Thứ ba, 22/7/2008, 13h43

40 năm chiến thắng ngã ba Đồng Lộc: Những người đứng sau huyền thoại Đồng Lộc

Mẹ Ý trong ngôi nhà của mình, ngôi nhà mà ngày xưa 6 trong 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã ởMười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), 10 đoá hoa bất tử đã ngã xuống để viết nên một ngã ba huyền thoại.

Đằng sau huyền thoại Đồng Lộc có 2 người đặc biệt, mẹ Hoàng Thị Ý - người đã từng nuôi dưỡng 6 trong 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc cho tới giây phút trước lúc hy sinh và một cựu quân nhân, là mối tình đầu của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần.

Ký ức 40 năm của mẹ

Băng qua những con đường khúc khuỷu trong một buổi trưa bỏng rát nắng và gió Lào, chúng tôi tìm đến căn nhà của mẹ Ý (Xuân Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Căn nhà loang lổ, xiêu vẹo, rêu phong phủ đầy.

Khi chúng tôi nhắc đến 10 cô gái TNXP, mẹ rơm rớm nước mắt. Dường như, những hồi ức về 10 cô gái đã ngã xuống nơi ngã ba huyền thoại vẫn còn vẹn nguyên trong mẹ. Thi thoảng, mẹ lại lấy vạt áo lau những giọt nước mắt trào ra trên khuôn mặt in dấu chân chim.

Đã 78 tuổi, nhưng trong ký ức của mình, mẹ Ý không bao giờ quên được quãng thời gian mà 6 trong 10 cô gái TNXP sống tại nhà mình. Mẹ còn nhớ như in cái ngày các cô ngã xuống: “Chiều 24/7/1968, máy bay Mỹ quần nát bầu trời Can Lộc. Các cô vội vàng lên đường. Vừa đi được một lúc, o Cúc quên cái cáng nên quay về lấy. Tính tui hay kiêng nên bảo với o Cúc: “Quên gì chứ quên cáng là điềm xấu đó, o ở nhà, đừng đi nữa, mệ thấy lo lo o ạ”. Gạt vội mồ hôi, o Cúc cười tươi: “Không được mệ à, thủ trưởng đã có lệnh là phải san đường để kịp cho xe qua. Con thà chết chứ không thể ở nhà được”. Dứt lời, nó vụt lao ra và mất hút sau luỹ tre.

Tui vừa thổi cơm xong, chờ các o về ăn thì bỗng có một tốp người chạy đến, họ vội lấy 9 cái chiếu rồi lao nhanh ra ngoài. Linh tính báo cho tui có chuyện chẳng lành xảy ra với các o nên tui chạy nhanh ra nơi Mỹ vừa thả bom. Tui như không tin vào tai mình nữa khi nghe tin 10 o đã bị bom Mỹ vùi chôn”.

Mẹ quay trở về nhà. Nồi cơm mẹ thổi chờ các chị về ăn đã nguội lạnh. 6 chiếc phản mà các chị thường hay nằm giờ vắng tanh. Mẹ xếp vội những bộ quần áo mà các cô vẫn thường mặc cho vào ba lô. Rồi mẹ khóc khản giọng gọi tên từng cô: “Tần ơi, Cúc ơi, Thanh ơi, Hà ơi, Rạng ơi, Hợi ơi. Sao các con không về ăn cơm với mệ. Hôm nay, mệ đi chợ về, có mấy con cá kho để dành cho các con, mệ mua thêm mấy chùm bồ kết cho các con gội đầu nữa…”.

Ông Nguyễn Văn Hồng, người yêu của Tiểu đội trưởng TNXP Võ Thị Tần năm xưaMấy ngày sau đó, mẹ Ý không đêm nào chợp mắt. Thi thoảng, trong cơn mơ, mẹ lại thầm gọi tên 6 cô gái TNXP mà mẹ xem như những đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Rồi mẹ dậy, mẹ đi đến những tấm phản mà các cô vẫn thường nằm và quờ quạng. Tất cả đều vắng tanh, không còn những tiếng cười đùa, không còn những tiếng hát của những nữ TNXP ngày nào.

Mẹ đã có 6 tháng chung sống với 6 thanh niên xung phong hy sinh nơi ngã ba Đồng Lộc. Đến bây giờ, mặc dù đã 40 năm nhưng mẹ vẫn còn nhớ như in: “Trong 6 o, tui thương nhất là o Cúc. Ngay từ những ngày đầu, lúc nào tui cũng thấy Cúc buồn và thui thủi một mình. Gặng hỏi, tui mới biết bố mẹ o Cúc đã mất”.

Mẹ kể: “Cứ mỗi khi đi làm về, các o đã hát râm ran từ ngoài ngõ. Tất cả cười đùa rồi chạy thẳng vào bếp. O Hà lúc nào cũng nhanh miệng nhất: “Hôm nay mệ có gì không, cho chúng con ăn với”. Tui chỉ ra giếng nước và nói: “Các o cứ gội đầu đi đã, rồi vô đây mệ dọn cơm cho mà ăn”. O Hà vừa múc nước, vừa gội đầu vừa luôn miệng hát. Mà o hát hay lắm. Có lần tui trêu: “O Hà mà hát hay thế này, chắc sau này phải lấy anh văn công thôi”. Nghe đến đây, cả 6 đứa cùng cười ồ lên rồi chọc ghẹo o Hà cho đến khi mâm cơm dọn ra”.

