Thứ năm, 17/7/2014, 22h07

Hát để trả nợ… cuộc đời

Đời Rất Đẹp rạng rỡ khi biểu diễn trên sân khấu
Sống tự lập là mơ ước và mục tiêu của nhiều người khuyết tật. Những chàng trai, cô gái trong nhóm hát Đời Rất Đẹp không chỉ nỗ lực vươn lên, vượt qua hoàn cảnh để tạo dựng một cuộc sống ổn định mà sau những giờ làm việc vất vả, họ còn lan tỏa tiếng hát của mình để mang đến cho đời niềm vui.
Mỗi câu chuyện một số phận
Gặp nhau trong những lần tham gia các dự án vì cộng đồng người khuyết tật tại Trung tâm Khuyết tật và phát triển - DRD (Q.10, TP.HCM), các thành viên của nhóm Đời Rất Đẹp đã tìm được sự chia sẻ, cảm thông. Mỗi ngày đi qua, họ càng gắn kết với nhau hơn khi có cùng niềm đam mê âm nhạc. Và tên gọi của nhóm ra đời giản dị, chân thành như thế. Mỗi câu chuyện về người khuyết tật dường như lúc nào cũng mang một nỗi buồn man mác với chuỗi ngày họ phải đấu tranh với chính bản thân mình để vượt qua sự tự ti, mặc cảm. Trò chuyện với những thành viên của Đời Rất Đẹp, chúng tôi cảm nhận được nghị lực, tình yêu tha thiết của họ với cuộc đời này.
Nguyễn Thanh Tùng (SN 1984, trưởng nhóm) chia sẻ: “Trước giờ mọi người vẫn hay nhìn người khuyết tật với ánh mắt thương hại. Nhóm chỉ mong có thể dùng tiếng hát của mình không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc mà còn muốn xóa bỏ mọi rào cản về người khuyết tật”. Đôi mắt sáng trong và nụ cười rất tươi, chàng thanh niên quê ở Bến Tre kể chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời mình và những ngày đầu tiên khi đặt chân đến Hội quán Đời Rất Đẹp (trực thuộc DRD). Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM, Tùng về làm việc tại Trung tâm DRD. Hiện nay, Tùng đang giữ vai trò quản lý dự án “Sống độc lập” của DRD, phụ trách và đồng hành cùng các hoạt động hỗ trợ cho sinh viên khuyết tật. Tùng tự nhận mình là người may mắn khi bản thân có khiếm khuyết nhưng luôn được sống giữa những yêu thương của cuộc đời và có thể góp một phần nhỏ bé của mình để làm điều có ích cho xã hội.
Với khả năng chơi guitar và thổi kèn harmonica, Chu Duy Thiện (SN 1984) giữ một vai trò khá chủ đạo trong nhóm hát. 13 tháng tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân của Thiện. Với những nỗ lực không ngừng, Thiện đã tốt nghiệp ngành mỹ thuật công nghiệp (Khoa Thiết kế đồ họa, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) và vẫn đang cố gắng từng ngày để có thể trở thành một nhà thiết kế đồ họa giỏi. Thiện đã từng góp mặt trong bộ sưu tập ảnh Họ đã sống như thế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
Điều ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với những chàng trai, cô gái trong nhóm Đời Rất Đẹp là nụ cười tươi tắn và sự lạc quan của họ.
Điều ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với những chàng trai, cô gái trong nhóm Đời Rất Đẹp là nụ cười tươi tắn và sự lạc quan của họ. Phía sau những nụ cười ấy có lẽ chẳng thể nào đếm hết những gian truân mà họ đã vượt qua. Nguyễn Thị Thơm - cô gái trẻ tuổi nhất trong nhóm - đã từng đoạt giải nhất với bài viết Cuộc sống là chuỗi những thử thách khi tham gia chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… phối hợp tổ chức. Mẹ Thơm qua đời vì căn bệnh ung thư máu. Gánh nặng gia đình đè nặng lên cô gái khuyết tật khi Thơm phải chăm sóc cả người em trai bị động kinh. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng Thơm vẫn làm tốt công việc của mình tại Đội kê khai - kế toán thuế thuộc Chi cục Thuế Q.1 và tham gia các chương trình sinh hoạt cộng đồng tại DRD…
Phương Quế Chi, Lê Văn Liễu, Trần Vũ Hoài Phương là những thành viên cũng đã góp phần không nhỏ vào sự thành công trong những lần biểu diễn của nhóm. Mỗi câu chuyện của họ là một số phận, một nghị lực rất đáng được trân trọng.
Mong có nhiều sân chơi cho người khuyết tật

Đời Rất Đẹp trong một buổi giao lưu ra mắt sách ảnh về Nick Vujicic tại Việt Nam (ảnh do nhân vật cung cấp)
Qua mỗi bài hát, Đời Rất Đẹp đều hy vọng sẽ gửi gắm những thông điệp yêu thương. “Với chúng tôi, hát không phải để mưu sinh mà hát để thỏa mãn niềm yêu thích, hát để tri ân cuộc đời và hát với mong muốn thay đổi suy nghĩ đã được đóng khung về người khuyết tật” - Thiện tâm sự.
Có lần, Đời Rất Đẹp tham gia biểu diễn tại một khu công nghiệp ở Bình Dương, sau khi kết thúc, công nhân cứ yêu cầu cả nhóm hát thêm nữa. Niềm vui đối với họ có khi là được đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ tên tuổi, đầy tâm huyết với âm nhạc Việt Nam. Hay đôi khi chỉ là một câu hỏi “Tại sao hát ít quá vậy?” vọng lên từ dưới hàng ghế ngồi của khán giả cũng đủ làm Đời Rất Đẹp như được tiếp thêm niềm tin yêu vào cuộc đời. “Có những lần đi diễn, khi bước lên sân khấu, trán ai cũng ướt đẫm mồ hôi vì phải di chuyển khó khăn nhưng nhìn thấy khán giả ủng hộ màn trình diễn của nhóm thì bao mệt mỏi tan biến hết” - Quỳnh Chi kể.
Hiện nay, sân chơi cho người khuyết tật còn khá hạn chế vì nhiều lý do. Chị Đồng Lê Quỳnh Hương - quản lý Hội quán Đời Rất Đẹp - cho biết: “Có nhiều bạn khuyết tật chỉ loanh quanh từ nhà đến chỗ làm, không có sân chơi nào để họ tham gia. Điều này luôn thôi thúc chúng tôi trong thời gian tới phải có những dự án để giúp họ có những sân chơi, tự tin hòa nhập với cộng đồng”. Sắp đến, Đời Rất Đẹp sẽ tham gia biểu diễn tại nhiều trường ĐH ở TP.HCM để lên tiếng nói cải thiện cơ sở sinh hoạt, học tập cho sinh viên khuyết tật. Nhìn ánh mắt hồ hởi của cả nhóm mới cảm nhận được tâm huyết của họ khi thực hiện các chương trình vì cộng đồng người khuyết tật.
Yên Hà
“Lần đầu được nghe nhóm Đời Rất Đẹp biểu diễn trong một đêm nhạc Trịnh Công Sơn, tôi bị chinh phục khi tiếng hát của các bạn trẻ đầy nghị lực ấy đã chạm vào trái tim những người thuộc thế hệ chúng tôi”, bà Vương Thị Lan (60 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết.