Thứ tư, 1/10/2014, 09h10

Thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN: Mở rộng thị trường lao động

30 HS Khoa Y dược Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn được tuyển chọn vào lớp thí điểm tiếng Đức thực hành tại một tiết học
Năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, lao động Việt Nam dễ dàng chuyển đến các nước ASEAN làm việc và ngược lại. Đây là cơ hội để mở rộng thị trường lao động Việt Nam và cũng chính là thách thức bởi chúng ta không chỉ cạnh tranh với lao động trong nước mà còn với nhiều nước khác.
Khi chính thức thành lập, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thực hiện tự do luân chuyển 5 yếu tố cơ bản là vốn liếng, dịch vụ, hàng hóa, đầu tư và lao động lành nghề. Với sự luân chuyển này, lao động Việt Nam sẽ cạnh tranh với lao động nhiều nước ASEAN, vì vậy việc nâng cao kỹ năng nghề, vốn ngoại ngữ và kỹ năng mềm là rất cần thiết trong xu thế hội nhập này. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao luôn được ưu tiên hàng đầu tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Thực trạng thị trường lao động nước ta thể hiện nghịch lý là thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Năm 2015, khi mở cửa thị trường lao động ASEAN thì chúng ta có rất nhiều cơ hội, đặc biệt là có thể sang các nước khác lao động dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thách thức của thị trường lao động này cũng rất lớn, sự cần cù, chăm chỉ chưa đủ để đứng vững trên thị trường này mà nhất thiết là phải có trình độ chuyên môn, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vốn ngoại ngữ. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công”.
Hiểu được thách thức này, không chỉ các trường ĐH, CĐ mà cả những trường CĐ nghề, TCCN và TC nghề cũng tăng cường liên kết đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề cho HSSV. Vừa qua, một số trường như CĐ Bách Việt, TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn… đã phối hợp với Viện Đào tạo Goethe (Đức) tổ chức các lớp đào tạo thí điểm tiếng Đức nhằm giúp HSSV gặp gỡ và giao lưu quốc tế, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tạo cơ hội cho các em tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước. Tại buổi lễ khai giảng đào tạo tiếng Đức (khóa 1) cho 30 HS xuất sắc Khoa Y dược Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, PGS.TS Vũ Khang, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Sau khóa học, các em được cấp bằng tương đương với trình độ A1 tiếng Đức đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ hội quan trọng để các em tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Để sang các nước khác làm việc, ngoài trình độ chuyên môn, sức khỏe thì ngoại ngữ, kỹ năng mềm là yếu tố không thể thiếu”.
Bài, ảnh: HÀ XUYÊN
 
Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.