Thứ tư, 10/12/2014, 07h12

Bán hàng tình nguyện vì nông sản Việt Nam

Các tình nguyện viên mời khách hàng dùng thử sản phẩm bánh do nhóm tự làm
Những tấm băng rôn in dòng chữ “Không chỉ là rau quả, đó là sự sẻ chia”, “Mua cà chua ủng hộ nông dân”…, kèm theo đó là hình ảnh trái cà chua bị thối rữa phải đổ bỏ khiến người đi đường không khỏi chạnh lòng, mua ủng hộ vài ký cà chua hay bịch nấm mèo…
Đó là hình ảnh quen thuộc đã xuất hiện gần 2 tháng nay trên đường Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM), Trần Quang Khải (Q.1) và đường Bàu Cát (Q.Tân Bình) vào những ngày chủ nhật.
Đội bán hàng năng động
“Cô mua gì ạ?”, “Chú mua cà chua Đà Lạt ủng hộ nông dân đi chú”, “Chị lấy mấy ký cà chua?”…, đó là những câu “liền miệng” của nhóm bán hàng tình nguyện tại đường Bàn Cờ. Dù ở ngay bên hông chợ Vườn Chuối nhưng “cửa hàng” luôn tấp nập người ghé qua. Điều khiến các “thượng đế” quan tâm, thích thú và đồng ý mua hàng không chỉ bởi giá thành hợp lý, tươi ngon mà còn bởi thái độ niềm nở, ân cần phục vụ của các bạn trẻ. Cụ thể, khi có khách hỏi mua cà chua thì sẽ có bạn hỏi kỹ: “Bác mua trái chín hay gần chín?”, hay khi khách mua nấm mèo sẽ được giải thích rõ nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn cách bảo quản và nếu cần sẽ hướng dẫn luôn cả cách chế biến sao cho hiệu quả nhất.
Các mặt hàng nông sản bị “dội chợ”, bị ép giá sau khi các bạn trẻ tìm hiểu, thẩm định về chất lượng sẽ được trả một mức giá cao gấp nhiều lần so với giá thành thực tế.
Vừa thoăn thoắt lựa cà chua, bạn Phạm Khoa - trưởng nhóm bán hàng khu vực này - vừa hồ hởi giới thiệu các mặt hàng của “phiên chợ”: Cà chua Đà Lạt, nấm mèo Bảo Lộc, giấm vải Bắc Giang, nước ép thanh long Phan Thiết. Chỉ vào bịch nấm mèo, Khoa giải thích: “Nấm mèo này là sản phẩm của một nông dân ở Lâm Đồng, trước bán cho thương lái Trung Quốc nhưng từ khi tình hình trên biển Đông căng thẳng thì tồn hơn 1 tấn không biết bán đâu cho hết. Các mặt hàng ở đây nếu không là hàng nông sản bị ép giá, ế ẩm thì cũng là sản phẩm được sản xuất từ các loại nông sản bị tồn đọng”. Quả thực, có tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng được bày bán ở đây mới thấy công sức lao động của người nông dân và sự mày mò sáng tạo của những người chế biến đã được các bạn trẻ trân trọng như thế nào. Cụ thể, mặt hàng giấm vải là thành phẩm được chế biến bởi giáo viên dạy môn sinh học một trường THCS ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Từ thực trạng trái vải bị đổ đống bên đường, người trồng vải phải khóc ròng dù được mùa đã khiến giáo viên này nảy sinh ra ý định dùng nước ép vải hòa cùng với mật ong, ủ lên men để tạo thành giấm. Hay nước ép thanh long là sản phẩm khởi nghiệp được ra đời từ thực trạng thanh long xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua Trung Quốc không ổn định…
Tại điểm bán hàng trên đường Bàu Cát (Q.Tân Bình) cũng tấp nập người ghé qua. Đây là điểm bán hàng “sinh sau đẻ muộn” nên các bạn tình nguyện cũng phải tích cực bày ra nhiều “chiêu trò” để thu hút sự quan tâm của mọi người. Sau khi cân xong cho khách 2 lạng nấm mèo, bạn Ngọc Minh (29 tuổi) hồ hởi giới thiệu luôn: “Cô ơi, tụi con có bánh bông lan tự làm nè, cô ăn thử nhé!”. Khách từ chối với lý do bị bệnh tiểu đường, Minh “tấn công” tiếp: “Cô bị bệnh ạ? Vậy để con giới thiệu cho cô loại trà thảo dược này hỗ trợ cho người bị bệnh tiểu đường tốt lắm nè. Trà này là do một bạn ở vùng Tây Nguyên mới gửi xuống, không có chất bảo quản, dễ uống lắm ạ!”. Lời mời nhiệt tình của Minh lập tức thu hút nhiều người khách hỏi thăm, mua về dùng thử.
Tình nguyện cũng phải có… chiến lược

