Chủ nhật, 13/4/2014, 10h04

Gian nan đường đến trường

Đường đến trường nhọc nhằn của thầy và trò Trường PTCS Trấm
Nằm cách thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) chưa đầy 15km tính theo đường chim bay nhưng Trường PTCS Trấm gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Học sinh và giáo viên muốn đến trường chỉ có cách thuê đò dọc từ bãi tràn (thuộc địa phận xã Hải Lệ) chạy ngược dòng Thạch Hãn suốt 4km để đến trường... Vào mùa mưa, việc đi đò dọc trên sông này rất nguy hiểm đến tính mạng, đã có trường hợp học sinh và giáo viên rơi xuống sông giữa mùa lũ…
“Đánh cược” tính mạng để tới trường
Dù mang tiếng là một thôn thuộc xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) - một xã có địa giới nằm sát quốc lộ 1A nhưng thôn Trấm và thôn Tân Xuân thuộc xã này không có đường đi. Muốn đi ra bên ngoài vào mùa nắng thì người dân men theo lối mòn độc đạo của triền sông Thạch Hãn. Mùa mưa chỉ có một phương tiện duy nhất đó là đi thuyền. Thầy cô giáo và học sinh muốn đến trường cũng chung cảnh gian nan ấy. Gần 40 năm kể từ ngày thành lập trường đồng nghĩa với việc từng ấy thời gian hàng chục thế hệ học sinh “đánh cược” tính mạng trên những con thuyền chồng chềnh giữa dòng nước dữ để tới trường.
Em Nguyễn Thùy Liên, học sinh lớp 9, cho biết: “Mùa mưa, tụi em gói sách vở trong ba lớp nilon rồi ôm chặt vào người. Tới được lớp học áo quần ướt sũng và lấm lem bùn, vất vả lắm”. Ngồi cạnh Liên, em Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm: “Mỗi mùa mưa lũ, nhìn dòng nước đục ngầu dâng cao cuồn cuộn em sợ lắm. Nhưng nếu không đi thuyền thì không còn cách nào khác để tới trường”. Đã có trường hợp học sinh và thầy giáo từng bị rơi xuống dòng nước dữ. “Một lần đang đi trên sông cách đây 3 năm, tan trường về được nửa đường thì một em học sinh bất ngờ té xuống sông. Lần khác, một anh đồng nghiệp ngồi bên mạn thuyền cũng bị té ra giữa dòng. Rất may những lần ấy người dân đều phát hiện và kịp thời lao ra cứu nên không có thiệt hại về người nhưng nghĩ lại những cảnh ấy ai cũng rùng mình”, cô Lê Thị Hương, giáo viên Trường PTCS Trấm, nhớ lại.
Cứ đến mùa mưa, hôm nào học 2 buổi là các em ngoài chiếc cặp bọc nilon kín mít còn xách thêm chiếc cặp lồng cơm hoặc gói mì tôm bỏ vào cặp. Cơm chỉ có một món ăn duy nhất là mắm cà, nhà nào khá hơn thì bới cho con vài miếng đậu khuôn.
Thầy Trần Đức Nam, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Toàn trường có 171 học sinh, trong đó có 86 học sinh tiểu học, còn lại là học sinh THCS thì có đến 40 em thuộc thôn Tân Xuân phải đi đò dọc đến trường trên khúc sông gần 4 cây số”. “Không còn cách nào khác để tới trường sao?”, chúng tôi hỏi. Thầy Nam chùng giọng: “Chỉ có đò dọc! Lối mòn độc đạo ven triền sông thì chỉ có thể đi vào mùa nắng. Mà tính ra cũng chỉ được đôi ba tuần, còn lại hễ trời mưa là đường ngập. Tuần trước đoàn thanh niên tình nguyện của huyện có vào giúp phát quang, sửa sang mặt đường nhưng chỉ được độ một cây số. Vả lại đoạn đường đó cũng chỉ đi được vào ngày nắng ráo”. 
“Năm ngoái, một tổ chức từ thiện hỗ trợ 40 cái áo phao, nhà trường dành cả cho học trò, còn thầy cô giáo lên đò ngồi không. Kinh phí sắm sửa còn khó khăn…”, thầy Nam nói thêm.
Hỏi về chuyện chạy thuyền dọc, ông Võ Sang, chủ thuyền, bảo: “Tui làm nghề mấy chục năm rồi. Hai vợ chồng đóng thuyền để bán. Thương các cháu thất học nên bàn nhau chạy chở giúp. Sông nước thất thường, nhất là khúc sông Thạch Hãn này lại nằm phía thượng nguồn nên hứng chịu nhiều sức nước đổ về rất mạnh từ các sông suối trên đại ngàn Trường Sơn. Mỗi ngày 4 lượt chạy thuyền là từng ấy lần thót tim. Đến lúc thuyền cập bến an toàn mới thở phào nhẹ nhõm”.
Trích lương thuê đò

