Thứ hai, 21/4/2014, 11h04

Vẫn “khát” giáo viên mầm non

Làm sao tuyển đủ giáo viên mầm non? Đó là câu hỏi vừa được Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra tại buổi làm việc với đại diện các sở, ngành trên địa bàn TP về công tác quản lý nhà nước đối với bậc mầm non cuối tuần qua. Mặc dù đã được ngành giáo dục cảnh báo từ năm 2009 nhưng đến nay tình trạng “khát” giáo viên mầm non vẫn chưa được cải thiện, thậm chí có phần trầm trọng hơn. Vì sao?

Thiếu 5.000 giáo viên

Theo ông Bùi Ngọc Âu, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM, từ năm 2007 trở về trước, Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM (nay là Trường ĐH Sài Gòn) là một trong những đơn vị đóng vai trò “đầu tàu” trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non cho TP. Tuy nhiên, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cấp lên thành Trường ĐH Sài Gòn, phương châm hoạt động của đơn vị này đã thay đổi. “Thay vì chỉ đào tạo các chuyên ngành sư phạm, từ năm 2007 đến nay Trường ĐH Sài Gòn trở thành đơn vị đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Trong khi hai đơn vị khác có cùng nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non trên địa bàn TP là ĐH Sư phạm TPHCM và Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM phải gánh cả nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các tỉnh ĐBCSL, thậm chí khu vực phía Bắc. Ra trường phần đông sinh viên trở về địa phương công tác nên TPHCM năm nào cũng tuyển giáo viên nhưng không đủ nguồn”, ông Âu cho biết.

Công việc của giáo viên mầm non rất vất vả nhưng thu nhập chưa tương xứng.

Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, cho biết, mỗi năm trường tuyển mới khoảng 400 sinh viên hệ cao đẳng và 120 học sinh hệ trung cấp mầm non. Ông Tiến bày tỏ: “Nếu được phép nâng chỉ tiêu tuyển sinh, chúng tôi có tuyển đến 2.000 em cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đóng vai trò then chốt. Do đó, dẫu biết giáo viên mầm non đang rất thiếu nhưng đó là bài toán chung cho cả TP”.

Thống kê từ Sở Nội vụ TP, năm học 2013-2014, TP có nhu cầu tuyển mới 16.684 giáo viên mầm non nhưng đến nay chỉ có 14.478 người, đạt tỷ lệ chưa đến 87%. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, số lượng giáo viên mầm non còn thiếu so với nhu cầu ở 24 quận, huyện lên đến 5.000 người. Ông Trương Lâm Danh, Phó ban Pháp chế HĐND TP, kiến nghị cần xem việc đào tạo giáo viên mầm non là một trong những nhiệm vụ chính trị của TP, giao về cho một, hai đơn vị chủ chốt, tránh tình trạng đào tạo đa ngành ồ ạt như hiện nay nhưng không gắn với thực tế nhu cầu xã hội.

Có thực mới vực được… người!

Trước tình trạng giáo viên mầm non đang rất thiếu, song tỷ lệ người bỏ việc, chảy máu “chất xám” qua các trường có yếu tố đầu tư nước ngoài năm nào cũng khá cao. Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết, năm học 2013 - 2014, quận 4 thiếu 80 giáo viên mầm non nhưng không cách nào tuyển đủ. Hầu hết sinh viên ra trường đều chọn khu vực ngoài công lập vì thu nhập cao. “Công việc của một giáo viên mầm non kéo dài từ 6 giờ 30 đến hơn 17 giờ 30 nhưng mỗi tháng thu nhập chưa đến 4 triệu đồng, phải dè xẻn lắm mới đủ chi tiêu. Trong khi giáo viên ở các bậc học khác luôn có khái niệm nghỉ dưỡng, xả hơi trong dịp hè thì giáo viên mầm non chỉ lo đủ ăn đủ mặc”, bà Bích Châu ngậm ngùi so sánh. Đó là chưa kể theo quy định hiện nay của ngành giáo dục, mỗi giáo viên mầm non chỉ được nhận phụ cấp phụ trội tối đa 670.000 đồng/người/tháng và 448.000 đồng/người/tháng đối với bảo mẫu.

Một giáo viên Trường Mầm non 12 (quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Do đặc thù công việc đi sớm về trễ nên ngay cả con đẻ của mình tôi cũng phải nhờ người trông giúp. Nhiều khi đồng lương ở trường không đủ trang trải tiền sữa và tiền thuê người giữ trẻ. Vì vậy mong ước chung của tất cả giáo viên mầm non là thu nhập đủ sống, việc nhà phải ổn, chúng tôi mới yên tâm lo việc ở trường”.

Nhìn nhận thiếu sót nhiều năm qua của TP, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: “Thiếu giáo viên mầm non đã được cảnh báo từ năm 2009 nhưng đến nay sau hơn 5 năm tuyển dụng và phân bổ, chúng ta chưa có chính sách nào mạnh tay để khuyến khích, thu hút nguồn lao động trẻ ngoại trừ duy nhất một chủ trương cho phép tuyển dụng người có hộ khẩu KT3 nên tình trạng thiếu vẫn hoàn thiếu”.

Cũng theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, do thu nhập hiện nay của giáo viên mầm non quá thấp nên chưa thể trông chờ vào khả năng tự điều tiết của thị trường. Thay vào đó, TP cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi cho nhóm lao động này như cho thuê nhà ở chi phí thấp, miễn, giảm học phí cho giáo viên mầm non học các lớp nâng cao nghiệp vụ, tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp các ngành y tế, điều dưỡng chưa có việc làm bổ sung thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để tăng cường thêm đội ngũ, giải quyết tạm thời bài toán “khát” giáo viên mầm non...

"Một trong những thiếu sót của phân bổ chương trình sư phạm hiện nay là không có học phần đào tạo giáo viên mầm non cho các lớp giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. Do đó vừa qua, tại buổi họp hội đồng hiệu trưởng các trường sư phạm, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đề xuất kiến nghị giao nhiệm vụ biên soạn chương trình đào tạo giáo viên giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi cho Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM. Sau khi đề án hoàn thành sẽ triển khai rộng rãi trên toàn TP" - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM Bùi Ngọc Âu

THU TÂM (SGGP)