Khách mua hàng được các tình nguyện viên săn đón nhiệt tình, niềm nở
Dù mọi hoạt động mua bán tại 3 khu vực đều tuân theo nguyên tắc tự nguyện, nhưng trước mỗi “phiên chợ”, các tình nguyện viên cũng tổ chức tập huấn về phương pháp bán hàng. Bạn Nguyễn Vũ - trưởng nhóm bán hàng tại khu vực đường Trần Quang Khải (Q.1) - cho biết nhóm có khoảng 80 bạn phụ trách bán hàng, vận chuyển hàng tới các khu vực nội thành TP.HCM. Hai ngày trước khi triển khai, nhóm sẽ thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp bán hàng, thống nhất giá cả để cân đối các khoản thu chi. Đồng thời, các tình nguyện viên cũng thông báo rộng rãi trên mạng xã hội về thông tin, nguồn gốc, quy trình vận chuyển các mặt hàng, trong đó nhấn mạnh vào mục đích “mua nông sản để ủng hộ nông dân Việt Nam” để nhiều người cùng biết đến.
“Chính sự cộng hưởng nhịp nhàng giữa các tình nguyện viên cùng cách bán hàng khéo léo nên “phiên chợ” nào cũng đông người ghé mua. Với các tiêu chí “không bỏ sót khách hàng”, “mỗi khách hàng ghé qua đều mua ít nhất một sản phẩm”, chỉ sau một thời gian ngắn các tình nguyện viên đã tích lũy kha khá kinh nghiệm để thu hút sự quan tâm của mọi khách hàng. Các tình nguyện viên ở đây đều là những người trẻ, trong đó có không ít bạn đã đi làm nên rất nhiệt tình và không ngại vất vả. Có bạn đi bán hàng tình nguyện còn dẫn theo cả người yêu, người thân đến hỗ trợ cùng”, Vũ chia sẻ.
Điều đáng nói là hoạt động này không chỉ là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần trong xã hội. “Có hôm hàng chưa về đã có một chị là Việt kiều ở Mỹ đặt mua 2 tấn cà chua rồi nhờ nhóm chuyển cho 15 bếp ăn từ thiện trên địa bàn thành phố. Có anh chạy xe hơi tới mua 100 ký cà chua, còn lấy xe chở hàng giùm cho các tình nguyện viên nữa. 3 điểm bán hàng tuần nào cũng có khách quen ghé mua với số lượng lớn để về làm quà cho người thân trong gia đình”, Vũ cho biết thêm.
Bài, ảnh: Linh Vy
Quỹ “hành bổng” dành cho thanh niên khởi nghiệp
Lợi nhuận thu được từ hoạt động bán hàng tình nguyện (dù không nhiều) sẽ được đưa vào quỹ “hành bổng” - quỹ này dành cho thanh niên khởi nghiệp từ chính ngành học mà các bạn được đào tạo hoặc đứng ra phát triển đặc sản địa phương, khôi phục làng nghề truyền thống với tiêu chí “sản xuất ra sản phẩm cụ thể và giải quyết lao động cho người dân địa phương”. Sau TP.HCM, đội bán hàng tình nguyện cũng đã mở rộng ra Hà Nội và Đà Nẵng nhằm giải quyết sự khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm nông sản trong cả nước.