường tỏ ra không hài lòng về dịch vụ này. Một phụ huynh có con gái học lớp 7 tại Trường THCS Gò Vấp (Q.Gò Vấp), cho biết: “Do sổ LLĐT giúp cha mẹ nắm thông tin về con cái nhanh nhất và đầy đủ nên tôi đăng ký sử dụng. Hơn nữa, tôi cảm thấy yên tâm hơn nếu đi công tác xa mà vẫn theo sát được con cái. Nhưng sau 1 năm tham gia, tôi thực sự thất vọng. Thông tin điểm số gửi về cho phụ huynh hết sức chậm chạp. Điểm chấm đã về đến nhà qua sổ ghi tay cả tháng trời thì tin nhắn của sổ LLĐT mới bắt đầu tới. Chưa kể, do tin nhắn viết không dấu nên một số tin nhắn vợ chồng tôi cùng ngồi dịch mà không ra, lắm lúc sinh bực mình thêm”.
Để dẫn chứng, vị phụ huynh này đưa chúng tôi xem một số tin nhắn không có dấu, nhiều chữ viết tắt rất khó hiểu, như: “cbi KT15’ (chuẩn bị kiểm tra 15 phút); CN: Hoan thanh bai KT1 Tiet (?: hoàn thành bài kiểm tra 1 tiết); on cac bai GV cho ghi dan do (ôn các bài giáo viên cho ghi dặn dò)...”. Với cách nhắn tin như vậy, người nhắn có thể hoàn thành công việc sớm, nhưng phụ huynh lại rơi vào tình trạng vừa mất tiền lại vừa rước bực vào thân. Hơn nữa, hầu hết các tin nhắn của 1 lớp đều có nội dung giống nhau. Chỉ trường hợp HS gặp sự cố thì tin nhắn mới cung cấp thêm thông tin.
“Nghe qua một số ý kiến phản ánh tin nhắn na ná giống nhau, chữ viết tắt, số lượng chữ ít… nên nhà trường quyết định không làm”.
Chúng tôi được biết, tin nhắn gửi đến phụ huynh hầu hết do nhân viên phía các công ty cung cấp dịch vụ thực hiện. Trong suốt buổi học, GV quan sát, nắm bắt tình hình, ghi vào sổ kèm theo thông tin mới cho ngày hôm sau rồi gửi đến nhân viên của công ty nhập liệu. Mỗi tin nhắn (dành cho 1 lớp) mất khoảng 2-3 phút. Sau khi nhập xong, hệ thống nhập liệu tự động gửi đến tất cả HS. Cũng vì lí do này, một số trường đã không thực hiện sổ LLĐT. Cô L., Hiệu trưởng Trường TH H. ở Q.1, chia sẻ: “Ban đầu trường có ý định thực hiện sổ LLĐT. Nhưng nghe qua một số ý kiến phản ánh tin nhắn na ná giống nhau, chữ viết tắt, số lượng chữ ít… nên nhà trường quyết định không làm. Phụ huynh phải đóng tiền mà nhận được thông tin như thế thì rất là kỳ”.
Mặt khác, hạn chế khiến các trường không thực hiện sổ LLĐT đó là phía công ty yêu cầu các trường tự nhập liệu nhưng tiền phí vẫn đóng như nhau. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), nói: “GV phải làm nhiều công việc trong ngày, đến chiều tối lại lo nhập liệu, như thế sẽ rất vất vả. Hơn nữa, không phải GV nào cũng rành công nghệ, chỉ cần một thao tác nhấp chuột sai, không chừng tin nhắn gửi tập thể sẽ gây hiểu nhầm cho phụ huynh. Với cách làm này, đa số GV phải nhờ GV dạy công nghệ giúp đỡ rất bất cập. Còn việc nhà trường phải cử nhân viên thực hiện thì hết sức vô lý. Không thể có chuyện trường vừa đóng tiền, lại vừa cử người của trường đứng ra làm”.
Bài, ảnh: N.Trinh
 
GV thêm phần vất vả
Cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, cho biết: Lúc đầu Q.5 có ý định triển khai nhưng trước yêu cầu nhà trường phải tự nhập liệu thì chúng tôi không làm nữa. Yêu cầu này khiến công việc của GV tăng lên, gây vất vả và vừa không hợp lý. Hơn nữa, 100% các trường trong Q.5 đều thực hiện bán trú, cứ chiều đến, GV và bảo mẫu giao HS đến tận tay phụ huynh; nếu có việc gì thì GV và bảo mẫu đã làm việc trực tiếp với phụ huynh. Bên cạnh đó còn có sổ báo bài ghi thông tin rất chi tiết, đầy đủ. Ngoài ra, một số thông tin cá nhân không thể chuyển tải qua tin nhắn tập thể của sổ LLĐT mà chỉ có thể nhờ sổ báo bài. Như vậy có nghĩa không nhất thiết cần đến sổ LLĐT.