Thứ ba, 16/12/2014, 22h12

Triệt buộc nghề giáo

Tôi gọi điện cho một người bạn là giáo viên tiểu học vừa về hưu năm nay để nhắc chị đi họp mặt nhóm bạn. Chị trả lời hôm đó chị không đi được vì phải dạy thêm. Tôi đùa với chị là về hưu mà còn có học sinh để dạy là hay quá và thời điểm này giáo viên về hưu là sướng nhất. Chị như được dịp tâm sự cùng tôi: “Chị dạy thay cho con gái. Nó ra trường mới 3 năm. Lương cộng với 35% phụ cấp đứng lớp chỉ khoảng 3.350.000 đồng/tháng. Mấy hôm nay căng thẳng việc dạy thêm, nó định nghỉ nhưng phụ huynh nói cô dạy giúp vì về nhà các cháu chỉ bám ti vi và chơi game… Vừa có thu nhập, vừa là giải pháp an toàn cho con gái nên chị dạy thay. Con gái tôi sắp lập gia đình, chồng tương lai cũng là giáo viên tiểu học, không dạy thêm được, sống ra sao? Còn con cái nữa… Sao nghề của mình bị triệt buộc quá vậy em?”.
Những lời của chị làm tôi nhớ đến khoảng những năm 1980 đến 1990, đời sống giáo viên quá khó khăn. Khi đó giáo viên thiếu trầm trọng. Lúc ấy Trường Trung học Sư phạm TP.HCM đã phải tuyển cả học sinh thi rớt ĐH vào học hệ 12+1. Các phòng giáo dục quận/huyện đã tổ chức lớp sư phạm cấp tốc vài tháng để bổ sung nhân lực cho ngành.
Một thời gian sau khi kinh tế xã hội được nâng cao, mọi người đều nhìn thấy sự quan trọng của học vấn. Vậy là nhu cầu muốn con học tốt, học giỏi của phụ huynh đã tạo việc làm thêm đúng ngành nghề của thầy cô. Giáo viên không còn bươn chải với những nghề “tay trái” mà đôi lúc không muốn phải chạm mặt với học sinh và phụ huynh. Tôi nghĩ với cách giải quyết như hiện nay, thời kì ấy sẽ quay lại trong những năm học tới.
Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT vừa qua đã làm tăng thêm nỗi khổ cực cho công việc của giáo viên tiểu học và việc cấm dạy thêm sẽ đè nặng lên vai người thầy các khoản “cơm, áo, gạo tiền”. Sẽ có bao nhiêu học sinh giỏi chọn ngành sư phạm trong thời gian tới? Sẽ có bao nhiêu giáo viên mới ra trường, yêu nghề mến trẻ với mức thu nhập như thế có cơ hội tìm việc khác đảm bảo cuộc sống mà chấp nhận bám nghề suốt đời? Vòng luẩn quẩn thiếu giáo viên giỏi và chấp nhận giáo viên đào tạo “chữa cháy” thiếu kiến thức, yếu năng lực sẽ lập lại trong tương lai!
Lê Phương Trí