Thứ ba, 19/8/2014, 23h08

Vì tương lai, xin chớ chọn bừa!

Em - một nữ sinh viên vừa hoàn thành xong năm thứ hai hệ CĐ ở một trường ĐH. Chỉ còn một năm nữa, em sẽ kết thúc chương trình học để bước chân vào đời. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu em chẳng mong chờ điều đó, và có lẽ tốt nghiệp ngay bây giờ lại là điều tốt cho em, cho gia đình...
Nhớ những ngày đầu nhập học, em đã háo hức như thế nào, còn mơ tưởng về một ngày không xa khi tốt nghiệp sẽ sớm tìm một công việc và phụ giúp gia đình. Nhà em chẳng nghèo. Nhưng để lo cho ba đứa con được đến trường, cha mẹ em đã bán rẻ sức lực, cày ngày cày đêm trên từng tấc đất... Nhưng rồi một ngày, em chợt thủ thỉ với tôi rằng em chẳng còn mơ về một ngày xa xôi ấy nữa. Tôi ngạc nhiên, bởi quyết định được đưa ra khi em đã bước đi được nửa chặng đường. Em bảo, em sẽ cố học cho hết CĐ chỉ để ba mẹ vui lòng. Ngày đó, em “chọn đại” ngành học này chỉ vì biết chắc mình chẳng còn hi vọng với hai nguyện vọng 1 và 2. Ở một vùng quê xa xôi, được đi học, được cầm trên tay tấm bằng của một trường ĐH ở Sài Gòn là danh giá lắm. Đi đâu, ba mẹ em cũng tự hào có cô con gái lớn học ngành quản trị kinh doanh - một ngành mà theo họ  là “oai” hơn những ngành nghề khác trong xã hội. Thôi thì, đã gắng được nửa chặng đường thì em cũng gượng nốt chặng còn lại, cho dù mỗi tháng em vẫn tiêu tốn của ba mẹ một khoản tiền không nhỏ. 
Ngạc nhiên, rồi tôi lại băn khoăn. Bởi mỗi năm cứ đến mùa tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ lại dành hàng ngàn chỉ tiêu bổ sung để hút người học. Trong hàng triệu lượt thí sinh đi thi, số đỗ ngay vòng đầu, vào được trường và ngành mình yêu thích chỉ chiếm khoảng 1/4. Số còn lại sẽ tìm cơ hội từ các trường còn thiếu chỉ tiêu. Nhưng giữa “thị phần” hàng chục ngành nghề để lựa chọn, chẳng có mấy ai dám liều mình để đi vào “cửa hẹp”, chọn những trường có điểm cao, chỉ tiêu thấp để nộp hồ sơ. Lúc đó, những ngành nghề với tên gọi thật “kêu”, chỉ tiêu đầu vào “thả cửa” sẽ là nơi để những người giống như em chọn lựa. Và một khi đã “phóng lao” thì sẽ mải miết chạy theo, đánh vật với các môn học để cố giành giật cho được tấm bằng lúc ra trường. Trong số này, người đi học để cho cha mẹ “nở mặt, nở mày” giống em cũng có, người đi học để bằng bạn bè cũng nhiều... Dĩ nhiên, một khi không có chí hướng, không có mục tiêu thì các em cũng chẳng lấy đâu ra đam mê để học hành tích cực. Và thế là tiền bạc, sức lực của cha mẹ được đánh đổi bằng sự thờ ơ, vô bổ ấy.
Đến đây, tôi lại chợt nghĩ: Trong số 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, liệu có bao nhiêu người thuộc thành phần “chọn đại” một ngành, học hành không có mục đích? Và liệu con số ấy có gợi lên cho các tân cử nhân tương lai một điều gì trăn trở? 3 năm, 4 năm hay 5 năm, thời gian ấy không dài, mà cũng chẳng ngắn. Nhưng để phí hoài công sức, tiền bạc, đánh đổi khoảng thời gian ấy, chỉ để mình thêm khôn lớn, chỉ để có thêm một bài học ở trường đời thì đừng nên, em ạ!
Linh Vy