Thứ sáu, 31/10/2014, 15h10

Thanh niên khởi nghiệp: Bài 3: Chuyện dài của những chiếc vé xe

Anh Trần Nguyễn Lê Văn trao đổi với bạn trẻ trong một buổi nói chuyện về vấn đề khởi nghiệp
Chỉ cần vài cú nhấp chuột, các “thượng đế” có thể tra cứu thông tin, đặt vé, chấm điểm; thậm chí có thể phàn nàn về các sự cố hay đưa ra lời khuyên về chất lượng dịch vụ các hãng xe khách mà mình từng sử dụng.

Tưởng như đó là câu chuyện ở một nơi xa xôi, nhưng không, tất cả đều có trong VeXeRe.com - hệ thống tra cứu, đặt vé lớn nhất tại Việt Nam. Người có ý tưởng tạo ra VeXeRe.com là một chàng trai mới 29 tuổi - Trần Nguyễn Lê Văn.
Giấc mơ không xa vời
Ý tưởng tạo ra “Google vé xe” giúp cho người dùng dễ dàng tra cứu, đặt vé ấy được ra đời trong thời gian Lê Văn du học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Thunderbird (Anizona, Mỹ) vào năm 2012. Một buổi sáng thức dậy, cái cảm giác lạc lõng khi nhìn sân trường, ký túc xá vắng tanh trong khi bạn bè còn bận bịu với gia đình hay những khám phá mới lạ trong kỳ nghỉ đông đủ để người ta thấm thía nỗi cô đơn, nhớ mong gia đình. Lê Văn lên mạng đọc chút thông tin để khỏa lấp nỗi nhớ nhà, đập vào mắt anh là cảnh tượng hàng trăm sinh viên, người lao động chen chúc nhau để mua vé xe về Tết, những bài báo nói về nỗi khổ của người đi xe khi bị “cò” ép giá, khi phải đứng ngồi lố nhố trên diện tích chật hẹp của chiếc xe. Một ý tưởng lóe lên trong đầu Lê Văn: Tại sao không lập ra một hệ thống bán vé xe của tất cả nhà xe trong nước để giúp người dân thỏa sức lựa chọn mà không phải mất quá nhiều thời gian? Đem ý tưởng trình bày với một vị giáo sư vốn nổi tiếng khắt khe, anh nhận được câu trả lời: “My friend, you must do it!”. Hai người bạn thân học cùng anh trong suốt thời phổ thông cũng hào hứng, sẵn sàng đồng hành để tạo nên một “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực phân phối vé xe.
Có được động lực ban đầu, Lê Văn về nước với hành trang chỉ là số tiền ít ỏi từ công việc làm thêm trên đất Mỹ cùng niềm tin mãnh liệt về một sự đổi thay cho người lao động Việt Nam. Thế nhưng, trở ngại đầu tiên anh gặp phải lại chính là… mẹ. Bà từng tuyên bố “nếu về thì đừng gặp mẹ” khi nghe con trai trình bày ý tưởng buổi ban đầu. Cũng chẳng có gì khó hiểu bởi không bà mẹ nào lại muốn con mình dang dở việc học chỉ để theo đuổi một dự án mà tương lai còn chưa biết thành bại thế nào. Sau mẹ, Lê Văn cũng nhận được không ít ánh mắt nghi ngại của bạn bè. Họ không tin là anh làm được bởi trước đó cũng có người thực hiện ý tưởng đó nhưng rồi phải “bỏ của chạy lấy người” khi gặp phải vô vàn trở ngại. Mặc những ánh mắt nghi ngại, mặc những lời phán xét, Lê Văn cùng hai người bạn kiên trì thực hiện theo kế hoạch, đi gõ cửa từng nhà xe và thuyết phục họ hợp tác. Trong thời điểm gặp vô vàn khó khăn phải đối phó, đi gặp khách hàng mà không có nổi tiền để gửi xe, anh vẫn tự động viên mình phải cố gắng, phải tin tưởng vào bản thân để chứng minh cho mọi người cùng thấy: VeXeRe.com không phải là giấc mơ xa vời.
Cuối cùng Lê Văn cùng hai người bạn đã làm được. Hơn một năm đi vào hoạt động (từ tháng 7-2013), VeXeRe.com đã có hơn 24 triệu lượt khách truy cập hệ thống để tra cứu thông tin, giá vé, lịch trình, số điện thoại của trên 1.000 hãng xe và 3.000 tuyến đường trên cả nước. Doanh thu, số nhà xe hợp tác, số khách truy cập vẫn tăng lên mỗi ngày. Mới đây, Lê Văn cũng đã quay trở lại trường và hoàn thành khóa học thạc sĩ sau khi trình bày những thành công bước đầu của dự án khởi nghiệp với nhà trường.
Từ những ngã rẽ đầu tiên
“Con người chỉ sống một lần trong đời, nếu cứ làm theo những thứ đã được lập trình từ những sai lầm ở buổi ban đầu, sau này chắc hẳn bạn sẽ hối tiếc. Nếu không chọn ngã rẽ, bạn sẽ không biết cuộc đời mình thay đổi thế nào”, Lê Văn chia sẻ.
VeXeRe.com vẫn chưa phải là bước khởi nghiệp đầu tiên của chàng trai trẻ. Ngược thời gian về trước, Lê Văn từng là anh “lái” thịt bò, cung cấp các thành phẩm từ thịt bò cho nhiều chuỗi cửa hàng Vissan, Phở 24… dù từng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngành CNTT Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và đã đi làm cho 2 công ty lớn. Trước đó, anh cũng từng có ý định thành lập chuỗi cửa hàng bánh đúc - món bánh quen thuộc vốn đã gắn liền với đời sống người dân miền Bắc - nhưng rồi lại sớm “chết yểu” bởi những tham vọng quá lớn của buổi ban đầu. Nói về lý do theo đuổi lĩnh vực kinh doanh, Lê Văn cho biết: Dù tốt nghiệp ngành CNTT nhưng tôi lại không thích chuyên ngành này. Thời điểm lựa chọn ngành nghề, người ta dễ ảo tưởng bởi ý nghĩ “nó hợp với mình” như giỏi toán thì nghĩ rằng mình hợp với CNTT, giỏi tiếng Anh thì nghĩ mình hợp với ngành du lịch... Nhưng rồi, quá trình làm việc, va vấp với cuộc sống sẽ giúp con người ta tự khám phá chính bản thân mình.
Và, nếu ngược thời gian thêm một chút nữa, mọi người sẽ hiểu vì sao một chàng trai trẻ dám lựa chọn những ngã rẽ để thay đổi cuộc đời mình. Ở khoảng thời gian ấy, từng có một gia đình dắt díu nhau từ miền quê nghèo lên TP.HCM cho con cái có điều kiện học tập; từng có một bà mẹ sẵn sàng chuyển phòng trọ mỗi khi con chuyển trường; từng có một người cha làm phụ hồ, dù khó khăn đến đâu vẫn không để con vắng lớp buổi nào bởi ông tin: Chỉ có học mới dẫn đến cánh cửa thành công!
Bài, ảnh: Linh Vy
 
Hiện tại, VeXeRe.com đang tích cực mở rộng hệ thống qua Lào, Campuchia và một số quốc gia trong khu vực. Ý tưởng cũng nhận được nhiều giải thưởng khởi nghiệp của các tổ chức uy tín trong và ngoài nước.