Thứ năm, 11/9/2014, 22h09

Chàng cử nhân của núi rừng

K’Vâng diễn giải về văn hóa dân tộc Kơ Ho cho du khách
Nhanh nhẹn, vui tính, am hiểu và rất yêu núi rừng - đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trò chuyện với K’Vâng, chàng cử nhân người dân tộc Kơ Ho, trong chuyến tham quan Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà trên cao nguyên Lâm Viên hùng vĩ…
Suốt chuyến đi (gần 4km), có lúc vượt qua khu rừng thông hàng trăm năm tuổi bạt ngàn, rồi len lỏi qua rừng cây lá tạp, rừng lá kim hay lội qua con suối bằng lối đi hẹp, cheo leo, ẩm ướt đầy lá mục, gai rừng (nhiều muỗi, ruồi vàng, vắt…) của vùng rừng nguyên sinh để đưa du khách tham quan thác Thiên Thai, K’Vâng thoăn thoắt như con sóc không biết mệt. Vừa đi, K’Vâng vừa hướng dẫn và giải thích cho mọi người biết tên từng loại cây rừng và khả năng sinh trưởng, giá trị ứng dụng của chúng; từng loại rau rừng ăn được, các loại cây dùng làm thuốc nhuộm vải hay các loại cây dược liệu quý (có cả các loại cây độc)…  như thể anh là một nhà động, thực vật học.
Sinh ra ở rừng
Trong suốt chuyến đi tham quan VQG Bidoup - Núi Bà, nhiều người trong đoàn cứ hỏi: “Sao K’Vâng rành mọi thứ ở VQG này đến vậy?”. Từ đó câu chuyện về chàng cử nhân tiếng Anh sinh ra ở rừng và gắn bó với núi rừng Tây Nguyên như hơi thở, máu thịt đã được chia sẻ…
Dừng chân giữa lưng chừng núi, K’Vâng kể chúng tôi nghe về gia đình, việc học hành và chọn nghề nghiệp của mình bằng cách nói chuyện hóm hỉnh (hiếm thấy ở người đồng bào dân tộc thiểu số). Trong cơ thể K’Vâng có hai dòng máu như là sự hòa quyện của hai dòng sông hùng vĩ nhất ở Tây Nguyên: Đó là sông Đồng Nai (khởi nguồn từ Lâm Đồng xuôi về biển Đông) và sông Sêrêpôk (hình thành và chảy qua tỉnh Đắk Lắk). Sở dĩ có cách nói hóm hỉnh vậy vì mẹ K’Vâng là người Kơ Ho (đang sống tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), còn cha là người dân tộc Ê Đê (ở tỉnh Đắk Lắk). Hai dòng máu Kơ Ho - Ê Đê “hợp lưu” trên cao nguyên Lâm Viên…
Chàng cử nhân tuổi đời 37 mùa rẫy cho biết, dù phải thường xuyên xa nhà (mỗi tháng, K’Vâng có 1/2 số ngày ăn, ngủ với… núi rừng) và với mức thu nhập còn khiêm tốn (chừng 5 triệu đồng/tháng), nhưng K’Vâng vẫn thấy rất hạnh phúc bởi anh được sinh ra ở rừng, yêu núi rừng và bây giờ đang từng ngày trả nợ… núi rừng quê hương!
Dù kinh tế gia đình khó khăn, nhưng từ nhỏ, K’Vâng rất ham học, yêu thích tìm hiểu, khám phá và sớm có ý thức tự lập. Tốt nghiệp THPT năm 1999, K’Vâng thi đậu vào Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Đà Lạt và chọn học ngành tiếng Anh. K’Vâng cho biết, văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung, của người Kơ Ho và Ê Đê nói riêng rất phong phú, phải được bảo tồn và phát triển. Muốn vậy chính con em các dân tộc Việt Nam phải là người trực tiếp tham gia gìn giữ, giới thiệu, quảng bá đến với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Và lý do chọn học ngành tiếng Anh của K’Vâng là để có kiến thức ngoại ngữ khá mới tiếp xúc được với người nước ngoài; thông qua du lịch để phát triển văn hóa Việt, trong đó có văn hóa đặc trưng riêng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Hơn 4 năm đèn sách, năm 2003 K’Vâng tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân tiếng Anh. Đối với trí thức là người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm trong các cơ quan, doanh nghiệp…; song, K’Vâng lại quyết tâm theo đuổi ngành du lịch và chọn núi rừng quê hương để gắn bó đời mình. Bởi một lẽ đơn giản là anh rất yêu núi rừng!
Trả nợ… núi rừng

