Chủ nhật, 20/4/2014, 11h04

Trang bị kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho HS

Không phải HS nào cũng hiểu hết vai trò, nội dung của các trang mạng xã hội. Vì thế việc hướng dẫn sẽ phần nào giúp các em biết cách sử dụng đúng

Kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin học tập hay trao đổi chuyện riêng tư trên Facebook là thói quen của nhiều học sinh (HS) hiện nay. Tuy nhiên, hiện có không ít HS đã lợi dụng Facebook để nói xấu bạn bè, thậm chí là “chửi” thầy cô giáo dạy mình mà không lường trước những hậu quả tiếp theo.
Lợi dụng Facebook nói xấu giáo viên
Thời gian gần đây, có không ít vụ việc giáo viên bị HS lấy làm chủ đề đưa lên Facebook nói xấu như một vài kênh thông tin đã đăng. Vốn dĩ Facebook là trang cộng đồng nên bất kỳ ai cũng có thể vào xem, chia sẻ tâm trạng, cảm xúc. Nếu nội dung chia sẻ hấp dẫn thì kéo theo đó là những lời bàn tán khiếm nhã một cách vô tội vạ, “xào nấu” câu chuyện thành trò mua vui cho nhiều đối tượng khác nhau. Hậu quả là có không ít giáo viên phải chịu tổn thương về mặt tinh thần.
Trường hợp cô A., giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THCS H. (Q.10, TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Cô A. bị một số em HS nói xấu trên Facebook bằng những tiếng lóng, thậm chí là bằng lời lẽ rất thẳng thắn. Nguyên nhân chỉ vì các em bị cô phạt phải đền tiền mua micro trả lại cho lớp do không giữ cẩn thận để bị mất. Cô A. tâm sự: “Giá trị tài sản một chiếc micro không lớn nếu chia đều cho nhóm HS này, và tôi cũng có nhiều cách để mua lại nó. Tuy nhiên, tôi vẫn phạt bởi mục đích chỉ muốn giúp các em nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc giữ gìn tài sản chung của lớp. Nhưng các em đã không hiểu sự việc dẫn đến những hành động nông nổi như vậy”.
Cô A. tâm sự thêm, khi sự việc được phát hiện, cô bị sốc vì cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Hơn 20 năm đứng lớp lại có ngày bị HS đưa ra nói xấu trước bàn dân thiên hạ. Nếu người hiểu vấn đề thì không sao, nhưng những người không hiểu lại chỉ trích nặng nề hơn. Rồi người thân, bạn bè và phụ huynh nghĩ như thế nào về cô?
“Sau khi tôi bình tĩnh, giải thích rõ mục đích phạt, lúc này các em đã nhận ra lỗi”, cô A. cho biết. Tuy nhiên cô vẫn không khỏi lo ngại rằng sẽ còn bao nhiêu trường hợp HS có hành động tương tự? Đối với giáo viên dễ tính có thể bỏ qua, nhưng với người khó tính thì vết thương lòng này dễ hằn sâu khó mờ.
Cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, cũng tỏ ra lo ngại: “Tôi từng nghe về trường hợp giáo viên ở nhiều nơi bị HS nói xấu trên Facebook, điều này thật đáng tiếc. Mọi mục đích xử phạt, hành động răn đe của giáo viên dành cho HS đều có thể gây áp lực tức thời cho giáo viên lẫn HS; tuy nhiên mục đích cuối cùng đều muốn giáo dục HS được tốt hơn. Nhưng nhiều em HS không hiểu ra, trút nỗi bực dọc lên Facebook để thỏa mãn tâm trạng mà không thấy rằng đây là sự thể hiện đạo đức chưa đúng giữa HS đối với giáo viên. Đáng ngại hơn, các trang mạng xã hội có tính lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, nếu sự việc chẳng may xảy ra giữa HS với HS thì dễ gây hiềm khích, tư thù dẫn đến đánh nhau...”.
Trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh
Sử dụng các trang mạng xã hội phục vụ cho công việc cá nhân hay hỗ trợ học tập là điều đáng hoan nghênh. Hiện nay, một số trường học còn sử dụng mạng xã hội như một hộp thư điện tử để HS chia sẻ mọi khúc mắc cá nhân mà các em khó nói trực tiếp, là cầu nối để nhà trường và HS hiểu nhau hơn.
Tuy nhiên, việc HS sử dụng mạng xã hội vào những việc không hay là điều mà nhà trường và phụ huynh cần quan tâm hơn. Cụ thể là phải hướng dẫn HS cách dùng để các em hiểu nội dung, ý nghĩa mà dùng đúng mục đích, hiệu quả hơn.
Thầy Trần Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS An Phú (Q.2), cho biết: “Không ít HS có suy nghĩ chỉ cần dùng nick ảo, giấu tên là tha hồ nói xấu người khác hoặc làm những điều không hay. Nhưng thực tế, khi đã sử dụng một địa chỉ trên mạng xã hội thì việc truy tìm chủ nhân không khó. Nếu sự việc chỉ ở mức độ nói xấu giáo viên hay bạn bè thì còn có thể dừng lại, chỉnh sửa kịp thời. Nhưng ở mức độ sâu xa hơn thì hậu quả rất nặng nề, khó tránh việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế, nếu được giáo dục sâu hơn về nội dung mạng xã hội cũng như hướng dẫn cách dùng thì các em sẽ sử dụng đúng, hiệu quả hơn. Qua đây bản thân HS còn thấy được trách nhiệm của mình khi làm bất cứ công việc gì, có thái độ đúng đắn hơn để tránh những sự cố đáng tiếc. Và trách nhiệm trang bị những kỹ năng này cho HS thuộc về gia đình, nhà trường lẫn xã hội”.
Tại Trường THCS An Phú, nhận thấy vai trò quan trọng của mạng xã hội nên từ đầu năm học 2013-2014, lãnh đạo trường đã đưa nội dung cách sử dụng các trang mạng xã hội sao cho đúng và hiệu quả (được soạn trên PowerPoint) lồng ghép vào giảng dạy trong các tiết học giáo dục công dân. Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường vào các giờ chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Hoạt động này được xem quan trọng như hoạt động giáo dục tâm lý, tăng cường kỹ năng sống cho HS. 
Cô Võ Ngọc Thu cũng cho rằng, trong thời buổi công nghệ ngày càng phát triển thì rất cần đến những tiết dạy định hướng, hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội. Các trường học nên linh động lồng ghép vào các tiết dạy đạo đức, giờ học ngoại khóa... để các em có đầy đủ kiến thức, kỹ năng hơn.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc