Thứ năm, 27/11/2014, 22h11

Đứa con của núi

Hồ Ngởi (phải) cùng Hồ Xước bàn cách dựng phim 3D về mô hình nhà dài truyền thống
Ở bản A Mor thuộc xã A Xing (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có một giáo sinh sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm không chọn con đường đứng trên bục giảng mà lại rong ruổi khắp các bản làng sưu tầm tư liệu văn hóa truyền thống của đồng bào Pako, rồi dựng thành những thước phim tư liệu… Anh tên Hồ Tu Pông Ngởi, một chàng trai người Pako tuổi 22.
Trời chập choạng tối. Mưa phùn lất phất bay khiến cho cái rét miền núi cao càng thêm buốt. Người dân sau ngày lên rẫy đã kịp trở về bên bếp lửa và ít ai ra ngoài vào giờ ấy ở các bản làng heo hút trên dãy Trường Sơn. Riêng Hồ Tu PôngNgởi (gọi tắt là Hồ Ngởi - PV) vác ba lô sau lưng, bấm những bước chân thật chắc xuống mặt đường trơn tuột gõ cửa từng nhà các già làng…
Ngược về nguồn cội
“Bố ơi, có nhà không?”, Hồ Ngởi vừa dứt tiếng gọi, cánh cửa liếp của ngôi nhà sàn trước mặt liền mở ra. Già Hồ Bồi (75 tuổi) vui mừng nói: “Thằng Ngởi lại đến đấy à. Hôm nay mày lại muốn tìm hiểu về truyền thống gì của đồng bào Pako?”. Nói rồi, già Hồ Bồi ngồi xuống, bỏ thêm mấy thanh củi vào chum cho ngọn lửa đượm để Hồ Ngởi tiện ghi chép lời ông kể vào sổ tay.
Những câu chuyện truyền thuyết, các nếp văn hóa truyền thống của đồng bào Pako qua lời kể của già Hồ Bồi cứ tuôn chảy. Càng về khuya, câu chuyện càng đậm. Một già, một trẻ có cùng khát vọng giữ gìn nếp văn hóa truyền thống dân tộc mình.
"Để làm được một clip tuyên truyền theo từng chủ đề, tôi phải mất hàng tháng trời suy nghĩ, lựa chọn hình ảnh rồi cắt hình, lồng nhạc dựng thành phim”, Hồ Ngởi nói.
Nhiệt huyết muốn giữ gìn nếp văn hóa truyền thống của đồng bào Pako hình thành khi Hồ Ngởi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Ngày đó, cách nay vài năm, khi nhìn đám bạn cùng trang lứa suốt ngày đốt thời gian trong tiếng nhạc xập xình trong khi các lễ hội truyền thống, tiếng khèn, tiếng chiêng của bản dần mai một, Hồ Ngởi đau đáu nỗi niềm làm thế nào để lưu giữ những nếp văn hóa mà cha ông đã dày công gầy dựng. Nghĩ thế nhưng mãi khi rời giảng đường ĐH, Hồ Ngởi mới bộc bạch ấp ủ bấy lâu với cha mẹ và được ông bà gật đầu đồng ý. Từ đó, không kể ngày mưa hay nắng, cứ khi màn đêm xuống bản là Hồ Ngởi lại vác ba lô lên vai, gõ cửa nhà từng già làng, trưởng bản, những nghệ nhân… để hỏi han và ghi chép cẩn thận những câu chuyện mà họ kể. Đêm, khi mọi người say giấc, Hồ Ngởi lại lọ mọ thắp chiếc đèn dầu ngồi đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm từng câu chuyện đã nghe được rồi suy nghĩ cách tuyên truyền đến các bạn trẻ. Quá trình ấy, anh còn nảy ra ý tưởng, phải làm thế nào để thay đổi nhận thức của bà con, nhất là các bạn trẻ trong việc giữ gìn vệ sinh, ăn chín, uống sạch, sống xanh để tiến kịp với thời đại. Sau những bản ghi chép, sau nhiều đêm thao thức, Hồ Ngởi đã bật ra ý tưởng: Phải giữ gìn bằng những hình ảnh sống động nhất, và chỉ có cách làm cho bà con tận mắt thấy, tận tai nghe mới hiệu quả…
Những thước phim thay đổi nhận thức

Hồ Ngởi gặp già Hồ Bồi để tìm hiểu về truyền thống của người Pako
Từ lý thuyết, để làm những thước phim minh họa chân thật không phải là điều dễ. Với vốn kiến thức tin học ít ỏi được học trên ghế giảng đường, Hồ Ngởi bắt đầu mày mò tìm cách làm thử. Ban đầu anh lang thang đến các con sông, dòng suối, nơi bà con và trẻ em hay tập trung để lấy nước sinh hoạt. Anh dùng điện thoại để quay lại rồi về nghĩ cách dựng lên các clip phim tuyên truyền về lối sống sạch. Nói thì dễ nhưng để có được một cái clip hoàn chỉnh không phải dễ vì phim phải sống động mới thu hút được người xem. Thế là anh về nhà xin cha mẹ tiền để mua một chiếc máy tính. Nhưng do tiền ít, máy tính không đủ cấu hình chạy video nên nhiều đêm anh toát cả mồ hôi mới dựng được một đoạn. “Cũng may, nhờ các anh chị ở Tổ chức Y tế Hà Lan hỗ trợ cho mượn chiếc máy tính và máy quay nên gần 1 năm trở lại đây công việc của tôi có phần thuận lợi hơn”, Hồ Ngởi chia sẻ.
Nhận thấy nhiệt huyết của Hồ Ngởi, Tổ chức Y tế Hà Lan còn tạo điều kiện hỗ trợ cho anh tham gia khóa học ngắn hạn về dựng phim 3D ở TP.HCM. Tính đến nay Hồ Ngởi đã dựng được khá nhiều phim có tính tuyên truyền về sống xanh như: Đôi dép cho em; Người khuyết tật với nước sạch; Phòng tránh giun móc ở trẻ…
Sau khi hoàn thành một tác phẩm, Hồ Ngởi tổ chức chiếu cho bà con dân bản trong xã xem kèm theo lời giới thiệu về mục đích phim muốn chuyển tải. Anh cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi số lượng người xem tác phẩm của mình ngày một đông. Có hôm, nghe tiếng loa phát ra từ nhà văn hóa cộng đồng, nhiều em học sinh chạy đến hỏi có phải tối nay phim anh Ngởi chiếu không? Mỗi lần như vậy, tôi vui lắm. Nhưng vui nhất là sau mỗi buổi chiếu phim về các chủ đề, bà con dần dần thay đổi hẳn nhận thức từ uống nước sạch, vệ sinh nhà cửa cho đến cho con em mang dép mỗi ngày”…
Đọc khát vọng trong đôi mắt của Hồ Ngởi, chúng tôi chợt nhận ra rằng, những biến động của thời gian và sự xâm nhập của nhiều thứ văn hóa không thể làm tàn lụi văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Pako trên đỉnh Trường Sơn này, một khi người Pako còn có những người con như Hồ Ngởi - đứa con của núi!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
Ấp ủ cho ngày mai
Đến nay gần chục tác phẩm ra đời đã góp phần thay đổi không nhỏ ý thức của người dân miền sơn cước này. Thế nhưng, với Hồ Ngởi, chừng ấy là chưa đủ. Anh còn ấp ủ khát vọng tái dựng các nghi lễ, nếp văn hóa đặc trưng của đồng bào Pako như các điệu khèn, chiêng, nhà dài truyền thống nhằm kêu gọi thế hệ trẻ chung tay giữ gìn trước bờ vực mai một.
Những ngày này, đồng hành cùng Hồ Ngởi có thêm người bạn Hồ Xước. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, hai anh cùng bàn bạc, phác thảo những bức hình để đưa lên dựng phim 3D. Những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào được hai anh tái hiện bằng hình ảnh, lồng vào đó là bố trí khuôn viên vườn tược một cách ngăn nắp tạo nên vẻ đẹp đặc trưng. Tuy nhiên, theo Hồ Ngởi, việc hoàn thành những thước phim về văn hóa truyền thống này không phải dễ, tốn nhiều thời gian, công sức, công cụ hỗ trợ và đòi hỏi trình độ dựng 3D cao trong khi nguồn kinh phí lại quá hạn hẹp. Cái khó nữa là sau khi hoàn thành lại phải tìm đến nhờ các già làng kiểm duyệt cho đúng chất truyền thống...