Thứ hai, 12/3/2012, 15h03

Văn hóa giao tiếp trong nhà trường

Lê Thị Huyền (Trung tâm GDTX Q.Bình Thạnh): Chọn cách xưng hô thể hiện được tình cảm

HS thường xưng mày - tao với bạn thân (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh

Trước giờ trong nội quy của nhà trường đều có quy định về cách xưng hô giữa giáo viên (GV) và học sinh (HS) nhưng cũng chỉ nêu một cách chung chung như: “Xưng hô đúng mực, lễ phép, không có thái độ lời nói vô lễ với thầy cô giáo…” chứ không có một quy định rõ ràng về cách xưng hô cụ thể giữa hai đối tượng này trong giao tiếp như thầy phải “hô”, trò phải “xưng” như thế nào?
Tuy nhiên, theo thói quen và lịch sự đa số vẫn xưng: Thầy/ cô - em. Tôi thường để ý cách xưng hô của GV và HS khi xem các chương trình truyền hình trực tiếp trên ti vi thì thấy một điều rất lý thú là cách xưng hô này có sự khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc. Nếu trước đây GV ở ngoài Bắc thường xưng thầy/ cô - em (bất kể HS lớn tuổi hay nhỏ tuổi) thì trong Nam cách xưng thầy/ cô - con  phổ biến hơn (dù HS đó đã lớn tuổi). Những năm gần đây đã có xu hướng ngược lại là nếu ở ngoài Bắc xưng thầy/ cô - con (có lẽ do ảnh hưởng của người Nam bộ với cách xưng hô lạ tai) thì ở trong Nam lại xưng thầy/ cô - em là chủ yếu. Điều đó chứng tỏ cách xưng hô giữa hai đối tượng này chưa có một quy định rõ ràng theo pháp lệnh mà chủ yếu là theo thói quen và sự ảnh hưởng qua lại với nhau trong văn hóa giao tiếp. Cách xưng hô này ngay đối với bản thân tôi cũng đã có sự thay đổi. Nếu trước đây khi mới ra trường còn trẻ thì xưng hô chủ yếu là cô - em vì cả hai có tuổi tác xấp xỉ nhau. Còn bây giờ đã có tuổi mà HS của mình ngày một trẻ ra thì thấy xưng em không còn hợp nữa nên hầu hết là xưng cô với con. Về cách xưng hô “mày - tao” giữa thầy và trò không phải không có nhưng chỉ một số ít người chứ không phổ biến trong GV. Không giống như tiếng nước ngoài chỉ có một cách xưng hô cho mọi đối tượng, trong tiếng Việt đại từ nhân xưng rất phong phú, ngoài giá trị ngữ nghĩa còn có giá trị biểu cảm rất lớn. Vậy thì tại sao chúng ta không chọn cách xưng hô để thể hiện được tình cảm và thái độ văn minh, lịch sự của người có văn hóa?
 
Nguyễn Nhật Quang (HS Trường THCS Lạc Hồng, Q.10): Xưng hô mày - tao thể hiện sự gần gũi, thân thuộc
Ở trường em cách xưng hô giữa thầy và trò chủ yếu là thầy - em hoặc thầy - con, còn bạn bè với nhau thì gọi là tôi - bạn hoặc mày - tao. Cách xưng hô thầy - con chủ yếu là ở các em học lớp 6 vì ở trường tiểu học và ở nhà các em đã quen với cách giao tiếp như vậy, thầy - em là HS lớp 8, lớp 9. Em cho rằng hai cách xưng hô này về cơ bản độ biểu cảm không có gì khác biệt nhưng khi xưng thầy - em là cách để GV cảm thấy mình trẻ hơn, xóa dần khoảng cách tuổi tác giữa thầy và trò. Còn đối với các bạn HS, đa số sử dụng cách xưng hô là tôi - bạn nhưng với những nhóm bạn bè chơi thân thiết thường gọi là mày - tao. Xưng mày - tao giữa thầy và trò rất ít gặp nhưng không phải là không có, em đã từng nghe một số GV xưng mày - tao với HS nhưng nó không hề mang ý nghĩa tiêu cực mà trái lại còn thể hiện sự thân thương, gần gũi, coi học trò như con trong gia đình. Em nghĩ rằng, tiếng Việt vốn nhiều tầng nhiều nghĩa, xưng hô mày - tao chỉ là một cách giao tiếp, còn sự thể hiện tình cảm giữa con người với con người phụ thuộc rất nhiều vào cách xưng hô chọn lọc như thế nào cho phù hợp với tình huống, giọng điệu của người nói. Chẳng hạn như giờ ra chơi thầy giáo bảo học trò “Học ngoan lên tao thương, về nhà nhớ làm bài thật kỹ nha mày” là cách thể hiện sự gần gũi của người thầy đối với học trò khác hoàn toàn khi một bạn nào đó nói với bạn khác rằng “Ê coi chừng tao đánh mày đấy”.