Không có tiền đi thuyền, học trò phải bới cơm mang theo để ở lại trường buổi trưa
Chuyện đi đò đã khổ vậy. Chuyện kinh phí trang trải cho việc đi đò của học sinh và thầy cô giáo còn khổ hơn. Cứ đến mùa mưa, hôm nào học 2 buổi là các em ngoài chiếc cặp bọc nilon kín mít còn xách thêm chiếc cặp lồng cơm hoặc gói mì tôm bỏ vào cặp. Cơm chỉ có một món ăn duy nhất là mắm cà, nhà nào khá hơn thì bới cho con vài miếng đậu khuôn. Nhiều em bới luôn cả gói mì tôm cho tiện. Em Nguyễn Thị Kim Anh, học sinh lớp 8, cho biết: “Mỗi ngày hai lượt đi đò tốn hơn chục ngàn, nếu học cả ngày mà đi về 4 lượt thì cả tháng cộng lại quá nhiều tiền, bố mẹ không có để trang trải nên 3 giờ sáng em dậy chuẩn bị cơm nước, sách vở rồi ra bến đò tới trường và ở lại cho đến chiều mới về”.
Học trò vất vả ngày hai lượt tới trường, còn thầy cô giáo thì mỗi lần từ quê nhà lên là mang theo luôn cả tuần thức ăn. Thầy Nam cho biết: “Nhà trường có 24 cán bộ, giáo viên thuộc hai cấp. Trừ một giáo viên quê ở Trấm, còn lại 23 người quê ở tận thị xã Quảng Trị, trung tâm xã Triệu Thượng hoặc các nơi khác cách xa mấy chục cây số. Cuối tuần các thầy cô giáo về xuôi, đến sáng thứ hai lại lên trường. Thức ăn được mua dành cho cả tuần”. Cách đây một năm về trước khi trường chưa được các doanh nghiệp ở TP.HCM tặng chiếc tủ lạnh thì các thầy cô thay phiên nhau đi gửi thức ăn ở tủ đá của trường mầm non. Chắt chiu từng đồng lương dành cho việc chi tiêu sinh hoạt không đủ vì trường có đến 13 giáo viên hợp đồng. Thế nhưng mỗi năm học, mỗi thầy cô phải đóng 5.400.000 đồng tiền phí thuê thuyền (tính mỗi tuần đi và về 2 lượt). “Tính ra mỗi năm các thầy cô mất hơn 100 triệu đồng thuê thuyền đi dạy. Tất cả đều trích ra từ chính đồng lương còm cõi của nghề giáo”, thầy Nam nói.
“Trước đây trường cũng được hỗ trợ một chiếc thuyền. Cứ nửa đêm là các thầy cô hè nhau tát nước để sáng mai có thuyền đưa đón mọi người. Có thuyền nhưng không người bảo quản, chuyên chở nên bất cập lắm. Bây giờ thuyền hỏng rồi nên giáo viên đành thuê thuyền”, thầy Nam nói thêm. Cô Trần Lê Bảo Ngọc, giáo viên của trường, tâm tư: “Đướng sá đi lại khó khăn, mùa mưa ở lại khu tập thể buồn lắm, thức ăn chủ yếu là rau mua được quanh thôn xóm. Đôi khi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ lại nếu mình bỏ thì ai dạy các em. Thú thật trụ lại được nơi này có lẽ chỉ vì lòng yêu nghề, yêu trẻ thôi”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ước có con đường mòn
Khi chúng tôi hỏi: Trăn trở lớn nhất của trường hiện nay là gì?, thầy Trần Đức Nam, Hiệu trưởng Trường PTCS Trấm bảo, ước mơ lớn nhất của thầy trò chúng tôi là có một con đường thông thương với bên ngoài. Phần khác, dù nằm ở địa hình khá hẻo lánh, cách trở nhưng nhiều năm qua, Trường PTCS Trấm vẫn không được nằm trong diện thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Giáo viên đã dốc lòng vì sự nghiệp trồng người với mảnh đất này, thiết nghĩ cần có chế độ đãi ngộ nhất định tạo nhằm điều kiện cho họ ổn định đời sống, yên tâm công tác.