Mẹ Ý vẫn còn nhớ như in về cô Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần. Mẹ đọc cho chúng tôi nghe bức thư mà chị Tần gửi cho mẹ trước lúc hy sinh 5 ngày: “Mẹ ơi, ở đây đông vui lắm mẹ. Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển ca núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con. Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này”.

Mẹ bảo, cứ hễ rảnh rỗi là o Tần lại ngồi viết thư. Lúc thì o viết thư cho mẹ, lúc thì viết thư cho người yêu. "Tui biết là o Tần đã có người yêu đang hành quân vào chiến trường, vì nhiều hôm, tui thấy o chắp tay để cầu trời phù hộ cho người yêu của o ấy".

4h chiều ngày 24/7/1968, máy bay Mỹ điên cuồng ném bom xối xả vào mảnh đất kiên cường này. 10 cô gái trong Tiểu đội TNXP anh hùng đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, để viết tiếp bản anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cũng sau cái ngày đó, mẹ Ý không bao giờ được nghe tiếng hát của các nữ TNXP mỗi khi đi làm về. Nồi cơm mẹ nấu vội để các cô về ăn cho đỡ đói, nắm bồ kết mẹ mua về còn nguyên. Tiếng hát của cô Hà, vẻ mặt nghiêm nghị của Tiểu đội trưởng Tần cùng những ước mơ cháy bỏng về hạnh phúc của một gia đình… của các cô giờ chỉ là hoài niệm. Và sau 40 năm qua, mẹ Ý vẫn nhớ như in...

"Gia tài" lọn tóc thề...

Ít ai biết rằng, trước lúc hy sinh, chị Võ Thị Tần đã có một mối tình rất đẹp với người lính cùng làng - anh Nguyễn Đức Hồng. Đêm trước lúc chia tay tiễn anh Hồng vào chiến trường miền Nam, chị Tần đã cắt một lọn tóc thề đưa cho anh cùng một tấm ảnh nhỏ với lời nhắn: “Anh hãy giữ lấy coi như là kỷ vật của tình yêu chúng mình. Anh đi nhớ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hòa bình lập lại, chúng mình sẽ nên duyên vợ chồng”.

Bàn thờ chị Võ Thị Tần trong nhà ông HồngAnh Hồng không bao giờ quên những kỷ niệm với cô thanh niên xung phong anh dũng Võ Thị Tần. Ngày đó, bố mẹ anh đã mang trầu cau sang dạm ngõ. Chưa kịp tổ chức đám cưới thì đầu năm 1964, anh được lệnh nhập ngũ. Phút chia tay bịn rịn, anh chỉ kịp nói với người vợ chưa cưới một câu rằng: “Anh đi vì Tổ quốc, em ở nhà nhớ chăm lo vẹn toàn công việc hai gia đình và nhiệm vụ mà đất nước giao phó. Anh đi dù có khó khăn mấy cũng sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược”.

Kể từ đó, anh luôn mang theo “báu vật” đó bên mình. Sau những trận đánh ác liệt, anh lại đưa lọn tóc của chị Tần ra ngắm nghía. Lời nhắn nhủ và hy vọng về một tình yêu thuỷ chung son sắt của chị Tần như tiếp thêm sức mạnh cho anh mỗi lúc vào trận đánh lớn.

Năm 1965, trước khi bước vào chiến trường Quảng Trị máu lửa, anh buộc phải chôn lọn tóc cùng tấm ảnh của chị ở đất Vĩnh Linh (Quảng Trị). Bỏ 2 “báu vật” vào ống pháo sáng, anh nói như đang nói với Tần: “Anh sợ chiến tranh, bom đạn sẽ làm cháy mất những kỷ vật này. Với anh, chúng còn quý hơn cả mạng sống bản thân mình. Vì vậy, anh đem chôn chúng xuống đây. Sau này, nếu anh còn sống thì sẽ quay trở lại và tìm lại chúng”.

Bẵng đi một thời gian mất liên lạc, anh mới nhận được hung tin: Chị Tần đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Anh ngã quỵ xuống như không tin vào tai mình nữa. Cầm tấm ảnh của chị Tần và lọn tóc thề ngày xưa, anh nghẹn ngào: “Sao em không chờ đến ngày giải phóng, không chờ anh về để tổ chức đám cưới. Giờ bố mẹ 2 bên đã già yếu lấy ai chăm sóc hả Tần?”.

Một bàn thờ được lập nghiêm trang trong nhà anh Hồng cùng với di ảnh của cô thanh niên xung phong Võ Thị Tần khi anh trở về quê hương. Với anh, tuy chưa cưới nhau nhưng chị Tần như đã là vợ. Với bố mẹ anh, chị Tần đã là con dâu kể từ khi anh bước vào chiến trường.

Kể từ ngày chị Tần hy sinh đến nay, mọi công việc trong gia đình chị Tần, anh Hồng đều xắn tay vào gánh vác. Với anh, đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ.

Vì thương nhớ chị Tần nên anh Hồng không chịu lấy vợ. Mãi sau này, đích thân bố mẹ chị Tần đi hỏi vợ cho anh thì anh mới chịu. Ngày cưới, anh nói với vợ mình: “Lẽ ra, chị Tần mới là vợ của anh, nhưng, vì đất nước, chị đã ngã xuống. Em phải xem chị ấy như một người chị gái của mình. Trong nhà, ngoài bàn thờ tổ tiên, chúng ta còn phải thờ cả chị ấy nữa. Với anh, Tần không bao giờ chết”.

Hoàng Sang – Hà Vy (vietnamnet.vn)