K’Vâng giải thích cho mọi người biết tên từng loại cây rừng
Theo chế độ mẫu hệ của người Kơ Ho, nên sau khi lấy vợ (năm 2003) K’Vâng phải về ở nhà vợ tại xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Vợ anh cũng là một người con gái Kơ Ho xinh đẹp, có kiến thức, giỏi giang hiện công tác tại Đài Truyền thanh huyện Lạc Dương (biên dịch tiếng dân tộc, kiêm phát thanh viên tiếng dân tộc Kơ Ho của đài). Trước khi chuyển về công tác ở VQG Bidoup - Núi Bà, K’Vâng đã có 8 năm làm việc tại Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng (hiện nay thuộc VQG này).
Vốn có kiến thức ngoại ngữ, cùng với đức tính chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu và nhiều năm sống, làm việc gần gũi với núi rừng, nên từng cành cây, ngọn cỏ, từng con suối xuyên qua mỗi cánh rừng K’Vâng am hiểu tường tận. Khi VQG Bidoup - Núi Bà đi vào hoạt động, K’Vâng xin chuyển về đây công tác.
Chưa đầy 4 năm công tác (từ năm 2011 đến nay) và sau khi được gửi sang Nhật tập huấn nghiệp vụ, K’Vâng đã được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ diễn giải môi trường của Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, thuộc VQG Bidoup - Núi Bà. Tổ của K’Vâng có hơn 20 thành viên chủ yếu là người dân tộc địa phương có kiến thức, kỹ năng tham gia làm hướng dẫn viên du lịch và diễn giải môi trường.
Công việc của K’Vâng và các thành viên trong tổ không gọi là “Hướng dẫn viên du lịch” mà thường được gọi là “Diễn giải môi trường”. Đây chính là sự khác biệt so với các loại hình du lịch khác trong hoạt động du lịch sinh thái của VQG Bidoup - Núi Bà, bởi ngoài vai trò hướng dẫn du khách tham quan, các “diễn giải viên” này còn giới thiệu, phân tích, diễn giải… để du khách biết và trải nghiệm trong thế giới tự nhiên vốn ẩn chứa nhiều điều thú vị đối với con người. Muốn làm được điều này, đòi hỏi người “Diễn giải môi trường” ngoài kỹ năng của một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, cần phải có kinh nghiệm, kiến thức rộng về sinh học, môi trường, phong tục tập quán và văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc bản địa. “K’Vâng là người bản địa, rất yêu núi rừng, am hiểu phong tục truyền thống, lại giỏi ngoại ngữ (kể cả 2 thứ tiếng dân tộc Kơ Ho, Ê Đê) nên được nhiều du khách yêu mến”, ông Lương Nguyên Minh, Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường VQG Bidoup - Núi Bà, nhận xét về chàng cử nhân đa năng này...
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Am hiểu, chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc
Đêm về, K’Vâng còn dẫn dắt du khách “lạc” vào những giai điệu cuồn cuộn như thác nguồn của đại ngàn Tây Nguyên trong chương trình văn hóa cồng chiêng do các đội cồng chiêng của người bản địa biểu diễn. K’Vâng am hiểu và chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc; qua đó dẫn giải cho du khách hiểu biết về các điệu múa cồng chiêng, các lễ hội đa sắc màu của đồng bào dân tộc…