Thứ năm, 30/10/2014, 21h10

Dụ HSSV bán hàng đa cấp

Một buổi hội thảo về bán hàng đa cấp của cơ quan chức năng
Cảnh giác với nhiều công ty bán hàng đa cấp chuyên dụ dỗ người nhẹ dạ là câu chuyện không mới nhưng mở chiến lược săn “con mồi” tương lai từ ghế nhà trường  thì quả là chiêu “độc” của các công ty này.
Dụ dỗ HSSV ký hợp đồng 
Khánh K. (SV Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) cho biết: “Trước tình hình bọn bán hàng đa cấp ngày càng tinh vi, quỷ quyệt, vừa qua Đoàn trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã phát động phong trào, đưa luôn vào qui chế cảnh giác lừa đảo bán hàng đa cấp trong SV, nhất là các tân SV khá rầm rộ. Nếu Đoàn các trường đều có những hoạt động thường xuyên như thế, hi vọng bọn này không còn đất sống, trả lại môi trường học tập yên bình cho SV”.
Cay đắng vì bị bọn bán hàng đa cấp dụ dỗ “tiền mất tật mang”, nhiều nạn nhân là HSSV đã tạo khá nhiều trang facebook kêu gọi bạn bè cảnh giác với các công ty đa cấp lừa đảo kiểu như Công ty HKTG thu hút trên 3.000 like và vô số comment chia sẻ, tố cáo đã dính quả lừa của công ty này như thế nào.
Trên facebook  Cảnh giác Công ty HKTG có đăng một bài viết của một nữ sinh kêu cứu vì bị lừa ký hợp đồng khi chưa đủ 18 tuổi. Chúng tôi xin trích đăng: “Mọi người ơi giúp mình với. Tình hình của em là như thế này, ngày 9-8-2014, em bị lừa ký hợp đồng với Công ty HKTG mà trước đó em không hề biết đó là công ty đa cấp vì họ không nói và em cũng không biết công ty đa cấp là như thế nào. Khi ký hợp đồng em chưa đủ 18 tuổi, em không có chứng minh nhân dân... Số tiền mà em đã đưa cho họ là 2,7 triệu đồng (đây là số tiền của mẹ em và họ đã bày cho em cách nói dối với mẹ để có số tiền đó). Bây giờ em day dứt và xấu hổ vì đã nói dối mẹ như vậy. Em hi vọng hủy hợp đồng và lấy lại số tiền đã bị gạt. Mọi người có chửi em là ngu cũng được, em rất hoang mang và không dám nhìn mặt mẹ… Giúp em với”.
Chia sẻ với em nữ sinh tội nghiệp này, rất nhiều bạn trẻ cho biết hiện tại “ổ” làm ăn của bọn bán hàng đa cấp này xuất hiện đầy rẫy xung quanh các trường ĐH, nhiều nhất là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Danh D. (SV năm nhất Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết: “Nhóm tụi em khi nghe nói có lớp rèn luyện kỹ năng miễn phí cũng thích nên đến tham gia, không dè bị chúng ép đưa vào tròng ký hợp đồng, móc sạch tiền mua sản phẩm là đồng hồ đeo tay với giá gần 3 triệu đồng và tham gia bán hàng đa cấp với họ. Bây giờ tụi em rất đau khổ, hoang mang không những mất tiền mà còn bị chúng hù dọa bồi thường hợp đồng…”. D. còn tiết lộ thêm:  Các buổi “rèn luyện kỹ năng” ấy diễn ra thường xuyên, tập trung toàn SV năm nhất, năm 2 và không ít bạn còn khoác áo học sinh THPT.  
“Chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp” đáng sợ
Trước sự cạnh tranh quyết liệt giữa rất nhiều công ty đa cấp với nhau tại các điểm có đông bạn trẻ, chiếc vòi bạch tuộc của chúng bắt đầu lan tới tận các trường THPT, mà chủ yếu là các tỉnh xa thành phố.
Thanh T. (SV năm 1 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) kể: Hồi em còn học ở Tây Ninh, cuối năm lớp 12 có lần một nhóm người xuống trường giới thiệu là SV đang học ở các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM về tư vấn tuyển sinh và giúp đỡ HS của trường hướng nghiệp chọn nghề tương lai. Sau buổi gặp đó, các anh chị có xin số điện thoại của em và nhiều bạn khác với lý do để sau này có điều kiện giúp đỡ các tân SV nhà nghèo hiếu học. Khi đó tụi em đứa nào cũng cảm thấy rất ấm áp vì các anh chị đi trước quá tốt bụng. Khi em thi đậu ĐH và lên TP.HCM, bất ngờ em nhận được điện thoại của một anh tên K. trong nhóm tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp khi trước. Ảnh hay ghé nhà trọ hoặc trường để gặp gỡ và trò chuyện khiến em rất mừng vì đã gặp người anh tốt bụng cho đến ngày ảnh hướng dẫn em kinh doanh có thu nhập chi tiêu hàng tháng bằng cách mua các mặt hàng như đồng hồ, vòng đeo tay trị bệnh… rồi thuyết phục người khác bán lại. Vì em không có tiền nên ảnh kêu đi vay người bà con xa đang ở quận Bình Thạnh. Khi em hào hứng kể lại ý tưởng làm giàu thì người chị họ đang là SV năm 4 gào lên báo động em đã dính bẫy bọn lừa đảo. Chị cho biết, trước đây bạn bè của chị có người đã dính bẫy đa cấp, không chỉ “tiền mất tật mang” mà còn bỏ học, bỏ nhà theo bọn chúng theo kiểu “bầy đàn” bất chấp lời khuyên răn của bạn bè và gia đình.
Tỉnh người ra, T. vẫn thấy mình còn may mắn bởi nhờ người chị họ “cứu” kịp thời, nếu không đã “té hố”. Tuy nhiên, T. cho biết nhiều bạn học cùng lớp đã “sụp” vì chiếc bẫy đa cấp giăng ra ngày càng quá tinh vi.
Có thể nói lừa đảo bán hàng đa cấp là câu chuyện không mới nhưng thủ đoạn của chúng ngày càng mới và thâm hiểm. Mong tất cả mọi người hãy cảnh giác.
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Chính phủ đã ban hành nghị định 110 ngày 24-8-2005 để quản lý về bán hàng đa cấp. Luật cho phép về bán hàng đa cấp, nhưng cấm bán hàng đa cấp bất chính. Theo điều 48 Luật Cạnh tranh, cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
- Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp (một số công ty lách luật bằng cách yêu cầu người tham gia ký vào đơn tự nguyện mua sản phẩm, tuy nhiên, dù là thế nào, phải mua sản phẩm để được tham gia đều là bất hợp pháp).
- Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
- Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.