Thứ ba, 8/4/2014, 21h04

Kì thú đảo yến

 

Tổ yến dày đặc trong hang
Mất 1 giờ vượt 27 hải lí từ cảng Đá (Nha Trang, Khánh Hòa), con tàu nhỏ chở chúng tôi vượt qua vịnh Cam Ranh đẹp như tranh vẽ rồi chòng chành cập đảo Hòn Sam - một trong số 19 hòn đảo có loài chim yến cư ngụ.
Qua làn nước trong vắt có thể thấy rặng san hô lung linh huyền ảo, những con cá chuồn giật mình vọt lên khỏi mặt nước như tên bắn.
Trên hốc đá cheo leo từng đàn chim yến túa ra đen nghịt. Tiếng ríu rít gọi bầy của chúng hòa trong tiếng sóng biển rì rầm bất tận. Đảo yến đẹp hoang sơ như trong cảnh thần tiên…
“Vàng trắng” xứ trầm hương
Theo chân anh Hữu Trí (hướng dẫn viên Công ty Du lịch Yến Sào Khánh Hòa), chúng tôi lò dò chui vào con đường rất hẹp, gập ghềnh lởm chởm đá, nhẹ nhẹ tiến vào hang yến.
Bên trong cửa hang tối om, hai bên vách đá sừng sững cao đến hơn 20m. Mùi phân yến sộc vào mũi chúng tôi ngai ngái. Trong chút ánh sáng le lói, hiện ra trước mắt chúng tôi vô số tổ yến có hình dạng như chiếc vỏ sò đan xen nhau trắng xóa trên vách đá. Phát hiện thấy người lạ đột nhập, rất đông chim yến giật mình túa ra khỏi tổ.
Chúng tôi đứng ngây người trước nơi được mệnh danh là kho “vàng trắng” mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất xinh đẹp, nổi danh với thứ trầm hương thơm lừng.
Hướng dẫn viên Hữu Trí cho biết đây là một trong những hang yến hiếm hoi mà người “tay ngang” như chúng tôi có thể lên được, bởi ngoại trừ một số hang được khai thác du lịch thì muốn vào hang “độc” nhiều yến nhất Khánh Hòa này rất khó.
Hiểm trở nhất trong các hang yến là những hang thuộc đảo Hòn Ngoại cách đó vài hải lí. Muốn xuống những hang này chỉ có độc một cách là đu dây theo vách đá. Theo ước tính của những người giữ đảo, số lượng tổ yến tại các hang này lên đến 30 ngàn tổ! Mỗi khi chúng rời tổ, hàng chục ngàn con yến bay lượn đen kịt cả bầu trời…
Tinh hoa trời và đất

Du khách thăm hang yến Hòn Nội
Nghe chúng tôi hỏi về yến, tất cả những người giữ đảo ở đây cho biết yến là một loài chim vô cùng kì lạ. Bé xíu bằng ngón chân cái nhưng yến có sức dẻo dai đến không ngờ. Mờ sáng, đàn yến rủ nhau vượt hàng trăm cây số liên tục không dừng để bắt các loài côn trùng bay và chỉ trở về “nhà” khi trời sập tối.
Yến chỉ một lần kết đôi duy nhất. Nếu một trong hai con chết, con còn lại suốt đời không kết bạn và làm tổ nữa. Tuy nhiên, điều hấp dẫn chúng tôi nhất chính là những câu chuyện kể về chiếc tổ kì lạ của chúng. Cứ độ vào tháng chạp hàng năm, cặp vợ chồng yến thay nhau nhả từng sợi nước bọt trong suốt để làm ra những chiếc tổ xinh xinh. Thứ nước bọt ấy, nguồn dinh dưỡng vô cùng quí giá từ bao đời nay được xem là tinh hoa của trời và đất tặng cho con người Khánh Hòa.
Mùa thu hoạch tổ yến ở đây bắt đầu từ tháng hai, tháng ba (âm lịch). Sau đó vì mất tổ, yến tiếp tục làm tổ lần thứ hai trong năm để duy trì nòi giống.
Chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà đơn sơ cheo leo trên vách đá sừng sững, anh Hữu Trí nói: “Bảo vệ và khai thác hợp lí nguồn “vàng trắng” thiên nhiên này là một công việc vô cùng gian nan. Cái nghề “cha truyền con nối” này đầy trách nhiệm và sự hi sinh”.
“Robinson” trên đảo yến
Yến chỉ một lần kết đôi duy nhất. Nếu một trong hai con chết, con còn lại suốt đời không kết bạn và làm tổ nữa.
Tiếp tục vượt qua một con đường hiểm trở với những vách đá dựng đứng cheo leo đến chóng mặt, cuối cùng chúng tôi cũng đến được căn chòi giữ yến của hai anh Trương Thành Trung và Nguyễn Đình Hùng.
Do anh Hùng về phép nên Thành Trung cáng đáng tất cả công việc trên đảo. Anh chàng bảo vệ trẻ tâm sự: “Tất cả mọi thứ kể cả nước ngọt đều phải chở ra từ đất liền nên cuộc sống của mọi người ở đây vô cùng vất vả”. Thành Trung kể thêm những hôm biển động, anh em giữ đảo phải dè xẻn từng giọt nước ngọt để nấu ăn chứ làm gì dám nghĩ đến tắm gội.
Rồi những hôm người bạn về phép trong cái lạnh thấu xương của biển đêm, chàng “Robinson” phải một mình trở dậy vượt qua những vách đá cheo leo, những con rắn biển với nọc độc chết người để tuần tra khắp đảo.
Niềm vui duy nhất cũng là tình yêu của người giữ đảo chính là tiếng hải âu vang vọng, tiếng ríu rít thân thương của bầy yến ngày ngày bay lượn quanh mình.
Đang mùa khai thác, các “Robinson” lại phải đối mặt với vô số hiểm nguy luôn rình rập khác. Chỉ với giàn giáo tre thô sơ, những người thợ khai thác đu mình trên các vách đá cheo leo đầy rêu xanh trơn trượt cao đến 40m từ mặt nước biển, nhẹ nhàng gỡ từng chiếc tổ yến xinh xinh. Chỉ một sơ sẩy nhỏ họ sẽ phải đổi bằng mạng sống của mình. Thành Trung bùi ngùi: “Mặc dù bố tôi đã mất 8 năm trước trong một tai nạn tương tự nhưng bố đã để lại cho tôi lòng đam mê và trách nhiệm bảo vệ loài chim quí này. Theo nghề bố, dù khổ mấy tôi cũng không chùn bước đâu”. Sau đó Thành Trung cặm cụi xách hai thùng nước biển vượt qua vách đá lởm chởm để tưới cho hang yến thêm độ ẩm và mát mẻ.
Đứng giữa trời biển Khánh Hòa mênh mông, trong lòng chúng tôi chợt bồi hồi khó tả. Chính tại nơi này, từ bao đời nay con người và loài yến gặp nhau ở sự hi sinh và lòng thủy chung cho quê hương xứ trầm hương xinh đẹp…
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Người phát hiện ra đảo yến được lập đền thờ
Năm 1328, thuyền của ông Lê Văn Đạt (Đề đốc nhà Trần) bị bão đánh dạt vào Hòn Tre (Khánh Hòa) và ông đã tìm ra đảo yến. Nghề yến sào ra đời từ đó. Năm 1769, hậu duệ của ông là Lê Văn Quang và con gái Lê Thị Huyền Trâm (Đại đô đốc thủy quân nhà Tây Sơn) đã có công rất lớn trong việc bảo vệ và khai thác yến sào. Ông Đạt, bà Trâm được nhân dân cung kính gọi là Đảo Yến bảo chủ và Đảo Yến thánh mẫu - lập đền thờ tại Hòn Nội.
Tại Nha Trang, năm 1993, lần đầu tiên chim yến về sinh sống tại nhà số 21 Lê Thành Phương. Năm 1996, bầy chim này chuyển về sinh sống tại nhà số 155 Thống Nhất. Các nhà khoa học hiện vẫn đang tìm hiểu và nghiên cứu với mong muốn phát triển nguồn tài nguyên vô giá này. Yến sào là món ăn không mùi không vị nhưng được xem là cực kì bổ dưỡng chỉ dành cho vua chúa ngày xưa.